Phim của đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng tạo được không khí đặc trưng của phim trinh thám nhưng câu chuyện một chiều, dễ đoán.
Phim mới lấy bối cảnh Đà Lạt vào thập niên 1960. K (Hứa Vĩ Văn đóng) là một thanh tra nhiều kinh nghiệm nhưng mắc sai sót nghiêm trọng, bị cấp trên khiển trách. Trong lúc này, một vụ trọng án xảy ra khi hai vợ chồng nghệ sĩ nổi tiếng Liên Hoa bị sát hại trước mắt đứa con trai. Thanh tra Dương (Quang Sự đóng) – người luôn cạnh tranh với K – thụ lý vụ việc và nhanh chóng tìm ra nghi phạm, Tuy nhiên, K tin người này bị bắt oan. Tự điều tra, anh phát hiện sự việc có liên quan đến hàng loạt vụ bắt cóc trẻ em trong thành phố.
Ống kính sát nhân mang âm hưởng của dòng phim noir Mỹ thập niên 1940-1950 với loạt cảnh có độ tương phản sáng/tối mạnh ở văn phòng cảnh sát. Để thực hiện các trích đoạn này, nhà làm phim dùng một nguồn sáng mạnh trong phòng tối. Các vùng sáng và tối trong bối cảnh được phân chia rõ ràng. Những khuôn mặt người đôi khi chìm hẳn vào vùng tối, còn nếu lộ ra sáng thì diễn xuất trên gương mặt của họ sẽ là tâm điểm trong trích đoạn. Khi câu chuyện tiến triển, một số màu khác được sử dụng làm chủ đạo trong cảnh quay, ví dụ như màu đỏ báo hiệu tình thế nguy hiểm.
Thành phố hiện lên với không khí mờ ảo, mang nhiều tính đe dọa và hầu như bị tước hết các đặc trưng của Đà Lạt. Điều này rất khác với một phim gần đây là Tháng năm rực rỡ – cũng diễn ra ở Đà Lạt trước năm 1975 – với rất nhiều khung hình và chi tiết nhắc câu chuyện đang diễn ra ở thành phố cao nguyên. Bối cảnh trong Ống kính sát nhân không phải Đà Lạt của hiện thực mà được xây dựng với chủ đích đưa khán giả vào sự mơ hồ về địa điểm và thời gian. Với nhiều cảnh quay chậm, tổng thể phim giống một giấc mơ u tối và trầm buồn.
Hứa Vĩ Văn (trái) và đạo diễn Nguyễn Hữu Hoàng (giữa) trên trường quay. |
Dù có phần hình ảnh nhất quán và có ý đồ, tác phẩm do Nguyễn Hữu Hoàng đạo diễn và biên kịch mắc nhiều lỗi kịch bản. Nhà làm phim trẻ sử dụng những tình tiết quen thuộc của các phim noir trinh thám như vị thám tử đang gặp khủng hoảng, một vụ án khó với sự kết tội sai lầm, các âm mưu và sự xuất hiện của một phụ nữ xinh đẹp (Diễm My 9x đóng). Tuy nhiên, câu chuyện của anh có tình tiết mỏng, chưa đủ sức thu hút. Ở khía cạnh trinh thám, phim mắc điểm trừ lớn là hung thủ khá dễ đoán. Nhân vật này xuất hiện với phong cách quá kỳ dị so với các nhân vật còn lại ngay khi phim mới trôi qua phân nửa. Khi kẻ ác bị lật mặt, tác phẩm trở nên lê thê trong hồi ba, nặng tính khoa trương yếu tố kinh dị, giảm chất trinh thám.
Kịch bản của Ống kính sát nhân cũng không đạt sự cân bằng giữa các tình tiết được bày ra và cách giải quyết chúng. Thám tử K gây một lỗi lầm lớn do mắc chứng ngủ nhiều nhưng căn bệnh của anh được miêu tả mờ nhạt về sau. Các chi tiết trong vụ án được xử lý dễ dàng, không có nút thắt đắt giá. Các thanh tra lý luận nghiệp vụ còn đơn giản dù được giới thiệu là cảnh sát giỏi.
Con đường phá án và đấu tranh tâm lý của K nhìn chung là đơn điệu. Việc xuất hiện một nhân vật biết quá nhiều thông tin (Thương Tín đóng), lại ngồi sẵn trong quán rượu để trả lời thám tử K mỗi khi cần thiết khiến câu chuyện bị yếu. Hầu hết nhân vật trong phim không mạnh về tính cách, thậm chí một chiều. Trong khi đó, một số vai bỗng dưng biến mất khỏi câu chuyện, như thanh tra Dương.
Hứa Vĩ Văn và Diễm My trong phim. |
Hứa Vĩ Văn có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận trong giới hạn kịch bản. Với phong độ ổn định xuyên suốt phim, nam diễn viên thể hiện được hình ảnh bơ phờ, nhiều nghi hoặc của nhân vật. Để nhập vai này, anh cho biết phải nuôi râu, tập hút thuốc và thức đêm. Diễn viên đóng vai phản diện có lối diễn và ngoại hình phù hợp với chất điên loạn của nhân vật nhưng càng về cuối càng trở nên quá đà, dài dòng. Các nghệ sĩ còn lại hầu như không ghi dấu ấn do nhân vật nhạt nhòa.
Ống kính sát nhân khởi chiếu với nhãn C18 (không dành cho khán giả dưới 18 tuổi).
Ân Nguyễn
Theo VNExpress