Tai thỏ, bỏ giắc cắm tai nghe, điện thoại nhiều mô-đun, tích hợp máy chiếu… là những ý tưởng thiết kế khác lạ trên điện thoại thông minh.
Màn hình 3D
HTC EVO 3D, ra mắt năm 2011, là chiếc smartphone dẫn đầu cho xu hướng làm màn hình 3D. Tiếp theo đó là LG Optimus 3D. Trên thực tế, năm 2002, Sharp Mova SH251iS của Nhật Bản mới thực sự là chiếc điện thoại hỗ trợ công nghệ 3D đầu tiên, nhưng EVO 3D mới là sản phẩm đầu tiên được bán bên ngoài châu Á. Cả EVO 3D và Optimus 3D đều sử dụng công nghệ rào cản thị sai, cho phép người dùng không cần tới kính 3D khi sử dụng. Vào thời điểm ra mắt, cả hai mẫu điện thoại này được khá nhiều người ưa chuộng, bởi hiệu ứng hình ảnh mới lạ mà nó mang lại. Nhưng rất nhanh chóng, trào lưu này đã biến mất không dấu vết. Trong nhiều năm qua, gần như không một chiếc smartphone của các hãng tên tuổi nào đả động tới tính năng này. Đại diện hiếm hoi nhất có liên quan, là chiếc Amazon Fire Phone. Thiết bị này không sử dụng màn hình 3D, thay vào đó, nó sử dụng bốn camera ở mặt trước để theo dõi khuôn mặt của người dùng. Từ đó tạo giao diện người dùng 3D, thứ được gọi là “phối cảnh động”.
Tích hợp máy chiếu
Về lý thuyết, đây là một ý tưởng tuyệt vời. Một chiếc điện thoại có màn hình 4 inch với khả năng hiển thị hình ảnh có kích thước lên đến 50 inch dường như là tính năng “không thể chê được”. Galaxy Beam, ra mắt tại MWC 2012, là một thiết bị như vậy. Tuy nhiên, nó cũng mang theo những nhược điểm không thể khắc phục, như vấn đề năng lượng và sạc pin, chi phí cao, thiết kế cồng kềnh, máy nhanh nóng… Ngoài Galaxy Beam, không có nhiều thiết bị sau đó đi theo trào lưu này. Motorola đã phát hành một chiếc Moto Mod với giá 200 USD, với phụ kiện đi kèm là máy chiếu Insta-Share. Nhưng khi gắn vào, thiết bị này thậm chí không thể di chuyển. Gần đây nhất, một công ty tên là Movi đã bắt đầu bán ra một mẫu điện thoại ẩn danh, có máy chiếu và đi kèm bộ xử lý MediaTek, với giá 599 USD. Tuy nhiên, không có nhiều người chú ý tới thiết bị này. Trên eBay, gian hàng không có phản hồi từ người mua và chỉ có hai đánh giá của Amazon.
Màn hình kép
Một thực tế đã được chứng minh nhiều qua thời gian đó là điện thoại thông minh chỉ cần một màn hình. Bởi trong những năm qua, hầu hết các điện thoại hai màn hình đều không thành công về mặt thương mại. Chiếc Kyocera Echo là mẫu điện thoại đầu tiên đưa ý tưởng lập dị này thành hiện thực và ZTE đã cố gắng hồi sinh nó năm ngoái với thiết bị có tên Axon M. Việc bổ sung thêm màn hình thứ hai chỉ tăng thêm chi phí và độ phức tạp cho quá trình sản xuất. Người dùng thậm chí thích smartphone không viền nhiều hơn là một thiết bị có màn hình cực lớn nhưng viền rộng. YotaPhones thậm chí sáng tạo hơn khi có thiết kế một màn hình phía trước và một màn hình phía sau. Trong thực tế, ZTE cũng đã thử thiết kế này với chiếc Nubia Z18S. Nhưng nhìn chung, phản ứng của người dùng về các mẫu thiết kế này đều không mang tính tích cực.
