Nhiều trường ĐHTT đã đầu tư để nâng cao chất lượng đào tạo nên thu hút sinh viên theo học
Bất ngờ điểm chuẩn
Trong lịch sử tuyển sinh (13 năm thời kỳ 3 “chung”: chung đợt – chung đề – chung kết quả và kỳ thi 2 trong 1 từ năm 2015 đến nay), chưa bao giờ điểm chuẩn của các trường ĐHTT qua ngưỡng 20 điểm đối với các tổ hợp xét tuyển (3 môn mỗi tổ hợp), thậm chí cả những ngành kết hợp điểm thi với điểm năng khiếu.
Tuy nhiên, năm 2019, các trường ĐHTT lại tạo được dấu ấn khi điểm chuẩn khá cao. Điển hình là Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có điểm chuẩn cao nhất trong hệ thống khi ngành Y khoa lấy 23 điểm (điểm sàn của Bộ GD-ĐT là 21 điểm), kế đến là các ngành Dược học 20 điểm, Y học dự phòng 18 điểm, Điều dưỡng 18 điểm, Kỹ thuật xét nghiệm y học 18 điểm. Những ngành còn lại có điểm chuẩn từ 15 đến 17 điểm. So với năm 2018, điểm chuẩn của trường tăng 1 – 3 điểm.
Ngành Dược học của Trường ĐH Công nghệ TPHCM cũng xác lập kỷ lục khi điểm chuẩn đến 22 điểm. Một số ngành khác có điểm trúng tuyển cao là ngành Kinh doanh quốc tế với 20 điểm, ngành Marketing với 19 điểm, kế đến là các ngành Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành… Tất cả các ngành còn lại có điểm trúng tuyển 16 – 17 điểm. Trường ĐH Văn Hiến có điểm chuẩn 15 – 18 điểm, tùy theo từng ngành. Ngành Việt Nam học có điểm chuẩn cao nhất là 18 điểm, kế đến là các ngành Văn hóa học 17 điểm, ngôn ngữ Trung Quốc 16 điểm, ngôn ngữ Pháp 17,2 điểm…
Nhìn lại khối trường công lập, dù năm nay kết quả điểm thi cao hơn năm 2018 rất nhiều và phổ điểm rất thuận lợi cho xét tuyển nhưng kết quả điểm chuẩn lại không thể khá hơn. Ngay tại TPHCM, Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM có đến 4 ngành có điểm chuẩn 14 điểm. Thậm chí hàng loạt trường ĐH địa phương, ĐH vùng, điểm chuẩn chỉ 13 – 14 điểm. Trường ĐH Cần Thơ có nhiều ngành thuộc khối kỹ thuật như kỹ thuật cơ – điện tử, kỹ thuật điện, kỹ thuật vật liệu xây dựng, kỹ thuật môi trường… điểm chuẩn có 14 điểm. Tổng cộng trường có 30/96 ngành mà điểm chuẩn 14 điểm. Nhiều trường ĐH địa phương khác như ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vinh, ĐH Quy Nhơn, ĐH Phạm Văn Đồng… điểm chuẩn chỉ quanh quẩn 13 – 14 điểm.
Cạnh tranh bằng chất lượng
Cách đây 11 năm, cuộc “hội chẩn” về trường ĐHTT đã phơi bày hàng loạt yếu kém như thiếu giảng viên, tuyển sinh chật vật, cơ sở vật chất thuê mướn… Thế nhưng, cuộc khảo sát mới đây do PGS-TS Phạm Thị Huyền, Trưởng nhóm khảo sát các trường ĐHTT (Bộ GD-ĐT), đã cho những kết quả tích cực hơn với đánh giá: “Cơ sở vật chất là điểm mạnh đáng tự hào, kể cả khi so sánh với nhiều trường ĐH công lập. Về đội ngũ giảng dạy, các trường đã có sự chuyển biến, phát triển về số lượng và chất lượng. Trong đó, có nhiều trường có từ 700 đến hơn 1.000 giảng viên, vượt xa so với nhiều trường công lập. Bên cạnh đó, quy mô và ngành nghề đào tạo của các trường cũng ngày một mở rộng theo hướng trường đa ngành”.
PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, thẳng thắn: “Trong thời gian thực hiện kiểm định cho các trường ĐH (cả trường công lẫn trường tư thục), rất nhiều trường tư thật sự có tầm nhìn vì họ biết không có chất lượng thì sẽ không thể tồn tại lâu dài. Chính vì vậy, nhiều trường tuyển rất nhiều giảng viên, đầu tư xây dựng cơ sở rất lớn. Nhờ đó, nhiều trường tư hiện nay cạnh tranh sòng phẳng với các trường ĐHCL”.
Nếu như trước đây các trường ĐHTT chỉ biết đào tạo, bỏ trống nghiên cứu khoa học thì nay đã có sự khác biệt đáng kể. Trong năm 2018, 2019, Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành… lọt vào tốp đầu của Việt Nam về số bài đăng trên các tạp chí uy tín của thế giới, nhiều ngành đã kiểm định theo chuẩn khu vực. Hai năm gần đây, nhiều nhà khoa học trẻ của các Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Công nghệ TPHCM… được vinh dự nhận giải thưởng Quả cầu vàng do Bộ KH-CN tổ chức.
PGS-TS Đỗ Văn Xê, Hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương TPHCM, chia sẻ: “Hiện nhiều trường tư thục đã đủ tạo ra một thị trường cạnh tranh hoàn hảo, tạo cho sinh viên cơ hội lựa chọn học tập tùy theo năng lực. Bây giờ đâu ai khẳng định chất lượng trường công sẽ cao hơn trường tư? Đã là thị trường cạnh tranh thì trường nào không có chất lượng thì chết phải chịu. Không thể xóa nhòa ranh giới của 2 loại hình trường công – tư”.
PGS-TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, cũng cho rằng, giáo dục Việt Nam đang chịu ảnh hưởng bởi xu thế toàn cầu hóa, công nghệ số. Đại học bây giờ không còn là đại học tinh hoa nữa mà là ĐH của đại chúng, không phải chỉ có một vài người vào đại học nữa. Do đó, cần sự công bằng trên yếu tố chất lượng và chỉ có con đường này mới phân định rạch ròi được trường mạnh, trường yếu.