Lời tố cáo cưỡng hiếp là sự kiện mới nhất trong chuỗi những chuyện gây tranh cãi bủa vây đạo diễn hàng đầu Hàn Quốc.

Ngày 6/3, chương trình PD Notebook (Hàn Quốc) công bố những lời cáo buộcnhắm tới Kim Ki Duk. Diễn viên giấu tên (tạm gọi là A) cho biết đạo diễn Kim Ki Duk nhiều lần gạ gẫm cô quan hệ tình dục sau khi tuyển cô vào vai chính trong Moebius. Hai ngày trước khi khởi quay phim này, ông yêu cầu cô quan hệ tay ba cùng ông và một cô gái khác.

Sau khi từ chối, A bị Kim Ki Duk loại khỏi phim. Đây chính là người tố cáo Kim tát và bắt cô đóng cảnh quan hệ tình dục bạo lực không có trong kịch bản Moebius. Cuối năm 2017, ông Kim bị xử thua kiện, phải nộp phạt 5 triệu won (hơn 100 triệu đồng).

Một nữ diễn viên giấu tên khác (B) nói Kim cưỡng hiếp cô sau hàng loạt hành động quấy rối và gạ gẫm trong quá trình chuẩn bị bấm máy. Theo người này, đạo diễn hứa cho cô vai chính ở dự án tiếp theo, chỉ cần cô tiếp tục quan hệ tình dục với ông. Sau phim đầu tiên với Kim, B cho biết phải đi trị liệu tâm lý và không thể đóng phim.

“Tôi đến gặp một nữ diễn viên nổi tiếng để xin lời khuyên, nhưng cô ấy nói ngành phim ảnh là vậy. Tôi run rẩy và ớn lạnh khi thấy sự nghiệp của Kim và Cho Jae Huyn (một người khác bị cô tố cáo cưỡng hiếp) thăng hoa”, cô bày tỏ.

Dưới bản tin về vụ tấn công tình dục của Kim Ki Duk của đài JTBC, tài khoản Pea Bright bình luận: “Một đạo diễn tầm quốc tế lại làm những điều dơ bẩn với nghệ sĩ của mình. Những kẻ thế này cần bị đào thải khỏi làng giải trí”. “Phim của Kim Ki Duk luôn gây tranh cãi vì tràn ngập dục vọng và những mối quan hệ xác thịt. Ngỡ như đó chỉ là phim ảnh, ai ngờ ngoài đời ông ta lại như vậy. Thật đáng buồn cho một tên tuổi từng làm rạng danh điện ảnh Hàn tại các liên hoan phim quốc tế”, độc giả Lee Hong Cheok viết trên Naver.

“Hành động quấy rối và gạ gẫm tình dục là cơn ác mộng của showbiz Hàn những ngày qua… Liệu dư luận Hàn Quốc quá dễ dãi hay những kẻ này đủ lực thao túng cả làng giải trí. Chúng tôi cần câu trả lời từ cơ quan chức năng. Làm ơn đừng im lặng hay chỉ điều tra qua loa”, Jo Kyung Shik viết trên News Joins.

Một cảnh trong Moebius - phim khiến Kim Ki Duk bị nhiều lời tố cáo.

Một cảnh trong “Moebius” – phim khiến Kim Ki Duk bị nhiều lời tố cáo.

Ở Hàn Quốc, Kim Ki Duk là cái tên luôn gắn liền với những tranh cãi, từ màn ảnh đến đời tư. Những tác phẩm của ông thường gây bàn tán bởi hình ảnh và chủ đề quá kinh khủng. Ông không ngần ngại mô tả trực diện các cảnh máu me, khỏa thân, cũng như bàn đến các vấn đề phi đạo đức như loạn luân, cưỡng hiếp.

Ngoài sự ghê rợn bề mặt, nhiều nhà hoạt động và phê bình cho rằng phim Kim Ki Duk có khuynh hướng thù ghét phụ nữ (misogyny) – trong đó các nhân vật nữ hay bị chà đạp và đau đớn. Dù vậy, những người ủng hộ Kim Ki Duk cho rằng ông xây dựng những tình huống này để truyền tải các ý tưởng về triết học, xã hội và tính cách con người.

Một ví dụ là trích đoạn ở hồi đầu phim Pietà, khi nam chính tên Lee Kang Do – vốn là tay đòi nợ thuê – đến đe dọa một gia đình. Lúc vợ của kẻ mắc nợ xin phục vụ tình dục cho Lee để tha cho chồng, hắn bỗng nổi giận và lấy đồ lót đánh cô tới tấp. Dưới lớp vỏ bạo lực nhắm đến phái nữ, Kim Ki Duk khéo mô tả quan điểm đạo đức của nhân vật. Lee Kang Do có thể tàn bạo trong nghề đòi nợ, nhưng anh phản ứng mạnh mẽ với sự bất chính trong hôn nhân, do đó không quan hệ với người phụ nữ mà trừng phạt cô.

Một cảnh trong Samaritan Girl.

Một cảnh trong “Samaritan Girl”.