“Mô-đun” tiện ích
Project Ara và Phonebloks là những khái niệm đầu tiên về điện thoại với thiết kế nhiều mô-đun, trong đó người dùng có thể thay đổi, thêm bớt giữa chúng. Đáng tiếc rằng các nhà thiết kế không bao giờ có thể biến nó thành sự thật. Thay vào đó, các phiên bản tệ hơn của chúng được tạo ra như LG Friends và Moto Mods của Motorola. Tiếc rằng hệ thống của LG Friends kém đến nỗi nó đã bị dừng sản xuất lại rất nhanh, khi mới chỉ đưa ra hai phụ kiện đi kèm. Moto Mods thì có tình trạng kinh doanh tốt hơn, nhưng không đáng kể.
Loại bỏ giắc cắm tai nghe
Nhiều người dùng tới bây giờ vẫn không hiểu tại sao giắc cắm tai nghe lại bị khai tử trên smartphone. Khởi nguồn từ iPhone 7, sau đó gần như tất cả các flagship Android đều đi theo trào lưu này. Dường như đây là một “mệnh lệnh” được Apple đưa ra và các hãng smartphone khác trên thị trường đã “răm rắp” nghe theo. Một số lý giải được đưa ra là điều này có thể làm cho điện thoại trở nên mỏng hơn, nhưng thực sự hiệu quả đem lại không nhiều. Chiếc Vivo X5Max dày chỉ 4,75mm vẫn có thể giữa lại giắc 3,5 mm thì không có lý do gì những mẫu điện thoại dày hơn nó lại phải từ bỏ tính năng này. Có ý kiến nói rằng điều này giúp cho các nhà sản xuất kiếm được nhiều tiền hơn từ việc bán cổng chuyển dongle, nhưng lý do này cũng chưa thực sự thuyết phục. Hiện tại, chỉ có Apple là công ty được hưởng lợi đáng kể nhất khi doanh số bán AirPods đang không ngừng tăng cao. Samsung và LG vẫn giữ lại giắc cắm tai nghe trên các thiết bị của mình.
“Tai thỏ”
Đây lại là một ví dụ khác về việc một tính năng xuất hiện đầu tiên trên điện thoại Android, nhưng lại nổi tiếng nhờ iPhone. Đi theo dấu chân của iPhone X, các hãng điện thoại lớn như LG, Huawei, Sharp, OnePlus, Asus đều đưa tính năng thiết kế này lên sản phẩm của mình. Trong thời gian tới, Google cũng tiếp bước với mẫu Pixel 3 XL. Nhiều người dùng vẫn phàn nàn về việc các “Notch” cướp đi không gian giữa màn hình, nơi đáng ra phải để các biểu tượng thông báo. Nhưng điều đó không ngăn chặn được trào lưu này tiếp tục phát triển, bởi đơn giản Apple vẫn áp dụng nó cho các sản phẩm mới của mình.
Nút chuyên dụng cho trợ lý ảo
Xu hướng này bắt nguồn từ Samsung. Không chạy theo các trào lưu mới, công ty Hàn Quốc tự vạch ra con đường riêng của mình khi đưa thêm một nút chuyên dụng cho trợ lý ảo lên cạnh bên của smartphone. Đáng tiếc rằng nó không hoạt động hiệu quả, bởi gây ra nhiều sự bất tiện do thói quen sử dụng của người dùng. Thậm chí, Bixby cũng không phải là một trong các trợ lý ảo được đánh giá tốt hiện nay. Trong khi đó, Samsung không cho phép nút này được tắt hoàn toàn. Trên thực tế, đã có một cuộc chiến nhỏ giữa Samsung và cộng đồng phát triển ứng dụng về tính năng này, khi một bên cố giữ còn một bên cố làm cho nó trở nên vô dụng.
(theo AndroidPolice)
Bảo Nam
Theo VNExpress