Đảm bảo duy trì sĩ số HS trên lớp góp phần nâng cao chất lượng GD. Ảnh: Thanh Long
Đây là vấn đề luôn “nóng” trong nhiều nhà trường đặc biệt các trường THPT vùng cao khó khăn. Bởi nếu không sẽ ảnh hưởng tới quy mô trường lớp, chất lượng giáo dục và thậm chí tới công việc, đời sống nhà giáo.
Đau đáu nỗi lo HS bỏ học
Nằm ở huyện vùng cao có điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, các trường THPT nằm trên địa bàn huyện Bắc Hà (Lào Cai) luôn đối diện với những thách thức trong công tác duy trì sĩ số và tỉ lệ chuyên cần của HS.
Thầy Nguyễn Xuân Toàn – Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Bắc Hà (huyện Bắc Hà – Lào Cai) cho biết: Tỷ lệ HS bỏ học có giảm dần qua các năm, tuy nhiên tỷ lệ HS bỏ học vẫn cao khiến chất lượng giáo dục giảm sút.
Nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng HS bỏ học đã được các nhà trường đưa ra. Trước hết, HS nghỉ học nhiều phần lớn do học yếu, đầu vào THPT thấp. Mặt khác, tại Bắc Hà nói riêng và Lào Cai nói chung, nhiều tình trạng bố mẹ HS bỏ sang bên kia biên giới làm ăn ít về nhà nên không quan tâm kịp thời đến con em. Thậm chí, nhiều gia đình ở vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn không ngần ngại để con em nghỉ học giữa chừng.
Một lý do khác, HS là người dân tộc thiểu số chiếm trên 80% nên nhiều phong tục tập quán như: Nghỉ học kéo dài để ăn cưới, đám ma, tết, lễ hội… còn ảnh hưởng nặng nề đến HS.
Vấn đề việc làm cũng được xếp vào nguyên nhân tác động lớn đến việc HS tiếp tục đi học hay không tại Bắc Hà. Trước kia, HS vùng cao đi học có bằng trung cấp, CĐ hoặc ĐH, thậm chí chỉ cần hết lớp 12 là đều có việc làm (tại các cơ quan trong huyện, các bộ phận tại xã). Nhưng đến nay, nhiều HS đi học chuyên nghiệp về có bằng ĐH, CĐ vẫn không có việc làm, vẫn quay về làm nương, làm rẫy… nên ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng các bậc phụ huynh HS và HS.
Thầy Toàn cũng cho rằng, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế. Nhiều người còn xem nhẹ vấn đề HS bỏ học. Ngay cả một số GV nghĩ rằng HS bỏ học sẽ làm “nhẹ gánh” cho lớp, cho trường vì phần lớn trong đó có học lực yếu kém và chưa ngoan. Một số nơi, chính quyền địa phương chưa phối hợp và hỗ trợ kịp thời cho nhà trường trong vấn đề khắc phục tình trạng học sinh bỏ học.
Ngoài ra cũng không loại trừ nguyên nhân từ một bộ phận nhỏ GV hạn chế về năng lực sư phạm, cũng như tâm lý sư phạm đã gây chán nản cho HS trong học tập, dẫn đến học yếu và bỏ học. Môi trường nhà trường chưa thật sự thân thiện, chưa đủ sức cuốn hút, níu giữ học sinh…
Duy trì sĩ số bằng nhiều cách
Để khắc phục tình trạng HS bỏ học, nâng cao tỉ lệ chuyên cần cho HS tại các trường THPT huyện Bắc Hà, thầy Nguyễn Xuân Toàn đã đưa ra hàng loạt giải pháp.
Trước hết cần nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý và GV về những tác hại do tình trạng HS bỏ học gây ra. Khi có nhận thức đúng thì GV sẽ có hành động đúng, có tạo động lực thì mới khơi dậy và định hướng hành động nhằm đạt được mục tiêu mong đợi.
Việc phát huy vai trò của GV bộ môn, GV chủ nhiệm và các tổ chức đoàn thể trong nhà trường đối với tình trạng HS bỏ học cũng rất quan trọng trong phát hiện và ngăn ngừa HS bỏ học, cũng như vận động các em bỏ học trở lại lớp.
Trong vai trò cán bộ quản lý nhà trường, mỗi hiệu trưởng cần chỉ đạo thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và tích cực triển khai mô hình trường học gắn với thực tiễn, các hoạt động trải nghiệm.
Cùng đó, muốn nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường thì hiệu trưởng phải tăng cường quản lý việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của HS. Việc quản lý nâng cao trình độ học sinh yếu kém, bám sát từng đối tượng học sinh cũng rất cần thiết.
Để duy trì sĩ số, ngăn chặn tình trạng HS bỏ học thì cũng rất cần tổ chức phối hợp tốt, đồng bộ ba lực lượng giáo dục nhà trường, gia đình và xã hội, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục.
Thầy Nguyễn Xuân Toàn cũng khẳng định, để công tác duy trì sĩ số, nâng cao tỉ lệ chuyên cần HS đạt hiệu quả tối đa thì hiệu trưởng nhà trường cần thường xuyên tác động tới nhận thức của tập thể GV, HS về tác hại của việc học sinh bỏ học, bỏ giờ và ý nghĩa của việc duy trì sĩ số, nâng cao tỉ lệ chuyên cần trong mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, duy trì tiêu chí trường THPT đạt chuẩn quốc gia.
Trong công tác giáo dục HS, nhà trường cần đặc biệt chú ý tới hoạt động của tổ chủ nhiệm và sự phối hợp chặt chẽ giữa tổ chủ nhiệm với các tổ chức đoàn thể trong nhà trường. GV chủ nhiệm lập danh sách những HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, HS cá biệt (có nguy cơ bỏ học) chuyển vào email của toàn trường để GV được phân công phụ trách địa bàn xã nắm bắt và phối hợp vận động HS ra lớp. GV giáo viên chủ nhiệm thường xuyên liên hệ với gia đình học sinh bằng nhiều hình thức (gọi điện liên lạc, sổ liên lạc điện tử VnEdu, thăm nhà học sinh nắm bắt thông tin…) để thực hiện phối hợp giáo dục.
Đồng thời, nhà trường yêu cầu tổ chủ nhiệm và Đoàn Thanh niên xây dựng cơ chế phối hợp giữa hai tổ chức này nhằm duy trì mối liên hệ thường xuyên trong việc kết hợp giáo dục. Theo đó, Đoàn Thanh niên sẽ tham gia dự họp với tổ chủ nhiệm, tham gia đánh giá, xếp loại đạo đức học sinh một cách chủ động và tích cực.