Hoạt động tại Nhà máy đóng tàu Dung Quất (Bình Sơn, Quảng Ngãi). Ảnh: T.H

Trong các phương án giải cứu những dự án nghìn tỉ đắp chiếu, mới đây, Bộ Công Thương đã quyết định cho hai doanh nghiệp lớn là Nhà máy đóng tàu Dung Quất (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) và dự án Ethanol Phú Thọ (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) được giải thể. Hai nhà máy trên dù đã tiêu hàng nghìn tỉ đồng nhưng không “cứu được”, song vấn đề hiện nay là hàng nghìn công nhân lao động thuộc hai dự án này sẽ ra sao?

Người lao động ở Dung Quất: Chưa biết sẽ làm gì

Tại nhà máy đóng tàu Dung Quất DQS, cảnh đìu hiu bao trùm cả phân xưởng. Hàng đống sắt gỉ sét nằm lẫn trong đám cỏ dại. Anh Trương Văn Chánh (35 tuổi, trú TP. Quảng Ngãi) – công nhân sửa chữa thiết bị nhà máy – cho biết, đã gần 12 năm gắn bó với nhà máy. Khi Cty chưa gặp khó khăn, mức lương của anh mỗi tháng 9 – 10 triệu đồng, bây giờ chỉ được 5 – 6 triệu đồng nên cuộc sống rất chật vật. Thời gian gần đây nhiều người lao động (NLĐ) ở DQS được Cty này thông báo cho nghỉ việc tạm thời. Nhiều công nhân chờ mãi không thấy Cty bố trí việc đã xin nghỉ, đi làm đủ việc để kiếm sống qua ngày. “Riêng tôi, vì tuổi đã lớn, nếu nghỉ thì rất khó để xin lại làm ở Cty khác” – anh Chánh buồn bã nói.

Trong số gần 1.000 công nhân của DQS, phần lớn là con em của những gia đình đã nhường nhà cửa, ruộng vườn xây dựng KKT Dung Quất nói chung, cho DQS xây dựng nhà xưởng nói riêng. “Thời gian gần đây, khi nghe Cty đứng trước nguy cơ phá sản, chúng tôi rất lo lắng không biết sau này làm gì để kiếm tiền nuôi vợ con. Chỉ còn cách cuối cùng là chạy xe ôm, hoặc đi làm phụ hồ” – anh Trần Văn Nghị (38 tuổi, trú huyện Bình Sơn) thợ đóng tàu – thật thà.

“Tính thời gian học và thời gian làm nghề đóng tàu đã hơn 13 năm, bây giờ bỏ nghề đóng tàu thì em chẳng biết làm nghề gì, trong khi quay về làm nghề nông thì đất trồng lúa, hoa màu cũng đã bị thu hồi để xây dựng nhà máy, xí nghiệp ở KKT Dung Quất. Mong muốn của đa số anh em công nhân ở đây là Cty sớm ổn định trở lại, hoặc nếu phá sản thì phải đảm bảo các quyền lợi cho chúng em, giúp chúng em có số vốn để làm ăn buôn bán sau này” – anh Nghị nói.

Ông Võ Tấn Thành – Chủ tịch CĐ Cty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất – cho biết, hiện nay, đa số công nhân đều mong muốn Cty hoạt động ổn định trở lại, để người lao động có việc làm. Mỗi ngày ít cũng vài chục công nhân thăm hỏi thông tin về nhà máy, rồi yêu cầu tư vấn chế độ, chính sách khi phải mất việc. Trong thời gian Cty gặp khó khăn, công ăn việc làm có thể chưa đáp ứng được hết nhu cầu làm việc của NLĐ, nhưng lương vẫn được Cty trả đầy đủ cho công nhân. Các quyền lợi của NLĐ vẫn được đảm bảo. “Khi doanh nghiệp phá sản, Cty cam kết đảm bảo các chính sách, chế độ cho NLĐ theo quy định của pháp luật” – ông Thành khẳng định.

Hai DN “nghìn tỉ” ngành công thương được phép phá sản: Hàng nghìn người lao động sẽ ra sao? ảnh 1

Dù đứng trước nguy cơ phá sản nhưng phía Cty cam kết sẽ đảm bảo mọi quyền lợi cho công nhân. Ảnh: T.H

Ethanol Phú Thọ: Xót xa ngàn tỉ đồng bỏ hoang

Ngày 10.7, quan sát của PV Báo Lao Đông cho thấy, nhìn từ ngoài vào, hiện trường nhà máy ethanol Phú Thọ không khác gì một cơ sở bỏ hoang khi ngút ngàn cỏ lau mọc cao quá đầu người, che lấp cả tầm nhìn. Cổng ra vào được rào chắn tạm bợ bởi những khung sắt hoen gỉ, mỏng manh. Trước cửa, một bốt trực có duy nhất một chiến sĩ công an trẻ tuổi ngồi thẩn thơ vì có lẽ chả có việc gì làm. Tôi bị ngăn lại trước cổng, vì không thể liên lạc được với bất kỳ một ai thuộc Ban điều hành. Phải mất gần 30 phút, sau rất nhiều cuộc điện thoại liên lạc, một cán bộ tên N.

thuộc Ban điều hành mới xuất hiện và vô cùng e ngại khi phải tiếp đón vị khách không mời, cũng chả mong đợi. Theo vị cán bộ này, các anh em nhận nhiệm vụ công tác điều hành nhà máy hiện cũng rất hoang mang, chưa biết tương lai sẽ thế nào. Mặc dù vẫn rất tin tưởng TCty còn nhiều dự án khác, nhưng nguy cơ cắt giảm nhân sự sau khi ”khai tử” nhà máy Ethanol Phú Thọ hoàn toàn có thể xảy ra.

