Miền Nam bịt các cửa ngõ để phòng vệ ASF
Tính từ khi phát hiện ASF lần đầu ở Việt Nam, đến nay đã được một tháng và hiện đã có 19 tỉnh thành có ASF với 239 ổ dịch. Sau khi phát hiện ổ dịch ASF tại đàn heo ở địa bàn xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế ngày 18/3, các địa phương tính từ Đã Nẵng trở vào Nam đã tăng cường các công tác phòng chống ASF nhằm hạn chế tối đa dịch bệnh lây lan vào khu vực miền Nam, đồng thời khuyến nghị người tiêu dùng không quay lưng với thịt lợn.
Bình Thuận là địa bàn có tuyến quốc lộ 1 đi qua, kết nối tuyến phía Bắc với các tỉnh miền Đông Nam Bộ, vì thế các cơ quan thú y, quản lý thị trường, thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông đang rất khẩn trương thực hiện công tác phòng ngừa ASF. Đại diện Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận cho biết, hiện tại tất cả cửa ngõ ra vào tỉnh Bình Thuận đều được chốt chặn bằng các trạm kiểm dịch tạm thời, kể cả những tuyến tỉnh lộ, đường nhánh tại các huyện. Các trạm kiểm dịch động vật này hoạt động 24/24 giờ, nhiệm vụ kiểm soát chặt xe vận chuyển lợn, xe chở sản phẩm từ lợn, xe vận chuyển gia súc gia cầm. Các xe vận chuyển gia súc gia cầm khi qua trạm đều phải có giấy kiểm dịch, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đồng thời buộc phải phun thuốc sát trùng, tiêu độc mới được di chuyển.
Tại tỉnh Đồng Nai, ngoài 2 chốt kiểm dịch động vật ở quốc lộ 1 và quốc lộ 20, hiện đã có thêm 5 chốt để kiểm soát lợn vận chuyển từ từ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước, Bình Dương chuyển đến. Tại TP. Hồ Chí Minh, ngoài 4 chốt kiểm dịch đã có từ trước, sắp tới các cơ quan chức năng sẽ mở thêm các chốt kiểm dịch tạm thời tại các tuyến cao tốc, quốc lộ, các đường nhánh kết nối với các tỉnh thành khác. Để phòng chống ASF đạt hiệu qủa, ngày 19/3, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.Hồ Chí Minh đã gửi văn bản đến các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ Bình Thuận trở vào để hợp tác phòng chống ASF. Ông Lê Việt Bảo, Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi và thú y TP.Hồ Chí Minh cho biết, TP. Hồ Chí Minh đề nghị các tỉnh thành khu vực miền Nam tăng cường giám sát hoạt động các điểm thu gom lợn sống, theo dõi nguồn gốc, xuất xứ; khi cấp giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển lợn sống từ các tỉnh đang có dịch phải tổ chức lấy mẫu xét nghiệm và xử lý nghiêm những trường hợp lợn, thực phẩm lợn có dấu hiệu bị bệnh dịch …
Các tỉnh Long An, Bình Dương, Tây Ninh ngoài yêu cầu các trạm kiểm soát động vật chốt chặt trên các tuyến chính hiện đã thành lập thêm nhiều đoàn kiểm tra liên ngành và tổ chức kiểm tra thịt lợn tại các chợ, lò mổ, bếp ăn tập thể đồng thời tăng cường tuyên truyền về ASF cho các cơ sở chăn nuôi, tiểu thương, người tiêu dùng để phòng tránh hiệu quả.
Không quay lưng với thịt lợn
Thông tin về ASF chưa được không chế đã tác động đến giá lợn hơi và nhu cầu về thịt lợn trên thị trường theo hướng giảm. Theo ông Lê Văn Tiễn, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, bình thường chợ đầu mối Hóc Môn tiêu thụ khoảng 5.200 con lợn/ngày, gần đây giảm còn khoảng 4.200 con/ngày. Tuy giá thịt lợn tại chợ giảm không nhiều so với trước đây nhưng giá lợn hơi đã giảm sâu, chỉ còn 44.500 đồng/kg, trong khi cách đây một tuần là 48.000 đồng/kg.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh nhìn nhận, mặc dù thông tin về ASF không lây cho người và đã được phổ biến rộng rãi, tuy nhiên tâm lý của một số người tiêu dùng vẫn còn e dè với thịt lợn. Theo bà Lan, người tiêu dùng đừng quay lưng với thịt lợn, miễn là thịt lợn được mua ở nơi cung cấp uy tín và được nấu chín kỹ trước khi ăn là an toàn.
Theo các nhà chuyên môn, bệnh ASF lần đầu tiên được xác nhận ở Kenya năm 1921 và đến nay vẫn còn tồn tại. Sau 100 năm từ khi phát hiện ra bệnh ASF đến nay chưa có trường hợp nào báo cáo có sự ảnh hưởng của virus ASF đến sức khỏe con người, Cụ thể, Tổ chức Thú y thế giới (OiE), Hiệp hội thực phẩm châu Âu (EFSA), Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) xác nhận, virus ASF không gây bệnh trên người khi tiếp xúc với lợn bệnh cũng như thịt lợn nhiễm bệnh. Do vậy, bệnh ASF không liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, người tiêu dùng có thể hoàn toàn tiêu thụ thịt heo nhiễm virus ASF bằng các biện pháp nấu chín bằng nhiệt.
Tiến sĩ Kiều Minh Lực, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam cho rằng, cần có cách nhìn thực tiễn về ASF trong điều kiện Việt Nam hiện nay để không làm ảnh hưởng đến nền công nghiệp chăn nuôi lợn. Theo ông Lực, để loại bỏ nhanh chóng dịch bệnh ASF, phương án tốt nhất là tiêu hủy lợn chết và giết mổ ngay lập tức toàn bộ lợn trong đàn cũng như lợn ở các trang trại trong vùng dịch. Việc tạo ra vùng (hay quốc gia) sạch dịch bệnh ASF và sau đó cần phải tốn nhiều kinh phí duy trì, bảo vệ nếu vùng (hay quốc gia) lân cận chưa được thanh toán bệnh ASF.
Tại Việt Nam, theo đề xuất của ông Lực, nhà nước cần tuyên bố rằng, virus ASF không lây sang người khi tiếp xúc với lợn cũng như thịt lợn, bệnh ASF không liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Người dân có thể tiêu thụ thịt lợn bình thường mà không cần quan tâm đến dịch bệnh ASF. Chương trình phòng bệnh ASF là nhằm mục đích phát triển chăn nuôi lợn mà không liên quan gì đến an toàn vệ sinh thực phẩm đối với thịt lợn. Tăng cường kiểm dịch thú y và đảm bảo với người tiêu dùng rằng thịt lợn trên thị trường là đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng. Đặc biệt phải tổ chức tiêu hủy 100% lợn bị chết và cho giết mổ tiêu thụ tại chỗ lượn trong vùng dịch, không vận chuyển đi xa để đảm bảo không lây lan dịch bệnh sang vùng khác.