Ba bệnh viện lớn ở Đồng Nai áp dụng cơ chế tự chủ tài chính để giữ chân bác sĩ bằng cách tăng thu nhập trên hiệu suất công việc.
Tiến sĩ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho rằng thực trạng bác sĩ thôi việc ở bệnh viện công trên địa bàn đã diễn ra nhiều năm nay, ngành phải liên tục đưa ra nhiều giải pháp để “giữ chân”.
Quan điểm của ông Vũ, khi kinh tế phát triển, nhu cầu khám và điều trị của người dân cao hơn, việc chuyển dịch nguồn nhân lực y bác sĩ từ công sang tư là chuyện bình thường. Trong bối cảnh đó, nhà nước cũng nhìn thấy và có cơ chế thay đổi chính sách nhằm hạn chế việc “chảy máu chất xám” của bệnh viện công, cũng như nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.
“Không thể trách các bác sĩ nghỉ việc để tìm một nơi thu nhập cao hơn được vì đó là nhu cầu cuộc sống, họ còn phải lo cho gia đình, con cái, nâng cao vị thế bản thân để phát triển. Cái chính là làm sao để bác sĩ bệnh viện công yên tâm công tác với chế độ đãi ngộ không thua kém gì bệnh viện tư”, ông Vũ nói.
Khi bệnh viện công được đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại, bác sĩ có thu nhập ổn định, chắc chắn chất lượng khám chữa bệnh sẽ được nâng cao rất nhiều. Ông Vũ cho rằng Chính phủ cho phép các đơn vị sự nghiệp tự chủ tài chính là động lực thúc đẩy các bệnh viện phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc người dân, tạo sự cạnh tranh sòng phẳng giữa y tế công và tư.
Hiện Đồng Nai có 3 bệnh viện lớn đã tự chủ tài chính mức II, trong đó bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Long Khánh hoạt động bắt đầu có hiệu quả. Năm 2018 Đồng Nai đã cắt giảm hơn 200 tỷ đồng ngân sách cho các bệnh viện này.
Lâu nay tại các bệnh viện công, bác sĩ ăn lương và phụ cấp theo quy định của nhà nước. Vì vậy, hiệu suất lao động có yếu tố “không công bằng” khi tiền công của bác sĩ làm nhiều và làm ít không khác nhau bao nhiêu. Chính vì vậy, một số bác sĩ tồn tại tâm lý “ỷ lại”, thái độ hời hợt trong lúc làm việc.
“Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tạo sự thân thiện giữa thầy thuốc và bệnh nhân, Đồng Nai sẽ thí điểm thiết lập hệ thống quản lý điều hành công việc theo KPI, chỉ số đánh giá hiệu suất công việc. Khi đó, bác sĩ làm nhiều sẽ hưởng nhiều, làm ít hưởng ít theo năng suất của mình”, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai chia sẻ.
Bệnh viện đa khoa Đồng Nai là viện lớn nhất tỉnh, trang thiết bị máy móc hiện đại, nhưng do cơ chế nên thu nhập của y bác sĩ khá thấp, chỉ 9-15 triệu đồng một tháng. 32 bác sĩ của bệnh viện này đã nghỉ việc trong vài năm qua, việc giữ chân bác sĩ còn lại cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Bác sĩ Lê Thị Phương Trâm, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho biết phần lớn bác sĩ thôi việc ở độ tuổi trẻ, đa phần làm việc từ 2 đến 5 năm. “Nhiều bác sĩ trẻ được nhận vào làm việc, được tạo điều kiện thời gian để đi học nâng cao chuyên môn. Tuy nhiên khi có được chứng chỉ hành nghề thì liền xin nghỉ để sang bệnh viện tư làm, hưởng thu nhập cao hơn”, bác sĩ Trâm tâm tư về công sức đào tạo.
Bà Trâm hy vọng cơ chế tự chủ tài chính, giao chỉ tiêu hiệu quả công việc cho bác sĩ là động lực để họ cảm thấy có trách nhiệm hơn với người bệnh. Cơ chế này cũng sẽ giúp bệnh viện thu hút nhân tài về “đầu quân”, đặc biệt là bác sĩ trẻ cần học hỏi, nâng cao chuyên môn để khẳng định thương hiệu bản thân. Bác sĩ viện công sẽ yên tâm công tác mà không lo nghĩ về thu nhập.
Để tránh “chảy máu chất xám”, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cũng có nhiều hợp tác dài hạn với các bệnh viện lớn TP HCM để đưa bác sĩ giỏi, chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế về Đồng Nai hội chẩn, trực tiếp điều trị cho bệnh nhân. Nhiều phương pháp y khoa khó như can thiệp tim mạch, mổ hở tim… cũng được chuyển giao thành công, bác sĩ thêm cơ hội học hỏi.
Năm 2018, Đồng Nai có 97 bác sĩ thôi việc. Trong số này có 20 bác sĩ Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, 32 bác sĩ Bệnh viện đa khoa Đồng Nai (cả nghỉ hưu), 8 bác sĩ Bệnh viện Nhi. Một năm trước, số bác sĩ thôi việc cũng tương đương, rất nhiều người có trình độ sau đại học.
Phước Tuấn
Theo VNExpress.net