Ở một góc độ khác, chính quyền và người dân địa phương tại đây lại thấy hụt hẫng và xót xa trước cảnh nhà máy hàng nghìn tỉ đồng bị bỏ hoang. Ông Nguyễn Duy Quân – Chủ tịch UBND xã Cổ Tiết, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ (là 1 trong 3 xã có diện tích đất bị thu hồi và là xã bị thu hồi đất nhiều nhất với gần 25/50ha) – cho biết: ”Khi dự án mới khai trương, nhân dân và địa phương vô cùng phấn khởi dù phải giải tỏa toàn bộ đất sản xuất. Chúng tôi khi ấy như đồng hồ đếm ngược, mong mỏi dự án mau chóng hoàn thành để chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giải quyết vấn đề việc làm và tăng thu nhập cho bà con, phát triển nền kinh tế dịch vụ.

Nay nhà máy phá sản, là lãnh đạo địa phương tôi thấy rất buồn và hụt hẫng, còn bà con thì chia sẻ rất xót xa khi hàng nghìn tỉ đồng bị sử dụng một cách lãng phí như vậy. Cũng may, địa phương còn nhiều doanh nghiệp khác đang hoạt động, bà con cũng đã chuyển dần sang ngành nghề dịch vụ, nghề tiểu thủ công, hoặc đi nơi khác làm ăn nên không quá lo lắng về việc làm và thu nhập, chỉ một số ít hộ sản xuất nông nghiệp thuần túy bị ảnh hưởng một phần”.

Cùng chung nỗi xót xa ấy, Bí thư Đảng ủy xã Cổ Tiết, ông Đỗ Tiến Sĩ ngậm ngùi: ”Cả xã thời điểm thu hồi đất phục vụ dự án có 433 hộ bị ảnh hưởng”.

Trước thực trạng dự án chắc chắn sẽ bị khai tử, lãnh đạo huyện Tam Nông đề xuất cần nghiên cứu thu hồi và giao lại cho dự án khác. Đồng thời, trong 50ha đất thu hồi thực hiện dự án còn nhiều diện tích chưa sử dụng, đề nghị cho thu hồi một phần diện tích để giao dự án khác tránh lãng phí đất đai.

Sẽ đảm bảo các chế độ đối với người lao động

Ông Trần Minh Ngọc – Tổng Giám đốc DQS – cho biết: Sau gần 2 năm được giao nhiệm vụ tiếp quản Cty Đóng tàu Dung Quất, khó khăn nhất với Cty là khối nợ từ Vinashin cũ chưa giải quyết được bao nhiêu, thì thị trường đóng tàu lại trầm lắng. Khó khăn chồng chất khó khăn nên giờ Công ty đã đứng trước nguy cơ không thể xử lý được các khoản nợ tồn đọng. Giờ Bộ Công Thương và Tập đoàn yêu cầu phá sản Cty thì chúng tôi phải chấp hành, nhưng với hơn 1.000 lao động đang làm việc, việc xử lý các chế độ chính sách cho NLĐ sẽ phải được đảm bảo, thực hiện theo thứ tự ưu tiên các bước như Luật Phá sản đã quy định. Trước mắt, Cty sẽ phải thuê tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp, các khoản nợ phải thu, phải trả, đồng thời sẽ ưu tiên các nguồn thu để thanh toán các nghĩa vụ đối với NLĐ. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào chúng tôi cũng sẽ đảm bảo để NLĐ được đảm bảo quyền lợi.

Công đoàn sẽ luôn đứng về phía người lao động

Ông Nguyễn Mạnh Kha – Phó Chủ tịch Công đoàn Dầu khí VN – cho hay: Thời gian qua, trước khó khăn của một số dự án có vốn góp của Tập đoàn bị thua lỗ, Công đoàn Dầu khí thường xuyên gặp gỡ trao đổi với lãnh đạo doanh nghiệp để tìm hướng tháo gỡ, đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Với dự án Ethanol Phú Thọ, hiện PVN chỉ còn chiếm 30% vốn điều lệ, Ngân hàng TMCP SeaBank chiếm tới 50%, dự án cũng chưa đi vào hoạt động nên việc giải thể chỉ liên quan đến số ít người thuộc BQL dự án. Còn nhà máy đóng tàu Dung Quất, giải pháp cho phá sản là giải pháp cuối cùng để tránh Cty ngày càng thua lỗ, kiệt quệ. Tuy nhiên, Công đoàn Dầu khí sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền để đảm bảo đời sống cho hơn 1.000 NLĐ tại DQS, đảm bảo được các chế độ chính sách tốt nhất được Nhà nước quy định đối với NLĐ mất việc khi đơn vị bị buộc phá sản. H.A ghi

“Hiện nay, nhà máy đóng tàu Dung Quất DQS đang đóng dở 3 con tàu lớn, tổng giá trị hơn 1.000 tỉ đồng cho 2 DN kinh doanh vận tải hàng hải là VietsovPetro và PVTrans. Theo hợp đồng mà DQS đã ký với hai DN kinh doanh vận tải hàng hải, cuối năm 2017 sẽ bàn giao tàu. Tuy nhiên, hiện tại DQS tiếp tục gặp khó khăn, có thể ảnh hưởng đến tiến độ nếu không nhận được sự hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ tích cực từ nhiều phía” – ông Võ Tấn Thành – Chủ tịch CĐ Cty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất – cho biết.

Theo laodong.com.vn

BÌNH LUẬN