Ông đã giúp Apple đạt được dấu mốc quan trọng khi là công ty niêm yết đầu tiên của Mỹ đạt mốc vốn hóa 1.000 tỷ USD.

Timothy Donald Cook (Tim Cook) sinh ra ở thành phố Mobile, Alabama, ngày 1/11/1960. Ông lớn lên ở gần thành phố Robertsdale, nơi đã trải qua quãng đời học sinh ở trường trung học. Cha của ông, Donald Cook, là một công nhân đóng tàu. Mẹ ông, Geraldine Cook, làm việc tại một hiệu thuốc.

Ảnh Tim Cook trong niên giám trung học của trường

Ảnh Tim Cook trong niên giám của trường trung học Robertsdale.

Năm 1982, Cook tốt nghiệp Đại học Auburn ở Alabama với bằng kỹ sư công nghiệp. Cũng trong năm đó, ông gia nhập công ty IBM và làm ở bộ phận máy tính mới của mình. Thời điểm này, hệ điều hành Windows của Microsoft thậm chí còn chưa được định hình. Trong quãng thời gian dài làm việc tại đây, ông đã tiến từng bước để có được vị trí Giám đốc hậu cần khu vực Bắc Mỹ. Trong quãng thời gian này, ông học thêm và nhận bằng Thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) của trường Kinh doanh Fuqua thuộc Đại học Duke ở Bắc California năm 1988.

Năm 1996, Cook bị chẩn đoán nhầm căn bệnh đa xơ cứng (Multiple Sclerosis), một chứng rối loạn não bộ và tủy sống có thể khiến người bệnh bị liệt. Sự việc này đã thay đổi thế giới quan của Cook, lúc này đã 36 tuổi, khiến ông bắt đầu nhìn thế giới theo một cách khác đi. Kể từ đó, ông bắt đầu nhiều hơn cho các tổ chức từ thiện, thậm chí tham gia cả các cuộc đua xe đạp.

Sau 12 năm ở IBM, Cook ra đi để đảm nhận vai trò Giám đốc điều hành hoạt động (COO) tại một công ty có tên là Intelligent Electronics. Năm 1997, ông trở thành phó chủ tịch phụ trách mảng khách hàng doanh nghiệp tại Compaq. Tuy nhiên, sự nghiệp của ông tại Compaq chỉ kéo dài 6 tháng ngắn ngủi.

Khi đó, Steve Jobs vừa mới lên nắm quyền với tư cách là CEO của Apple, sau sự thất bại trong quá trình điều hành của người tiền nhiệm Gil Amelio. Đây là một quãng thời gian khó khăn với Jobs, bởi quay trở lại sau nhiều năm, mối liên kết với các đồng nghiệp cũ không còn. Ông phải đi tìm các cộng sự mới cho mình. Vì vậy, Jobs đã tiếp cận Cook, sau khi xác định người đàn ông này là một đối tượng tiềm năng cho việc gây dựng lại Apple. Tim Cook đã ký hợp đồng với Apple ở vai trò ban đầu là Phó chủ tịch cấp cao (SVP) phụ trách vận hành toàn cầu.

“Khi đó bất kỳ sự so sánh nào về lương thưởng và phúc lợi đều ưu tiên Compaq và tất cả những người quen biết đều khuyên tôi ở lại công ty. Nhưng vào những ngày định mệnh đầu năm 1998 ấy, tôi đã nghe theo trực giác bản thân. Không quá năm phút trong cuộc phỏng vấn đầu tiên với Steve, tôi đã dẹp bỏ sự thận trọng và lý trí của mình để quyết định gia nhập Apple. Trực giác của tôi đã biết rằng đây là cơ hội duy nhất trong đời để làm việc cho một thiên tài sáng tạo và góp mặt trong đội ngũ điều hành có thể hồi sinh một công ty vĩ đại của nước Mỹ”, Cook từng chia sẻ về buổi phỏng vấn của mình với Steve Jobs.

Tim Cook đã chọn để góp mặt trong đội ngũ điều hành có thể hồi sinh một công ty vĩ đại của nước Mỹ.

Tim Cook đã chọn để “góp mặt trong đội ngũ điều hành có thể hồi sinh một công ty vĩ đại của nước Mỹ”. Ảnh: Reuters

Trên thực tế, trong khi việc đưa ra lựa chọn của Cook khá dễ dàng, với Steve Jobs đây lại là một quyết định không đơn giản. Lúc này, Apple đang là công ty bị cả giới công nghệ châm biếm. Michael Dell, nhà sáng lập kiêm CEO công ty máy tính Dell Inc, một trong các đối tác thân cận nhất của Microsoft khi đó, thậm chí còn mỉa mai rằng nếu mình là Jobs, ông sẽ “đóng cửa công ty và trả lại hết tiền cho các cổ đông”.

Một trong những quyết định táo bạo đầu tiên của Tim Cook khi về với Apple là đóng cửa tất cả nhà máy và kho hàng của công ty, thay thế chúng bằng các hợp đồng sản xuất với những nhà bán lẻ linh kiện. Điều này đã giúp thiết bị có thể được sản xuất với số lượng lớn hơn và được phân phối nhanh hơn, với chi phí thấp hơn.

Tim Cook từng nói về quan điểm quản lý của mình như sau: “Hãy quản lý công ty như đang kinh doanh sữa (tuổi thọ trên kệ hàng rất ngắn). Nếu để sản phẩm tồn kho thêm một ngày, tức là bạn đang gặp vấn đề”.

Bắt đầu từ năm 2005, Cook đã đưa ra các quyết định đầu tư quan trọng và mạo hiểm để xây dựng nền tảng cho tương lai của công ty. Bao gồm việc hình thành các giao dịch quan trọng với những nhà sản xuất bộ nhớ flash hay ổ lưu trữ trên máy tính, các thành phần cơ sở của các thiết bị sau này như iPhone và iPad.

