Không có con đường đi đến vinh quang nào mà không phải trải qua những cay đắng của thất bại. Thành công của Daymond John cũng vậy.
Khởi nghiệp với 40 USD
Daymond John là con của một bà mẹ đơn thân không hề khá giả tại Queens, New York (Mỹ). Từ nhỏ, ông đã làm nhiều việc khác nhau để kiếm tiến, từ bán bút chì đến quét lá vào mùa thu và dọn tuyết vào mùa đông.
Năm 1989, Daymond khởi sự kinh doanh với số vốn ban đầu chỉ 40 USD. Ông nhờ mẹ chỉ cách sử dụng máy may. Sản phẩm đầu tiên của ông chính là những chiếc nón theo phong cách Hip-Hop. Ông quyết định đặt tên thương hiệu của mình là FUBU.
Đến năm 1994, thương hiệu FUBU mới được công nhận khi sản phẩm của Daymond gây ấn tượng tại một cuộc triển lãm và ký được hợp đồng với Macy’s. Bốn năm sau, FUBU đạt doanh thu 350 triệu USD.
Triệu phú tự thân Daymond John |
Tuy nhiên, không có con đường nào trải hoa hồng đi đến thành công mà không có những thất bại. Daymond từng vấp phải nhiều thất bại khi mới khởi nghiệp, điển hình nhất có thể kể đến thời kỳ ông bị lỗ 16 ngàn USD khi tổ chức một bữa tiệc trên du thuyền hạng sang, mất gần 100 ngàn USD cho một nhà máy tạm thời khi mới thành lập FUBU, phải chi trả 800 USD cho một vụ tai nạn xe trong khi công việc kinh doanh của ông vẫn không có gì chắc chắn. Tuy nhiên, sau những nỗ lực không ngừng nghỉ, ông đã được đền đáp xứng đáng.
Và hiện tại, công ty đạt doanh thu khoảng 6 tỷ USD hàng năm trên toàn cầu.
Daymond John hiện có tổng tài sản hơn 250 triệu USD và là một trong các nhà đầu tư của chương trình truyền hình nổi tiếng về khởi nghiệp mang tên “Shark Tank”.
Nguyên tắc vàng
Đặt mục tiêu: Thay vì cam kết đạt được 1 triệu USD vào năm 30 tuổi, ông chuyển sang mục đích gây dựng một thương hiệu cho nền văn hóa hiphop. Việc thiết kế quần áo cho một cộng đồng khách hàng tiềm năng sẽ dễ dàng hơn nhiều so với đạt được một con số khổng lồ mà ông chưa đủ sức chạm đến.
Không ngừng nghiên cứu: Daymond John đúc rút ra rằng, phải nghiên cứu và lên kế hoạch trước khi bạn muốn khởi nghiệp, trong đó, quan trọng nhất là phải nắm rõ thị trường, thu hút vốn đầu tư, tìm hiểu về đối thủ cạnh tranh.
Trân trọng những gì đã làm: Một bài học mà John khuyên mọi người nên làm theo đó là phải yêu quý và trân trọng những gì họ đang làm, bởi niềm đam mê sẽ thiêu cháy tất cả những thất bại.
Tạo dựng thương hiệu cho bản thân: Với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, thật dễ dàng để quảng bá thương hiệu của bạn. Tuy nhiên, song song với nó, bạn cũng phải tạo dựng thương hiệu cho chính mình. Bên cạnh sử dụng phương tiện truyền thông để nâng cao doanh số bán hàng và phát triển sản phẩm mới, hãy thực hiện mọi dự án hết sức công khai và trung thực để làm gương cho nhân viên.
Tư duy tích cực: Chìa khóa cuối cùng John sử dụng chính là sức mạnh của tư duy tích cực. Ngay cả khi FUBU đã trở thành một công ty lớn, ông vẫn duy trì “sự hoang tưởng lành mạnh” về việc điều hành một công ty thời trang. Ngành thời trang đang dần bị bão hòa và nhiều công ty làm ăn thua lỗ buộc phải đóng cửa, tuy nhiên, John vẫn kiên trì tìm các giải pháp thay vì bỏ cuộc.