Đạo diễn “Em chưa 18” – tác phẩm vừa đoạt Bông Sen Vàng – cho biết nhiều năm qua anh mới gặp người có tố chất như Kaity.
– Cảm giác của anh thế nào khi “Em chưa 18” giành giải Bông Sen Vàng cho “Phim xuất sắc”?
– Tôi rất bất ngờ khi phim thắng giải ở Liên hoan phim Việt Nam, vốn thường tôn vinh các tác phẩm chính luận, lịch sử. Đó là tín hiệu đáng mừng mà tôi đã chờ rất lâu từ khi ra trường. Trước đây, phim tư nhân và nhà nước khác xa về cách khai thác đề tài, còn giải thưởng thường nghiêng về phim nhà nước. Kết quả đó gây chút ức chế cho các anh em làm phim tư nhân. Có thời điểm, chúng tôi không quan tâm lắm đến việc giải Bông Sen Vàng trao cho ai.
Chiến thắng của Em chưa 18 năm nay sẽ khiến giới làm phim tư nhân quan tâm đến giải thưởng hơn. Về lâu dài, tôi luôn mong đến một ngày không còn ranh giới giữa nghệ thuật nhà nước và tư nhân mà chỉ còn những tác phẩm phục vụ cho người Việt và văn hóa Việt.
– Kaity Nguyễn cũng nhận Bông Sen Vàng cho giải nữ diễn viên chính với phim này. Anh nhận xét gì về cô gái này?
– Chúng tôi đi làm nghề nhiều năm mới gặp được một người có tố chất như Kaity – thông minh, duyên dáng và nhớ thoại giỏi. Chỉ sau hai tuần cô bé tập luyện cùng êkíp của Kathy Uyên, tôi đã biết chắc đây là viên ngọc sáng. Tôi chưa bao giờ e ngại về khả năng của Kaity Nguyễn và tin chắc cô bé không bị “chết vai”. Kaity Nguyễn sẽ có những vai diễn thành công khác trong tương lai.
Kaity Nguyễn gây sốt với diễn xuất tự nhiên và vẻ nóng bỏng trong “Em chưa 18”. |
– Thành công liên tục của “Em chưa 18” khiến anh nghĩ gì?
– Nó khiến tôi lấy lại niềm tin vào khán giả. Vài năm trước, tôi nhiều lần mang tâm trạng nghi hoặc khi có nhiều phim mình nghĩ là xứng đáng lại bị khán giả quay lưng. Tôi cứ tự vấn: “Tại sao thế, tại sao khán giả Việt lại chỉ thích phim Mỹ?”. Lúc Em chưa 18 sắp ra rạp, chúng tôi rất căng thẳng bởi thị trường lúc đó có nhiều phim Hollywood chất lượng, nhưng chỉ sau hai tuần tình hình rất thuận lợi và phim đạt doanh thu cao nhất lịch sử với con số cuối cùng là 175 tỷ đồng.
Thành công của phim cho thấy khán giả Việt rất nhạy bén và gu thưởng thức cũng thay đổi. Lúc viết đến phiên bản thứ năm của kịch bản, êkíp mạo hiểm đưa vào yếu tố phương Tây. Chúng tôi nghĩ: “Tại sao cứ phải tuân thủ hiện thực xã hội và mô tả một ngôi trường bình thường? Tại sao không đưa giấc mơ của chúng tôi đi xa hơn?”. Sau đó, kịch bản phát triển tình tiết đêm prom (đêm vũ hội cuối cấp ba ở các trường Âu Mỹ).
Khi ra mắt, tác phẩm vẫn được đón nhận dù mang nét văn hóa phương Tây có phần khác lạ. Tôi ra rạp xem cùng và bất ngờ khi thấy đa số khán giả cười ở những đoạn mà tôi tưởng chỉ có người mê phim mới hiểu ẩn ý. Tôi nhận ra trình độ của người xem đã được nâng lên nhiều sau nhiều năm xem phim Hollywood ở các rạp và trên truyền hình.
Đạo diễn Lê Thanh Sơn và diễn viên Kaity Nguyễn trên thảm đỏ liên hoan phim. Ảnh: Nguyễn Đông. |
– Áp lực sắp tới với anh trong nghề là gì?
– Sau thành công của Em chưa 18, tôi nghĩ mình đã hiểu khán giả. Người khác có thể bảo tôi đang võ đoán hay tự tin thái quá, nhưng đối với tôi, cảm giác ấy là rất thật. Tôi hiện rất muốn làm phim hành động và đã viết một kịch bản nhưng hiện tại chưa chín muồi.
Trước mắt, tôi sẽ đạo diễn Em trên 18 để kể tiếp câu chuyện về Hoàng và Linh Đan với những rắc rối lớn hơn. Lúc đầu, tôi định phát triển dự án mới theo hướng phim âm nhạc, mang đậm phong cách cá nhân. Tuy nhiên, sau quá trình viết kịch bản, sửa chữa và bàn bạc với nhà sản xuất, chúng tôi quyết định trung thành với phong cách của phim cũ. Tôi nghĩ rằng Em trên 18 không còn là câu chuyện của riêng tôi nữa mà là của tất cả khán giả rồi. Vì thế, tôi tin Em trên 18 cũng sẽ đáp ứng được mong mỏi của họ. Xin hãy tạm gọi đó là niềm tin của người chiến thắng ngày hôm nay (cười).
Con số 175 tỷ của Em chưa 18 là áp lực rất lớn cho phần sau. Nếu tôi vượt qua được đỉnh cao của chính mình thì cảm xúc lúc đó sẽ rất khủng khiếp. Tuy nhiên, nếu phim không đạt doanh thu, mình phải chấp nhận và rút ra bài học. Đấy là chuyện bình thường trong giới.
– Anh đánh giá thế nào về sự phát triển của điện ảnh tư nhân trong nước gần đây?
– 10 năm qua, tôi nghĩ điện ảnh tư nhân đi lên hơi chậm so với mong muốn của tôi và chúng ta còn thua kém các nước Hàn Quốc, Thái Lan… Tuy nhiên, khoảng một, hai năm qua, nhờ tiến bộ trong kỹ thuật làm phim, khoảng cách về công nghệ của chúng ta và các nước bạn đã được kéo gần. Vấn đề bây giờ là câu chuyện và diễn xuất.
Ân Nguyễn