Trượt kỳ thi điều kiện, chàng trai từng được 5 đại học tốp đầu thế giới trao học bổng tiến sĩ, thấy cuộc đời ảm đạm và định tự tử.

Suy nghĩ tự tử của Chung – một nghiên cứu sinh thuộc trường đại học tốp đầu thế giới về công nghệ kỹ thuật – có từ mùa hè năm 2016. Khi ấy, em mới sang Thụy Điển thực hiện nghiên cứu nhưng hướng khai thác bị đi vào ngõ cụt, đồng nghiệp chê cười. Kỳ thi điều kiện năm đó, nghiên cứu sinh người Việt Nam bị trượt và có nguy cơ bị đuổi nếu thi lại hai lần không đỗ.

Đó là sự kiện tồi tệ nhất trong 6 năm du học đại học và tiến sĩ ở trời Tây của chàng trai Hà Nội. Học đại học Chung là sinh viên xuất sắc, được 5 trường tốp đầu thế giới trao học bổng tiến sĩ.

“Học trường tốp, sinh viên luôn có cảm giác lo sợ mình không xứng đáng với bạn bè. Lúc trượt kỳ thi điều kiện, nỗi sợ đó trong em càng lớn. Mỗi sáng thức dậy, em thấy cuộc đời ảm đạm, nghĩ lỡ mình có chết cũng không vấn đề gì lắm. Em muốn trốn tránh gánh nặng từ cái danh sinh viên trường tốp, từ kỳ vọng của bản thân, gia đình và thoát khỏi nỗi lo bị đuổi khỏi trường”, Chung kể.

Suốt 3 tháng, chàng trai sinh năm 1992 tránh tiếp xúc với mọi người, giấu kín chuyện thi trượt. Em lao vào học ngày đêm, không thiết ăn, ngủ, trong đầu chỉ có mục tiêu đỗ kỳ thi lại. Cùng với sự giúp đỡ của cố vấn tâm lý, Chung sau đó thoát khỏi trạng thái khủng hoảng và vượt qua kỳ thi.

Thời gian ngắn trước đó, bạn gái của Chung cũng mắc chứng rối loạn kiểm soát cảm xúc do quá áp lực với việc học tập, nghiên cứu. Cô thường tự làm hại bản thân, có lần đã tự tử nhưng được ngăn chặn kịp thời.

stress-vi-hoc-hanh-du-hoc-sinh-tung-nghi-toi-cai-chet

Nhiều du học sinh phải điều trị chứng trầm cảm. Ảnh minh họa.

Vi Anh, du học sinh tại một trường đại học kỹ thuật ở Nga, đã bị đưa vào trại tâm thần để chữa chứng trầm cảm. Em gặp khó khăn về ngôn ngữ và bị ám ảnh bởi người giảng viên hà khắc có tiếng trong trường.

“Thầy giáo ấy luôn cau có, mắng nhiếc và làm khó sinh viên. Điều tệ hại là em không thể hiểu thầy đang mắng gì để thay đổi. Môn học của giảng viên ấy, em bị điểm 3 là mức thấp nhất trong thang điểm của Nga. Khi được bạn bè hỏi kết quả thi, em đã khóc, cảm thấy thất vọng”, cựu sinh viên nhớ lại.

Vi Anh bắt đầu rơi vào trạng thái khủng hoảng khi kỳ tiếp theo lại học giảng viên khó tính. Mỗi lần cầm tài liệu môn học, em thấy lo sợ, bứt rứt nên không thể nhớ được gì, dù môn khác vẫn học tốt. Em kém ăn, mất ngủ, luôn sợ hãi sẽ bị đuổi học và phải đền bù hàng tỷ đồng cho nhà nước vì không thể trả bài cho giảng viên. Cô gái sinh năm 1991 bị ảo giác, có ý định tự tử.

“Em luôn cảm thấy có người theo dõi mình nên hay đánh loạn xạ không khí để xua đuổi. Đôi khi em tát mạnh liên tục vào mặt hoặc đứng trước gương trợn mắt, lè lưỡi tự hù dọa bản thân. Có lần em tự bóp cổ mình để tự sát”, Vi Anh chia sẻ.

Hết năm học thứ nhất, Vi Anh về Việt Nam chữa bệnh khi bác sĩ kết luận em trầm cảm nặng. Chữa chưa hết liệu trình nhưng thấy tinh thần khá lên, đặc biệt không muốn bố mẹ lo lắng và bị đàm tiếu là du học sinh kém cỏi, Vi Anh quay lại Nga học tiếp. Đối mặt với thầy giáo khó tính, em lại bị khủng hoảng, phải vào trại tâm thần, sau đó được bảo lưu kết quả để trở về Hà Nội.

“Mọi người nói du học là con đường màu vàng, đầy niềm vui, sự hứa hẹn lớn cho tương lai, nhưng đối với người sống hướng nội, khép mình như em, đó là những ngày thật khủng khiếp. Cái mác du học sinh áp lực đến nỗi chỉ có thể đi mà không có đường về do mọi người cười chê”, cựu du học sinh nói.

Giữa năm 2017, Vi Anh tốt nghiệp được đại học tại Nga sau khi nhà trường đổi giảng viên dạy môn em không thể qua.

Theo thống kê tại Mỹ năm 2012 có hơn 7% sinh viên và nghiên cứu sinh có ý định tự tử; 2,3% đã lên kế hoạch cho cái chết và khoảng 1% tự tử không thành.

Số du học sinh điều trị trầm cảm ở Trung tâm Tư vấn tâm lý giáo dục của TS.BS Lã Thị Bưởi (chuyên khoa II tâm thần học) cũng rất cao, trong 2-3 năm qua có khoảng 100 em. Không ít trường hợp từng nghĩ về cái chết.

Quỳnh Trang

vnexpress

BÌNH LUẬN