Quan điểm và tầm nhìn khi đó của ông là khi các đối thủ cạnh tranh muốn tạo ra smartphone và máy tính bảng của riêng mình, họ phải tranh nhau đặt hàng ở các nhà máy đã ký hợp đồng với Apple. Điều này có nghĩa là các công ty đó chỉ có thể tận dụng nguồn lực ít ỏi mà Apple nhường ra, để phát triển.

Tim Cook đã đưa ra nhiều quyết định sáng suốt để giúp Apple phát triển như hiện tại.

Tim Cook đã đưa ra nhiều quyết định sáng suốt để giúp Apple phát triển như hiện tại.

Nhờ chuyên môn quản lý của mình, vị thế của Cook trong công ty đã tăng lên nhanh chóng. Apple trên đà phát triển và thu về lợi nhuận ngày càng lớn, bản thân ông cũng nhận được tưởng thưởng xứng đáng. Nhưng đi kèm với nó lại là một hình tượng cá nhân xấu, khi ông trở nên nổi tiếng trong công ty bởi “không có lòng thương xót, người sẵn lòng tổ chức các cuộc họp kéo dài hàng giờ cho đến khi tìm ra định hướng đúng đắn cho các vấn đề và có xu hướng gửi email bất kể giờ giấc đồng thời luôn mong nhận được phản hồi sớm nhất”.

Năm 2007, Apple giới thiệu iPhone, thiết bị đã thay đổi mọi thứ, cả công ty lẫn thế giới. Cùng năm đó, Jobs đã đưa Cook đến gần hơn một chút vào vị trí trung tâm công ty, bằng cách trao cho ông chức danh COO. Tại thời điểm này, nhiều nguồn tin nội bộ từ Apple nói rằng Cook đã nắm quyền điều hành hầu hết mọi hoạt động và Jobs chỉ đưa ra các quyết định quan trọng về sản phẩm. Ông cũng dần xuất hiện nhiều hơn tại các sự kiện công cộng, cũng như trước các khách hàng, đối tác và nhà đầu tư.

Năm 2009, Tim Cook được bổ nhiệm làm CEO tạm thời khi Steve Jobs nghỉ việc vì lý do suy giảm sức khỏe. Trước đó năm 2003, Jobs đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tụy.

Khi biết Jobs phải phẫu thuật ghép gan, Cook thậm chí đã đề nghị hiến tặng một phần lá gan của mình, bởi cả hai có chung một nhóm máu hiếm. Nhưng Jobs từ chối, ông nói: “Tôi sẽ không bao giờ cho phép anh làm điều đó. Tôi sẽ không bao giờ cho phép điều đó xảy ra”. “Jobs chỉ to tiếng với tôi đúng 4 lần trong suốt 13 năm làm việc cùng ông. Đó là một trong 4 lần đấy”, Cook từng chia sẻ về khoảnh khắc đó.

Vào tháng 1/2011, Cook đã tiếp quản vị trí CEO tạm thời một lần nữa khi Jobs nghỉ phép để chữa bệnh. Tháng 8/2011, Steve Jobs từ chức để tập trung hoàn toàn vào vấn đề sức khỏe của mình, chính thức đưa Tim Cook lên làm CEO của Apple. Khi Jobs qua đời vào ngày 5/10/2011, Tim Cook đã cho treo cờ rủ trong khuôn viên trụ sở chính của Apple.

Tim Cook giữ lại nhiều yếu tố truyền thống từ thời Steve Jobs. Ảnh: Reuters

Tim Cook giữ lại nhiều yếu tố truyền thống từ thời Steve Jobs. Ảnh: Reuters

Sau sự ra đi của Steve Jobs, Cook phải đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó lớn nhất là việc phải vượt qua cái bóng quá lớn của người tiền nhiệm. Điều này càng đặc biệt hơn khi iPhone đã trở thành một trong những chiếc smartphone được yêu thích nhất thế giới và Jobs được tưởng nhớ như một trong những CEO vĩ đại nhất lịch sử. Nhiều người bắt đầu nghi ngờ liệu Tim Cook có thể chèo lái con thuyền Apple tiếp tục tiến lên hay không.

Cook giữ lại nhiều truyền thống quan trọng của Apple giống khi Jobs còn sống, như sự xuất hiện của các ngôi sao nhạc rock tại các sự kiện lớn của công ty hay câu nói nổi tiếng “One more thing” khi giới thiệu về sản phẩm mới. Nhưng ông cũng đưa ra nhiều sự thay đổi lớn. Khá kín tiếng về bản thân, Cook không chia sẻ nhiều chi tiết về cuộc sống gia đình của mình. Mọi người chỉ biết ông thích đi bộ đường dài, đạp xe và tập thể dục (nhưng ông chưa bao giờ bước chân vào phòng gym trong khuôn viên của Apple).

Năm 2014, Cook công khai mình thuộc giới tính thứ ba. Điều đó khiến ông trở thành CEO đầu tiên của công ty trong danh sách Fortune 500 làm điều này.

Trong năm 2015, Apple đã phát hành Apple Watch, sản phẩm hoàn toàn mới đầu tiên của công ty trong kỷ nguyên hậu Steve Jobs.

Hôm nay, Apple đã trở thành công ty trị giá một nghìn tỷ đô la đầu tiên và duy nhất trên thế giới. Để so sánh, nó có giá trị khoảng 330 tỷ USD dưới thời của Jobs.

(theo Business Insider)

Bảo Nam

Theo VNExpress

BÌNH LUẬN