Người bị sốt xuất huyết phải bù nước, điện giải kết hợp thức ăn lỏng, chia nhỏ bữa, hạn chế đồ chiên rán, gia vị cay nóng.
Bác sĩ Lê Thị Hải, nguyên Viện trưởng Dinh dưỡng Quốc gia, cho biết người bệnh thường sốt cao, mệt mỏi nên ăn uống kém. Sợ nhất là tình trạng sốc, thoát huyết tương gây cô đặc máu. Do đó, chế độ ăn uống quan trọng nhất là bù nước, điện giải như uống oresol, bổ sung các loại nước trái cây như nước cam, canh, nước ép bưởi, nước dừa nhiều vitamin C và khoáng chất để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Người bệnh thường có cảm giác chán ăn, miệng đắng, nhất là trẻ con. Các món nên ưu tiên là cháo, súp, vừa giàu dinh dưỡng lại dễ ăn và dễ hấp thu, uống thêm sữa để tăng cường dinh dưỡng. Không nên ăn cơm hoặc thức ăn cứng phải nhai nhiều, khó nuốt. Bổ sung món ăn giàu đạm từ trứng, thịt, sữa, thực phẩm giàu vitamin A, giàu kẽm như thịt bò, gà…
Trẻ bị sốt xuất huyết đang giai đoạn bú mẹ, người mẹ cần cho bé bú nhiều hơn ngày thường để tăng cường sức đề kháng tự nhiên từ sữa mẹ. Bé nên ăn thành nhiều bữa nhỏ, uống thêm nước, không nên cho ăn dồn dập.
Khi khỏi bệnh, nên tuân theo chế độ ăn như ngày thường. Tùy theo độ tuổi để tăng cường chất, tránh tình trạng nhẹ cân, suy dinh dưỡng. Các món ăn lúc này ưu tiên giàu vitamin D, A, kẽm, sắt, khoáng chất… Có thể nấu cháo cà rốt, thịt gà, uống nước cam, quýt, sinh tố… giúp trẻ tăng cường sức khỏe.
Kiêng thức ăn nhiều mỡ béo, thực phẩm xào rán, món có gia vị chua cay vì gây khó tiêu, giảm đề kháng, nhiệt độ cơ thể tăng.
Người bệnh sốt xuất huyết không nên uống nước vị ngọt như soda, không dùng mật ong và đường, do đường sẽ khiến tế bào máu trắng diệt khuẩn chậm hơn. Ngừng uống rượu, cà phê và không hút thuốc khi đang bị bệnh.
Thùy An
theo vnexpress.net