Không có ranh giới giữa học nghề và đại học, thực hành thường xuyên, trang thiết bị hiện đại là lợi thế cho sinh viên học nghề tại New Zealand
Theo ông Ben Burrowes, Giám đốc Marketing và Quan hệ chiến lược khu vực Đông Nam Á, Tổ chức Giáo dục New Zealand, năm 2016 có khoảng 36% du học sinh Việt Nam theo học tại các trường nghề New Zealand và xu hướng này được dự đoán ngày càng tăng.
Chính phủ giúp xóa nhòa ranh giới giữa học nghề và đại học
Bên cạnh nhu cầu về nguồn nhân lực có trình độ học thuật, New Zealand – cũng như bất kỳ quốc gia nào trên thế giới – rất cần lượng lớn lao động có tay nghề giỏi. Vì vậy, chính phủ nước này không ngừng đầu tư vào giáo dục nghề.
16 Học viện kỹ nghệ (Institute of Technology and Polytechniques – ITPs) cùng nhiều trường tư thục tại đây đều chịu sự giám sát chặt chẽ về chất lượng giảng dạy từ chính phủ. “Có thể nói, quốc gia này là cái nôi đào tạo nghề chuyên nghiệp với quy mô lớn, đa dạng ngành nghề và bằng cấp”, ông Ben Burrowes cho biết.
Ông Ben Burrowes, Giám đốc Marketing và Quan hệ chiến lược khu vực Đông Nam Á, Tổ chức Giáo dục New Zealand phát biểu tại buổi tọa đàm báo chí tháng 9 năm 2017. |
Tại New Zealand, sinh viên dù học nghề hay đại học đều được coi trọng như nhau trên thị trường lao động và các bằng cấp được công nhận rộng rãi toàn cầu. Do đó, học sinh xứ sở kiwi có thể theo đuổi nghề nghiệp yêu thích tại các trường nghề mà không phải đối diện với áp lực đỗ vào các trường đại học.
Học nghề vẫn có thể lấy bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ
Dù học nghề, sinh viên vẫn có thể học lên để lấy bằng cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ. Thời gian và học phí tại các học viện nghề cũng thấp hơn so với các chương trình đại học. Bên cạnh đó, chính phủ nước này còn có nhiều chính sách tạo điều kiện cho du học sinh quốc tế được ở lại làm việc sau khi tốt nghiệp. Theo đó, những ưu tiên từ chính phủ đã rút ngắn khoảng cách giữa việc học “làm thầy” và “làm thợ”.
Sinh viên được học kết hợp giữa lý thuyết và thực hành
Chương trình học tại các trường nghề ở New Zealand luôn gắn liền giữa xây dựng kiến thức nền tảng và kỹ năng ứng dụng vào thực tế, tạo hứng thú cho sinh viên suốt quá trình học.
Bạn Nguyễn Phạm Kha (cử nhân ngành Công nghệ Kỹ thuật – Học viện Ara Canterbury) chia sẻ: “Khi làm bài luận điều tra một địa điểm, thay vì chỉ tìm kiếm tài liệu và viết bài, chúng tôi được tham gia vào một cuộc điều tra địa chất tại khu vực từng xảy ra động đất để chuẩn bị cho việc tái xây dựng nó. Cách học này mang lại cho mình nhiều kinh nghiệm thực tiễn”.
Nguyễn Phạm Kha – Cử nhân ngành Công nghệ Kỹ thuật, Học viện Kỹ nghệ Ara Canterbury. |
Cơ sở trang thiết bị tại các trường học nghề hiện đại, tiên tiến
Nhằm rèn luyện kinh nghiệm làm việc thực tế cho sinh viên, các trường đều có trang thiết bị thực hành hiện đại, tân tiến. Như khi theo học môn Sản xuất truyền thông sáng tạo (Creative Media Production), sinh viên sẽ được thực hành ngay tại các phòng lab giả định kỹ thuật số với các thiết bị tự động cùng hệ thống camera công nghệ cao.
Học viện kỹ nghệ tại New Zealand còn có mối liên hệ chặt chẽ với nhiều công ty, doanh nghiệp. Nhờ đó sinh viên sẽ được tạo nhiều cơ hội để tham gia vào quy trình làm việc thực tế trong suốt quá trình học. Ví dụ, khi học ngành làm phim, sinh viên có thể trở thành một nhân viên chính trong quy trình sản xuất các siêu phẩm điện ảnh của thế giới như Avatar hay Chúa tể của những chiếc nhẫn.
“Kinh nghiệm thực tế vững chắc chính là một trong những lý do khiến sinh viên tốt nghiệp tại các trường nghề của xứ sở kiwi trở thành mục tiêu săn đón của nhiều doanh nghiệp tại thị trường lao động bản xứ và các nước khác”, ông Ben Burrowes nhấn mạnh.
Nhiều cơ hội học bổng toàn phần
Nhằm tạo điều kiện cho sinh viên Việt Nam có cơ hội du học nghề và giảm gánh nặng chi phí, nhiều trường tại học viện kỹ nghệ, trường tư thục New Zealand đưa ra nhiều chương trình học bổng hấp dẫn như học bổng các chương trình tiếng Anh chuyển tiếp của Học viện kỹ nghệ Nelson Marlborough (NMIT) gồm các gói học bổng từ 50% đến 100% học phí.
Thế Đan
Nguồn: vnexpress.net