Sáng 15/8, chuỗi các hội thảo, phiên thảo thuận và cuộc thi Hackathon bắt đầu khởi động với mục tiêu xây dựng cộng đồng AI Việt Nam lớn mạnh.
Trong bài phát biểu khai mạc Ngày hội AI sáng nay, ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhận định trí tuệ nhân tạo (AI) đang đi vào cuộc sống một cách mạnh mẽ, thay thế nhiều công việc thủ công, tốn sức lao động. Trên thế giới, các cường quốc đều xây dựng chiến lược phát triển riêng cho AI, lấy công nghệ này làm cốt lõi cho sự tăng tốc của nền kinh tế.
“Vậy thì nhiều người Việt Nam đặt ra câu hỏi có thể dùng AI để vượt lên phía trước, trở thành quốc gia hùng cường hay không? Đó là bài toán chúng ta phải đi tìm lời giải”, ông Bùi Thế Duy nhấn mạnh.
Trong vài năm trở lại đây, ngành trí tuệ nhân tạo của Việt Nam đã có những bước tiến rõ rệt, thể hiện rõ nhất ở các sản phẩm có hàm lượng AI ngày càng xuất hiện nhiều. Tuy nhiên theo Thứ trưởng, Việt Nam phải đối mặt với những thách thức chung như nhiều nước khác là thiếu cơ sở dữ liệu lớn, thiếu nguồn lực, doanh nghiệp làm AI còn ít.
“Chúng ta chỉ có quyết tâm, mơ ước và một cộng đồng trí thức đoàn kết, sẵn sàng tiến lên phía trước dù chẳng có gì trong tay. Sự kiện này sẽ khơi gợi niềm đam mê AI với không chỉ cộng đồng người nghiên cứu, ứng dụng mà còn là động lực phát triển của cả các doanh nghiệp công nghệ”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nói trước hội nghị.
Về sự lan toả mạnh mẽ của AI trong cộng đồng công nghệ, hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, ông Hoàng Minh Sơn cho rằng cá nhân và tổ chức đang nghiên cứu AI một cách riêng lẻ. Để tạo ra một lộ trình phát triển AI chuyên nghiệp, năm nay Đại học Bách Khoa mở thêm ngành trí tuệ nhân tạo, số điểm đầu vào cao nhất trường với số lượng sinh viên hạn chế.
Buổi sáng ngày đầu tiên diễn ra sự kiện, ba chuyên gia đến từ những nền công nghệ hàng đầu thế giới đã có những bài tham luận chuyên sâu về sự tác động của trí tuệ nhân tạo đến kinh tế – xã hội; xây dựng hệ sinh thái AI; phát triển AI bền vững.
Trong bài tham luận về kỷ nguyên AI của Đài Loan, Tiến sĩ Hsu Hui Huang đến từ Đại học Tam Khang đã chia sẻ về cách Đài Loan vươn lên như một thị trường AI lớn tại châu Á. “Chúng tôi đầu tư mạnh cho công nghệ trí tuệ nhân tạo thông qua xây dựng các trung tâm nghiên cứu như AI Academy, tổ chức hỗ trợ hay cộng đồng AI”, ông nói và cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể đi theo “con đường AI” của Đài Loan.
Sau phần tham luận của chuyên gia nước ngoài, ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam (AI4VN) tiếp tục với những phiên thảo luận chuyên về xây dựng cồng đồng AI; phát triển hạ tầng tính toán; xử lý ngôn ngữ tự nhiên; AI startups pitching. Buổi chiều diễn ra hộithảo AI trong 4 lĩnh vực du lịch, giáo dục, y tế, Fintech,
Trong phiên trọng thể sáng ngày mai 16/8, phần thảo luận bàn tròn giữa các CEO công nghệ hàng đầu Việt Nam đến từ các tập đoàn công nghệ lớn như FPT, VinAI…sẽ cung cấp cho khán giả nhiều ý kiến xác đáng, có sức nặng về thực trạng phát triển ngành công nghiệp AI tại Việt Nam và các giải pháp để thúc đẩy lĩnh vực này.
Bên cạnh các hoạt động trình bày tham luận và thảo luận, AI4VN cũng dành riêng khu vực đặc biệt để triển lãm và trình diễn công nghệ AI với hàng chục gian hàng theo chủ đề. Nhân dịp này, Tập đoàn FPT cũng ra mắt chương trình Cuộc đua số và biểu diễn xe tự hành.
Ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam AI4VN diễn ra trong hai ngày 15, 16/8 tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, do Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ kế hoạch và Đầu tư, trường Đại học Bách Khoa cùng báo điện tử VnExpress. Chương trình mang đến cho cộng đồng nghiên cứu và phát triển AI tại Việt Nam những xu hướng, báo cáo và hướng đi phát triển AI trong các ngành công nghiệp; bài học kinh nghiệm của các quốc gia trong phát triển hạ tầng kỹ thuật, và hàm ý chính sách cho Việt Nam.
Đơn vị đồng hành của sự kiện là FPT, Viettel, VietinBank, VNPT, VIB, VinGroup, VNPost, BKAV. Ngoài ra, chương trình cũng nhận được sự phối hợp từ các đơn vị Five9, Misa, SmartOCR, dinogo, FastGo, Topica, Kambria, VietAI, BKHoldings, Netnam.
Thành Dương
Theo VNExpress.net