Trên tờ Korean Cinema Today năm 2012, Kim Ki Duk chia sẻ: “Tôi không phải người đạo đức kiểu truyền thống. Tôi không ngại mô tả những khía cạnh xấu xa của xã hội Hàn Quốc. Đó là động cơ của tôi về mặt đạo đức. Tôi có thể làm những phim ít nhạy cảm hơn, nhưng e là mình sẽ bị chỉ trích nếu làm những thứ quá bình thường”.

Cuộc đời nhiều biến động của Kim Ki Duk cũng góp phần ảnh hưởng đến thẩm mỹ làm phim của ông. Kim sinh năm 1960 trong một gia đình nghèo ở Bonghwa (Hàn Quốc). Ông bỏ học từ năm 15 tuổi, làm công nhân trong nhà máy cho đến lúc gia nhập quân đội khi ngoài 20 tuổi. Đến năm 30 tuổi, Kim đến Paris (Pháp) học nghệ thuật, trước khi về nước làm phim đầu tay Crocodile (1996). Ngay từ đầu, ông đã chọn con đường của một tác gia (auteur) – làm phim để thỏa mãn cái tôi chứ không chiều theo đại chúng.

Pietà có nhiều ẩn dụ liên quan đến Thiên Chúa giáo.

“Pietà” có nhiều ẩn dụ liên quan đến Thiên Chúa giáo.

Nhìn chung, phim của Kim Ki Duk nặng tính phản biện xã hội. Nhân vật của ông không tròn trịa về đạo đức, thường làm những nghề lạ lùng và nguy hiểm, dằn vặt bởi những nỗi đau và thù hằn cá nhân. Hành trình của họ đầy thống khổ, phản ánh quan điểm nhân sinh của Kim. Samaritan Girl kể chuyện hai cô gái kiếm tiền đi châu Âu bằng nghề mại dâm (một hành nghề còn một dắt mối). Pietà kể chuyện gã đòi nợ tàn bạo nhưng thèm khát tình mẫu tử. Còn phim mới nhất Human, Space, Time and Human (vừa ra mắt ở Liên hoan phim Berlin 2018) mượn một chuyến tàu để ẩn dụ cho xã hội điên đảo, đầy dục vọng. Nhiều khán giả đã bỏ về vì tác phẩm này quá ghê rợn với cảnh cưỡng hiếp, đánh đập phái nữ.

Khác với nhiều tác gia khác chỉ giữ sự tranh cãi trong tác phẩm, Kim khuấy động dư luận cả ở các bài phỏng vấn. Ông nhiều lần chỉ trích xã hội và ngành điện ảnh Hàn Quốc. Năm 2000, khi phim The Isle bị hoãn chiếu ở Anh bởi cảnh lột da ếch và cắt xẻo cá, Kim trả lời trên Guardian: “Chúng tôi ăn tất cả cá dùng trong phim để bày tỏ sự trân trọng. Tôi đã làm nhiều hành vi tàn bạo với thú vật trong các phim của mình. Tôi sẽ bị giày vò lương tâm suốt phần đời”. Sau đó, trên Wayback Machine, ông cho rằng việc đối xử tàn bạo với thú vật thật ra không khác với việc chúng ta ăn động vật hàng ngày: “Trên màn ảnh, chuyện này có vẻ ác độc hơn, nhưng tôi không thấy gì khác biệt. Những người ăn thú vật hàng ngày vốn chẳng quan tâm đến cách chúng bị sát hại”.

Kim Ki Duk ăn mừng giải Sư Tử Vàng ở Venice.

Kim Ki Duk ăn mừng giải Sư Tử Vàng ở Venice.

Trong nước, Kim Ki Duk bị xem là kẻ lập dị, gần như hoạt động độc lập với ngành phim ảnh chính thống Hàn Quốc. Ngược lại, ở phương Tây, ông là một trong những đạo diễn châu Á được ngợi khen nhất, từng đoạt giải Sư Tử Vàng ở Liên hoan phim Venice 2012 (với Pietà), “Đạo diễn xuất sắc” ở Liên hoan phim Berlin 2004 (với Samaritan Girl) và giải “Nhãn quan độc đáo” (Un Certain Regard) ở Liên hoan phim Cannes 2011 (với Arirang). Giới phê bình Âu Mỹ nhìn chung chấp nhận quan điểm của Kim và vẫn đánh giá cao các phim của ông.

Tuy nhiên, khi trào lưu chống xâm hại tình dục lên cao, vị thế của nhà làm phim Hàn Quốc ở phương Tây cũng đang lung lay. Ở Liên hoan phim Berlin 2018, nhiều người phản đối việc ban tổ chức mời Kim Ki Duk bởi các sự cố trong quá khứ. Nhà làm phim cuối cùng vẫn được tham gia sự kiện. Ông chia sẻ: “Chúng tôi không muốn khiến ai tổn thương hay khổ sở khi làm phim. Dù phim có tuyệt vời thế nào, ta phải đảm bảo là không ai bị xúc phạm trong quá trình ghi hình, cả diễn viên và nhân viên đoàn. Đó là nền tảng trong cách tiếp cận của tôi”. Những lời tố cáo mới nhất của các diễn viên – nếu là thật – sẽ là cú đánh trực diện vào danh tiếng của Kim Ki Duk.

Ân Nguyễn

Theo VNExpress

BÌNH LUẬN