Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận đã được trao cho Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN Nghệ An – đơn vị chủ sở hữu nhãn hiệu – vào năm 2016. Các hộ dân trong vùng Vạn Phần có nhu cầu và đủ điều kiện có thể nộp đơn để được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.

Nói đến vùng biển Diễn Châu là người ta nhớ đến một đặc sản, đó là nước mắm. Đến nay, sản phẩm nước mắn Diễn Châu đã có mặt khắp trong nam ngoài bắc, phục vụ hàng triệu người tiêu dùng. Nó không chỉ làm đậm đà hương vị các món ăn cổ truyền mà còn được người dân dùng làm quà biếu, tặng người thân như thứ đặc sản rất riêng của vùng quê xứ Nghệ.

Diễn Châu là huyện ven biển với 1 thị xã và 38 xã, trong đó có 9 xã vùng bãi ngang. Vùng đất 4 xã Diễn Ngọc, Diễn Bích, Diễn Vạn, Diễn Kim được gọi là vùng Vạn Phần. Đây là nơi hàng trăm năm nay đã nổi danh với nghề nước mắm. Riêng 2 xã Diễn Bích và Diễn Ngọc là những xã theo nghề nước mắm cho đến tận bây giờ. Tại vùng đất này, người có kinh nghiệm làm nước mắm chủ yếu theo phương pháp cha truyền con nối lâu năm đã tạo nên thương hiệu nước mắm Diễn Châu là “trung thành với cách làm mắm cổ truyền”. Bởi thế, nước mắn Diễn Châu không chỉ được có được sự tin dùng của người tiêu dùng trong tỉnh mà đã trở thành hàng hoá tiêu thụ trong cả nước.

Công ty CP Thuỷ sản Vạn Phần Diễn Châu là một doanh nghiệp chuyên chế biến và thu mua các loại thuỷ, hải sản đóng trên địa bàn xóm Ngọc Văn, xã Diễn Ngọc huyện Diễn Châu. Sản phẩm chính của Công ty chính là sản phẩm nước mắn Vạn Phần. Hiện nay, toàn vùng Vạn Phần sản xuất được gần 10 triệu lít nước mắm/năm, riêng Công ty CP Thuỷ sản Vạn Phần Diễn Châu sản xuất chế biến gần 1,5 triệu lít nước mắm/năm.

Những năm qua, cùng với chiến lược nâng cao chất lượng sản phẩm, lãnh đạo Công ty đã tham gia nhiều hội chợ, triển lãm trong tỉnh và toàn quốc. Qua việc tham gia các Hội chợ, triễn lãm Công ty đã mở rộng thị trường tiêu thụ, xây dựng các đại lý trên khắp cả nước. Đến nay, sản phẩm của Công ty đã có 240 đại lý trên khắp cả nước. Đặc biệt, năm 2013, lô nước nắm đầu tiên mang thương hiệu Vạn Phần đã được xuất khẩu sang thị trường Malayxia với số lượng 18.000 lít. Như vậy, sản phẩm không chỉ tiêu thụ trong nước mà đã xuất khẩu ra nước ngoài.

Qua các Hội chợ, triễm lãm Công ty đã được tặng Huy chương Vàng hàng Việt Nam chất lượng cao, được Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam tặng Giải cầu Vàng hàng Việt Nam chất lượng cao, đoạt Cúp Vàng thủy sản Việt Nam lần thứ nhất tại Hà Nội. Năm 2012, được Tạp Chí thương hiệu Việt chọn vào Top 100 sản phẩm cạnh tranh hội nhập WTO 2012.

Nước mắm Vạn Phần đạt Giải Bạc Giải thưởng Chất lượng Việt Nam, Cúp vàng Thủy sản Việt nam lần thứ hai 2012 và đạt giả thưởng Sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu miền Bắc năm 2012 và 2014. Bộ Công Thương chứng nhận đạt TOP 300 thương hiệu hàng đầu Việt Nam năm 2014 do người tiêu dùng bình chọn. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chứng nhận là 100 sản phẩm dịch vụ tốt cho gia đình và trẻ em năm 2014. Trong năm 2015, Một trong hai doanh nghiệp của Nghệ An được Bộ NN&PTNT tặng danh hiệu “Doanh nghiệp vì nhà nông”.

Giám đốc Sở KH&CN trao văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận cho Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN Nghệ An – đơn vị Chủ sở hữu nhãn hiệu

Xác định được vai trò quan trọng của công tác sở hữu trí tuệ, từ năm 2004, Công ty CP thuỷ sản Vạn Phần đã được Cục sở hữu trí thuệ Việt Nam cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá số 56727, theo Quyết định A5824/QĐ-ĐK ngày 27/8/2004. Ngoài ra Tổng cục Đo lường chất lượng Việt Nam cũng đã cấp mã số mã vạch 89350520 theo quy định của Hiệp hội mã vạch quốc tế cho các sản phẩm của Công ty. Đây là cơ sở pháp lý để Công ty khẳng định vị thế và nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay không ít người đã lợi dụng uy tín đó của sản phẩm để sản xuất và chế biến loại nước mắm không đảm bảo chất lượng, màu sắc, mùi vị nên không giữ được hương vị làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của nước mắm Vạn Phần truyền thống. Bên cạnh đó, tồn tại thực tế là sự không đồng đều về mặt chất lượng giữa các cơ sở sản xuất nước mắm ngay chính tại vùng đất Vạn Phần. Đây là thực trạng phổ biến và rất nghiêm trọng vì nếu không được quản lý thống nhất về chất lượng sẽ làm giảm danh tiếng và uy tín của nhãn hiệu Vạn Phần đối với sản phẩm nước mắm Diễn Châu.

