Ảnh minh họa/ Internet
Ảnh minh họa/ Internet
GD&TĐ – Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ khái niệm “phổ cập giáo dục”, “giáo dục bắt buộc”; quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước đối với giáo dục bắt buộc, phổ cập giáo dục. Nội dung này đã được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tiếp thu, giải trình.

TTUB cho rằng, với quan điểm của Đảng và Nhà nước ta “giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”, “đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển”, cần thể hiện rõ ràng, mạnh mẽ trách nhiệm của Nhà nước đối với phát triển của giáo dục.

Đặc biệt đối với giáo dục bắt buộc, Nhà nước phải bảo đảm miễn phí và đầu tư đầy đủ các yêu cầu cơ bản. Việc xã hội hóa giáo dục cần có cơ chế rõ ràng để khuyến khích, nhưng phải bảo đảm nguyên tắc không thương mại hóa giáo dục và cấm lợi dụng hoạt động giáo dục vì mục đích vụ lợi.

Đối với các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài ở bậc học phổ thông, cần có quy định quản lý về chương trình giáo dục phổ thông phù hợp với văn hóa, lịch sử và truyền thống Việt Nam.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo Luật đã được chỉnh lý để làm rõ khái niệm giáo dục bắt buộc, phổ cập giáo dục, quy định cụ thể trách nhiệm của Nhà nước bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục và giáo dục bắt buộc (Điều 5).

Nhiều đại biểu đề nghị làm rõ chính sách học phí đối với người học diện phổ cập giáo dục; việc hỗ trợ đóng học phí đối với người học diện phổ cập tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; cần cụ thể hóa về đối tượng thụ hưởng, tiêu chí, mức tính.

TTUB cho rằng, theo quy định của Hiến pháp 2013 thì Nhà nước “bảo đảm giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí” và theo Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo thì Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục bắt buộc 9 năm sau năm 2020.

Như vậy, chính sách không thu học phí của người học ở các trường công lập cho nhóm đối tượng trẻ em mầm non 5 tuổi, tiểu học, học sinh trung học cơ sở đã thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của Nhà nước đối với giáo dục phổ cập và giáo dục bắt buộc. Theo đó:

Đối với giáo dục bắt buộc: Học sinh thuộc diện giáo dục bắt buộc không phải nộp học phí. Nhà nước bảo đảm các điều kiện cơ bản để thực hiện giáo dục bắt buộc; ở địa bàn không đủ trường công lập, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định mức hỗ trợ đóng học phí đối với học sinh trong trường tư thục (Điều 97); trách nhiệm của gia đình tạo điều kiện cho các thành viên của gia đình trong độ tuổi quy định được học tập để đạt trình độ giáo dục phổ cập (Điều 88).

Đối với giáo dục phổ cập: Trẻ em mầm non năm tuổi, học sinh trung học cơ sở ở trường công lập không phải nộp học phí; Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí cho trẻ em mầm non năm tuổi ở trường dân lập, tư thục ở những địa phương không bảo đảm đủ trường công lập. Mức hỗ trợ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định.

Đồng thời giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện chính sách không thu học phí đối với học sinh trung học cơ sở trường công lập trên cơ sở khả năng cân đối ngân sách nhà nước (Điều 97).

Minh Phong

Theo Giaoducthoidai.vn

BÌNH LUẬN