Các nhà lãnh đạo châu Phi gặp gỡ tại WEFA ở Durban, Nam Phi. Ảnh GCIS

Diễn đàn Kinh tế thế giới về châu Phi năm 2017 (WEFA 2017) tại Durban (Nam Phi) vừa qua đã tập trung tìm giải pháp hiệu quả để giải quyết những thách thức, tìm kiếm động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn diện, bền vững cho châu lục. Ngoài việc tự lực, tự cường, “lục địa đen” cần được tiếp nhận công nghệ hiện đại và nguồn lực tài chính từ bên ngoài.

Hơn 100 nguyên thủ quốc gia, bộ trưởng, quan chức cấp cao và gần 1.000 chuyên gia kinh tế, nhà lãnh đạo doanh nghiệp và các tổ chức phi chính phủ ở châu Phi và thế giới đã thảo luận, đưa ra các giải pháp nhằm đối phó những thách thức với nền kinh tế toàn cầu và châu Phi, ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với châu Phi, đồng thời tìm kiếm các mô hình sản xuất, kinh doanh tiên tiến có thể áp dụng ở châu lục. Vấn đề tăng trưởng kinh tế chậm chạp, nguồn vốn đầu tư nước ngoài giảm mạnh, sự phát triển thiếu bền vững, các chính sách kinh tế vĩ mô chậm đổi mới đã được đưa ra “mổ xẻ” tại WEFA 2017. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB), triển vọng tăng trưởng kinh tế châu Phi có thể giảm mạnh, xuống mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua.

Là một thị trường tiềm năng nhưng chưa được khai thác, châu Phi kêu gọi các nền kinh tế phát triển và mới nổi, các nhà đầu tư nước ngoài tăng cường đầu tư hơn nữa vào châu lục. Bản thân các nước châu Phi nhận thức được việc cần phải hoạch định những chiến lược, chính sách phát triển kinh tế dài hạn, bền vững và ban hành thêm nhiều chính sách kinh tế vĩ mô, duy trì tình hình an ninh ổn định. Trong bối cảnh xung đột, dịch bệnh, thiên tai tiếp tục là những “căn bệnh trầm kha”, châu Phi kêu gọi Liên hợp quốc, Liên hiệp châu Âu (EU), các cường quốc thế giới và các nhà tài trợ tăng cường hỗ trợ.

Hòa bình và an ninh ở châu Phi luôn là chủ đề được quan tâm bởi gắn với phát triển bền vững của châu lục. Như Bộ trưởng Tài chính Đức V. Schaeuble nói, “nếu không ổn định được châu Phi trong những năm tới và thập kỷ tới, chúng ta sẽ phải đối mặt những nguy cơ về địa chính trị ngày càng gia tăng”. Các nước phát triển đang phối hợp chặt chẽ hơn với châu Phi để thu hẹp khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, tăng đầu tư tư nhân, góp phần giải quyết bất ổn. Đây cũng là giải pháp nhằm ngăn chặn dòng người di cư từ châu Phi.

Với cương vị là Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Chính phủ Đức quan tâm chủ đề thúc đẩy kinh tế châu Phi và sẽ đưa vào chương trình nghị sự của G20 nhằm giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của làn sóng di cư. Năm 2050, khi dân số ở châu Phi dự kiến sẽ tăng gấp hai lần với khoảng 2,5 tỷ người, chiến dịch của Đức nhằm cải thiện điều kiện sống và làm việc của người châu Phi cũng là một phần trong nỗ lực giảm dòng người di cư đến châu Âu. Chính phủ Đức muốn các nước châu Phi hợp tác với các nước G20 và các tổ chức tài chính quốc tế để cải thiện nền kinh tế vĩ mô và thu hút nhiều đầu tư tư nhân hơn vào châu lục này.

Trong khi đó, Đại diện cấp cao EU về chính sách an ninh và đối ngoại F. Mogherini cho biết, EU mong muốn mang lại một động lực mới cho đối tác chiến lược châu Phi với sự tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực an ninh, khí hậu, kinh tế và nhập cư. EU cho rằng cần chuyển từ cách tiếp cận truyền thống, chủ yếu tập trung vào hoạt động trợ giúp, sang mối quan hệ đối tác thật sự với châu Phi trên tất cả các lĩnh vực.

HÀ ANH

BÌNH LUẬN