Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet
GD&TĐ – Một trong những nội dung của dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) nhận được nhiều ý góp ý của đại biểu Quốc hội và nhân dân là về hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, liên thông.

Theo Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nhiều đại biểu đề nghị quy định về Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam nhằm cụ thể các cấp học và trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân, cấu trúc bậc trình độ và chuẩn đầu ra của các cấp học, trình độ đào tạo; làm rõ tính chất mở, liên thông, hướng nghiệp, phân luồng và bổ sung chính sách, cơ chế để thực hiện phân luồng, liên thông.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định giao Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân và Khung trình độ quốc gia Việt Nam; quy định thời gian đào tạo, tiêu chuẩn cho từng trình độ đào tạo, khối lượng học tập tối thiểu đối với các trình độ của giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học (Điều 6).

Để thể hiện rõ tính chất “mở”, “liên thông” và mục tiêu “hướng nghiệp”, “phân luồng” của hệ thống giáo dục quốc dân, Dự thảo Luật đã bổ sung một số điều khoản quy định cụ thể về hướng nghiệp, phân luồng (Điều 9) và liên thông (Điều 10), làm rõ khái niệm, nguyên tắc và cơ chế liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo, tạo cơ hội học tập, phát triển bình đẳng cho mọi người, tạo hành lang pháp lý để triển khai thực hiện trong thực tiễn.

Có ý kiến đề nghị học sinh học hết trung học cơ sở (THCS) được học lên thẳng trình độ cao đẳng; đề nghị người học đã học xong trình độ cao đẳng nhưng không có bằng trung học phổ thông (THPT) được học liên thông thẳng lên trình độ đại học.

Ảnh minh họa

Về vấn đề học sinh học hết THCS được học lên thẳng trình độ cao đẳng: TTUB cho rằng đây là chương trình đào tạo tích hợp (nội dung gồm cả văn hóa và kỹ năng nghề) hướng đến tạo thuận lợi và đáp ứng nhu cầu thiết thực của người học nhằm khuyến khích người học phân luồng sang học nghề, góp phần tăng tỷ lệ học nghề, đáp ứng nhu cầu của xã hội.

Để tạo thuận lợi cho người học được học liên thông và giải quyết vấn đề phân luồng nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, chuẩn đầu ra, Dự thảo Luật quy định mang tính nguyên tắc:

Học sinh tốt nghiệp THCS, THPT được tiếp tục học ở cấp học, trình độ cao hơn hoặc học giáo dục nghề nghiệp hoặc tham gia lao động phù hợp với năng lực, điều kiện cụ thể của cá nhân và nhu cầu xã hội (các điều 9, 29) trên cơ sở đáp ứng các điều kiện bảo đảm chất lượng và chuẩn đầu ra của từng bậc trình độ đào tạo trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam (Điều 10).

Mặt khác, để đảm bảo khối lượng kiến thức văn hóa THPT khi học sinh THCS theo học trình độ cao đẳng, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 29: Học sinh trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp được học khối lượng kiến thức văn hóa THPT theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Về vấn đề liên thông thẳng lên trình độ đại học đối với người đã học xong trình độ cao đẳng nhưng không có bằng THPT: TTUB cho rằng, hiện nay việc tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) thực hiện theo cơ chế tự chủ; và Luật GDĐH cũng đã quy định nguồn tuyển sinh trình độ đại học đa dạng, bao gồm học sinh tốt nghiệp THPT, người tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp.

Do vậy, TTUB đề nghị Dự thảo Luật này không quy định cụ thể vấn đề trên mà chỉ nêu nguyên tắc, cơ chế, tạo hành lang pháp lý để triển khai thực hiện liên thông.

Theo đó, người đã học xong trình độ cao đẳng được học liên thông thẳng lên trình độ đại học theo nguyên tắc: Liên thông lên cùng nhóm ngành nghề (trong danh mục ngành, nghề đào tạo cấp III – Quy định của Thủ tướng Chính phủ) hoặc khi chuyển sang nhóm ngành đào tạo, hình thức giáo dục và trình độ đào tạo khác phù hợp với yêu cầu nội dung tương ứng với các bậc trình độ đào tạo trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam; phải học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; dựa trên chuẩn đầu ra của từng bậc trình độ đào tạo trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam (các điều 10, 29).

 Ảnh minh họa

Có ý kiến đề nghị cần làm rõ giá trị pháp lý của giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông (GDPT).

TTUB cho rằng: Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình GDPT không nằm trong văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân.

Tuy nhiên, đối với người học đã học xong chương trình GDPT nhưng không dự thi tốt nghiệp hoặc thi không đạt, giấy chứng nhận này có giá trị xác nhận chuẩn đầu vào để người học đủ điều kiện vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp (GDNN) theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

Quy định này nhằm góp phần thúc đẩy phân luồng, liên thông giữa GDPT và GDNN. Theo đó, Dự thảo Luật quy định “Học sinh học hết chương trình trung học phổ thông đủ điều kiện dự thi theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhưng không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được hiệu trưởng nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông” (Điều 35).

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định dạy học khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN và người đứng đầu cơ sở giáo dục cấp giấy chứng nhận đạt yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT.

Về vấn đề này TTUB có ý kiến như sau: Hiện nay học sinh học hết THCS khi chuyển sang GDNN, để có thể tiếp tục học các trình độ cao hơn cần phải học tích lũy đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT. Nhằm tạo thuận lợi cho người học, Dự thảo Luật bổ sung quy định việc học sinh trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp được học khối lượng kiến thức văn hóa THPT.

Sau khi đã học, thi đạt yêu cầu thì người học được người đứng đầu cơ sở giáo dục tổ chức giảng dạy cấp giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa THPT để học tiếp trình độ đào tạo theo Khung trình độ Quốc gia Việt Nam.

Dự thảo Luật quy định Bộ trưởng Bộ Giáo dục quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp (Điều 29).

Một số đại biểu đề nghị quy định cụ thể về cơ sở giáo dục thường xuyên (GDTX), chức năng, nhiệm vụ của GDTX với ý nghĩa là một cơ chế học tập linh hoạt, thúc đẩy học tập suốt đời; đề nghị đánh giá hiệu quả của Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) để xem xét, cân nhắc việc tiếp tục duy trì mô hình cơ sở giáo dục này.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Dự thảo Luật đã quy định cụ thể về cơ sở GDTX (Điều 43), quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của GDTX; cơ chế, chính sách để GDTX là một phân hệ của hệ thống giáo dục quốc dân, cùng với giáo dục chính quy góp phần xây dựng hệ thống giáo dục mở, liên thông, thúc đẩy học tập suốt đời (Mục 2, Chương II).

Về mô hình TTHTCĐ, tính đến nay trong cả nước đã có trên 11.000 TTHTCĐ gắn với địa bàn cấp xã và được bố trí nguồn lực tuỳ thuộc vào nhu cầu phát triển và điều kiện thực tiễn của từng địa phương; dẫn tới hiệu quả hoạt động của các trung tâm này không đồng đều, một số nơi không tổ chức được hoạt động.

Tuy nhiên, TTUB cho rằng, TTHTCĐ là địa điểm để triển khai thực hiện các hoạt động giáo dục theo tinh thần xã hội học tập, thúc đẩy việc học tập suốt đời cho người dân trên địa bàn.

Vì vậy, TTUB đề nghị giữ như quy định tại Dự thảo Luật (Điều 45), đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo đánh giá, tổng kết việc thực hiện mô hình này để có các giải pháp triển khai phù hợp.

Minh Phong

Theo Giaoducthoidai.vn

BÌNH LUẬN