Thực tế này đòi hỏi Nghệ An cần sớm có kế hoạch xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho nước mắm Vạn Phần. Vì vậy, Bộ KH&CN, UBND tỉnh Nghệ An đã triển khai dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Nước mắm Vạn Phần” dùng cho sản phẩm nước mắm của huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An”. Điều này không chỉ đảm bảo được chất lượng, uy tín cho sản phẩm mà còn mở ra cơ hội mở rộng thị trường trong và ngoài nước cho đặc sản này.

Với tất cả những giải thưởng danh giá mà Công ty CP thuỷ sản Diễn Châu có được trong quá trình phát triển của Công ty là điều kiện thuận lợi cho việc khai thác phát triển thương hiệu nước mắm Vạn Phần, tuy nhiên đây cũng là trở ngại lớn trong quá trình đăng bạ cho Vạn Phần thành nhãn hiệu chứng nhận chuyển đổi quyền sở hữu tên Vạn Phần. Với sự cho phép và tạo điều kiện của Công ty CP thuỷ sản Vạn Phần, cùng với sư tham gia tích cực của các đơn vị có liên quan dự án đã được xây dựng thành công.

Với việc thực hiện dự án này, đơn vị chủ trì đã xây dựng các quy chế quản lý nhãn hiệu chứng nhận, thiết kế, in ấn bộ nhận diện thương hiệu, xây dựng bộ tiêu chí chất lượng dùng để chứng nhận sản phẩm nước nắm mang nhãn hiệu chứng nhận. Đặc biệt, hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Vạn Phần” dùng cho sản phẩm nước mắm của huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn. Sau hơn 01 năm nộp hồ sơ, đến nay, sản phẩm nước mắm đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận số 260952 tại Quyết định số 20045/QĐ-SHTT ngày 12/4/2016. Tại Quyết định này ghi rõ chủ giấy chứng nhận nhãn hiệu là Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ khoa học và công nghệ Nghệ An; màu sắc của nhãn hiệu là đỏ đậm, vàng chanh, xanh nước biển, xanh nhạt; nhãn hiệu được bảo hộ tổng thể, không bảo hộ riêng hình vương miện; Danh mục hành hoá thuộc nhóm 29: nước nắm các loại.

Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm nước nắm Vạn Phần không chỉ thúc đẩy hoạt động quảng bá cho sản phẩm mà còn tạo nên sự tin tưởng trong quan hệ với đối tác mà còn là căn cứ pháp lý bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp trước các hành vi sử dụng trái phép nhãn hiệu đó.

Song hành với qúa trình tạo lập nhãn hiệu chứng nhận, đơn vị chủ trì dự án là Trung tâm Ứng dụng TBKHCN đã triển khai nội dung khai thác và phát triển nhãn hiệu. Trên cơ sở quy định của pháp luật và quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu đã được thông qua: Chủ sở hữu nhãn hiệu là Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ khoa học và công nghệ Nghệ An. Trước mắt, Trung tâm đã chọn Công ty CP thuỷ sản Diễn Châu là đơn vị có đủ điều kiện để sử dụng nhãn hiệu chứng nhận nước mắn Vạn Phần. Theo quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận thì những hộ dân trong vùng Vạn Phần có nhu cầu có đủ điều kiện thì có thể nộp đơn, đơn vị chủ sở hữu sẽ có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá và cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.

Kết quả này đánh dấu bước phát triển trên con đường xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đặc sản của địa phương, là sản phẩm đầu tiên của tỉnh Nghệ An được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận. Đây sẽ là một trong những điều kiện hết sức thuận lợi để khẳng định uy tín đối với khách hàng, khẳng định danh tiếng, quản lý chất lượng sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường cho sản phẩm nước mắm và đem lại giá trị lợi nhuận cao cho người sản xuất.

Ông Võ Văn Đại – Giám đốc Công ty CP thuỷ sản Vạn Phần – đơn vị được giao quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận nước nắm Vạn Phần cho biết: Việc xây dựng và quản lý nhãn hiệu chứng nhận nước nắm Vạn Phần dùng cho sản phần nước mắm của huyện Diễn Châu là nhằm bảo vệ uy tín, nâng cao danh tiếng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nước nắm của địa phương trên thị trường, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho các hộ sản xuất và kinh doanh trên địa bàn Diễn Châu.

Theo Sở KH&CN Nghệ An

BÌNH LUẬN