Dù vẫn bị chỉ trích vì sao chép Apple, Samsung, đa số thay đổi đáng kể của làng di động gần đây lại tới từ các công ty Trung Quốc.
Vị trí đặt cảm biến nhận diện vân tay vẫn đang là bài toán khó cho các hãng điện thoại. Do không còn nút Home, Apple phải loại bỏ tính năng này và thay thế bằng nhận diện khuôn mặt. Chuyên gia phân tích nổi tiếng Ming-Chi Kuo cho biết Apple sẽ đưa Touch ID trở lại nếu họ thành công trong việc đặt cảm biến vân tay dưới màn hình. Thách thức lớn nhất mà công ty công nghệ Mỹ gặp phải đến từ panel cảm ứng lực. Công nghệ 3D Touch khiến màn hình iPhone dày hơn và làm giảm độ chính xác của máy quét vân tay khi đặt dưới tấm kính.
Tương tự, Samsung phải chuyển cảm biến ra mặt sau nhưng bị chê vì khiến phần lưng máy rườm rà và gây bất tiện cho người sử dụng. Họ đã thử nghiệm nhúng cảm biến vân tay dưới màn hình, nhưng khu vực chứa cảm biến sáng hơn đáng kể so với phần còn lại của màn hình. Có thể phải tới năm 2019, người dùng mới có cơ hội trải nghiệm công nghệ này trên Galaxy S10.
Cảm biến vân tay dưới màn hình đang là mục tiêu phát triển của các nhà sản xuất di động. |
Khi hai tên tuổi lớn nhất của làng di động còn đang đau đầu tìm giải pháp, một công ty đến từ Trung Quốc là Vivo đã nhanh chân đi trước. Chiếc điện thoại Vivo Nex S được trang bị cảm biến vân tay dưới màn hình. Nó chưa thực sự hoàn hảo theo trải nghiệm của GSMArena nhưng cũng cho người dùng thấy tiềm năng của công nghệ mới mẻ này.
Trong khi đó, từ năm 2016, giới công nghệ đã nhận định số lượng camera trên smartphone sẽ tăng lên. Một số nguồn tin khẳng định iPhone 2019 sẽ được trang bị tới ba ống kính ở mặt sau. Còn nếu bạn muốn trải nghiệm ngay một chiếc điện thoại với cụm ba camera? Một lựa chọn duy nhất lúc này là P20 Pro của Huawei – cũng là một công ty đến từ Trung Quốc.
Danh sách vẫn còn kéo dài. Bạn có biết điện thoại nào đang sở hữu viền màn hình mỏng nhất thế giới? Tất nhiên đó là Oppo Find X của Trung Quốc với tỷ lệ màn hình tới 93,8%. Vậy điện thoại nào đứng thứ hai? Vẫn là của Trung Quốc với Vivo Nex cùng tỷ lệ 91,24%. Các mẫu smartphone khác như iPhone X hay Galaxy S9 mới chỉ đạt mức 82% đến 85%. Để đạt được điều đó, cả Oppo và Vivo cùng chọn giải pháp camera giấu kín, ẩn bên trong máy và sẽ trồi lên khi được người dùng kích hoạt.
Trang công nghệ Mashable nhận định, có thể Apple và Samsung quá lớn để mạo hiểm thử nghiệm những cái mới và họ chỉ trang bị cho sản phẩm khi công nghệ đủ chín muồi. Tuy nhiên, trong lúc các ông lớn vẫn chỉ dùng đi dùng lại thiết kế cũ, bổ sung vài vỏ màu mới hay thu nhỏ tai thỏ, thì chính những công ty Trung Quốc mới đi trước và mang đến cho người dùng cái nhìn về smartphone tương lai.
Vì thế, nếu muốn tìm kiếm những thiết bị đột phá và sáng tạo trên điện thoại trong giai đoạn này, bạn nên thử trải nghiệm một số smartphone của những cái tên như Oppo, Vivo, OnePlus, Huawei, Lenovo và Xiaomi. Họ có thể vẫn sao chép những cái mới của Apple, Samsung, nhưng đang thể hiện sự nghiêm túc hơn về mặt thiết kế và phát triển các tính năng. Xa hơn, với các sản phẩm sáng tạo, một số tính năng “đi trước thời đại”, nền công nghệ Trung Quốc đang phát triển nhanh, đe dọa sự thống trị của thung lũng Silicon – vốn được biết đến như là trung tâm công nghệ thế giới.