Việc Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đến thăm Syria đầy bất ngờ trong tuần này đã dấy lên đồn đoán về việc Tổng thống Putin có thể ra quyết định rút quân.
Trong văn phòng của Tổng thống Syria Bashar Assad ở Damascus, mọi người gần như không có thời gian để dọn dẹp và sắp xếp lại bàn ghế khi có rất nhiều vị khách quan trọng đã đến thăm trong tuần này. Người đầu tiên phải kể đến là Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu.
Tiếp theo đó là Tham mưu trưởng quân đội Iraq, ông Othman al-Ghanmi và người đồng cấp Iran Mohammad Hossein Baqeri. Sắp tới, các phái đoàn từ các quốc gia Ả Rập dự kiến sẽ đến để thảo luận về khả năng mời Syria tham dự hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Ả Rập, dự kiến sẽ được tổ chức tại Tunisia vào cuối tháng.
Trong tuyên bố chính thức, các vị khách nói rằng họ đến đây để thảo luận về cuộc chiến tiếp diễn chống lại những kẻ khủng bố, những vấn đề mà thực tế họ hoàn toàn có thể nói qua điện thoại. Nhưng vấn đề trung tâm đáng chú ý ở đây là động thái tiếp theo khá bất ngờ của Moscow.
Theo tờ Haaretz, Tổng thống Vladimir Putin đã tổ chức một cuộc họp với Ngoại trưởng Sergei Lavrov và Bộ trưởng Shoigu – và theo báo cáo từ cả Nga và Syria – ông Putin đã chỉ thị cho họ rút quân ở Syria và quá trình này đã được bắt đầu với lực lượng không quân tại căn cứ Khmeimim ở tây bắc.
Báo cáo cho biết, hôm 19/3 này, nhóm máy bay đầu tiên của Nga, bao gồm máy bay chiến đấu Sukhoi-34, đã rời Syria và trở về Nga. Tuy nhiên, ngày hôm sau, có thông tin lại nói rằng các máy bay tấn công của Nga đã được gửi trở lại Syria – dường như để tham gia chiến dịch cho khu vực Idlib, nơi tập trung hàng chục ngàn phiến quân.
Viktor Ozerov, người đứng đầu ủy ban Quốc phòng và An ninh tại Thượng viện Nga, ước tính Moscow sẽ để lại khoảng 1.000 nhân viên quân sự ở Syria. Với động thái này, Nga dường như muốn nói rõ với chính quyền Assad rằng, vai trò quân sự tích cực của Nga đang gần kết thúc sau khi hoàn thành nhiệm vụ đưa lãnh thổ Syria trở lại quyền kiểm soát gần như hoàn toàn.
Dẫu vậy, tờ Haaretz cho rằng, tuyên bố này có thể không hoàn toàn chính xác, vì tỉnh Idlib vẫn đang chờ đợi một giải pháp dứt điểm từ Nga và có thể trở thành một chiến trường tàn khốc nếu Thổ Nhĩ Kỳ không giữ các cam kết với Moscow trong việc loại bỏ các thành viên của Jabhat al-Nusra và Jish al-Islam. Đây là hai lực lượng lớn vẫn có sức mạnh quân sự để ngăn chặn chính quyền Assad giành lại quyền kiểm soát toàn bộ Syria.
Sự giận dữ và căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã bùng lên trong những tuần gần đây khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan không làm rõ ý định hoàn thành thỏa thuận của mình như thế nào. Trong khi đó, Nga đang nỗ lực hoàn thành vấn đề Idlib ngay cả khi phải thông qua một chiến dịch quân sự để có thể tiến tới giai đoạn ngoại giao và chấm dứt chiến tranh.
Trong trường hợp Nga thực sự rút quân, quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất lại chính là Israel, khi họ thấy Nga là người bảo lãnh quan trọng nhất để ngăn chặn sự cố thủ của quân đội Iran ở Syria, đặc biệt dọc theo biên giới trên Cao nguyên Golan.
Nếu rơi vào tình huống này, Israel cũng hy vọng rằng việc các lực lượng Nga rút lui sẽ cung cấp cho Moscow nhiều đòn bẩy hơn đối với Iran trong việc yêu cầu Tehran rút lực lượng một cách tương tự – nhưng Tehran vẫn chưa thể hiện bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy họ có ý định áp dụng động thái này giống Nga.
Mối quan hệ chính thức giữa Syria và Iraq cũng đang phát triển mạnh mẽ hơn và điều này đặc biệt đáng lo ngại khi cả hai đưa ra thông báo về ý định mở lại đường biên giới Al-Qa’im quan trọng giữa hai quốc gia gần thành phố Al-Bukamal.
Syria và Iraq được kết nối thông qua ba cửa khẩu biên giới chính. Một, gần al-Tanf, bị kiểm soát bởi các lực lượng Mỹ vẫn còn ở Syria và có nhiệm vụ ngăn chặn các lực lượng Iran xâm nhập Syria qua Iraq. Thứ hai, al-Rabia ở góc đông bắc của Syria, được kiểm soát bởi lực lượng người Kurd ở Syria. Thứ ba là con đường xuyên qua al-Qa’im, nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Assad và có thể đóng vai trò là điểm giao cắt thuận tiện không chỉ đối với hàng hóa của Iraq mà còn cho các binh sĩ và vũ khí từ Iran đi qua Iraq đến Syria.
Syria đã gây áp lực cho người Kurd để trao lại lãnh thổ mà họ kiểm soát và đã đưa ra cho họ hai lựa chọn: Hòa giải với chính quyền, hoặc sử dụng vũ lực chống lại họ. Hòa giải có nghĩa là bàn giao đất đai mà họ đã chiếm được trong cuộc chiến chống lại IS cho chính quyền để đổi lấy lời hứa giữ gìn địa vị chính trị và quyền lợi của họ trong Chính phủ được hình thành sau khi chiến tranh kết thúc.
Nếu người Kurd không chấp nhận các yêu cầu, Damascus dự kiến sẽ mở ra một mặt trận mới chống lại họ và điều này sẽ gây nguy hiểm cho vị thế và cơ hội của người Kurd.
Hai khả năng nói trên đều đảm bảo rằng hầu hết khu vực phía Bắc sẽ nằm trong tay Chính phủ, điều này sẽ tăng cao nguy cơ vũ khí chảy từ Iraq qua Syria đến Lebanon.
Dưới góc độ của Israel, đây được coi là dấu hiệu tiêu cực. Điều này cho thấy tầm quan trọng về sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Syria, nơi đảm bảo không chỉ sự an toàn của người Kurd khỏi các cuộc tấn công của Syria hay Thổ Nhĩ Kỳ, mà còn cho phép người Kurd kiểm soát biên giới.
Câu hỏi bây giờ là ai sẽ thuyết phục được Tổng thống Mỹ Donald Trump ngừng việc rút quân ở Syria, hay ít nhất là tạm thời hoãn lại quá trình này.
Quốc Vinh
Theo Nguoiduatin.vn