Việc giới nhà giàu hối lộ tiền để cho con vào đại học hạng ưu, về cơ bản không khác những gì đang diễn ra hàng ngày.

Ngày 12/3, Mỹ phá đường dây của giới nhà giàu chuyên chạy cho con vào đại học sau hơn một năm điều tra. Công tố viên buộc tội gần 50 người, gồm nhiều diễn viên Hollywood, CEO, huấn luyện viên thể thao trong các trường đại học uy tín. Góc nhìn của tác giả Rainesford Stauffer trong bài viết trên New York Times ngày 13/3 hé lộ sự thiếu công bằng trong hệ thống tuyển sinh đại học ở Mỹ. 

Tôi đã học được từ kinh nghiệm ở trường đại học rằng tuyển sinh đã luôn là món hàng để mua bán. Bê bối về đường dây hối lộ vừa bị phanh phui không đáng ghê tởm hơn ngành công nghiệp hoàn toàn hợp pháp giúp nhiều đứa trẻ giàu có bước vào ngôi trường mơ ước của chúng.

Sau năm thứ nhất đại học, tôi tự đấu tranh về việc có nên chuyển sang trường khác hay bỏ học để tham gia vào lực lượng lao động mà không có bằng cấp. Thời điểm đó, tôi đã gặp một người bạn lớn tuổi hơn, hỏi về trường cô ấy đang theo học và xin lời khuyên.

Cô cho biết mọi thứ ở ngôi trường đó rất tuyệt, nhưng cảnh báo rằng tôi “phải thực sự thông minh” để được nhận vào. Sau đó, tôi phát hiện rằng sự thông minh của cô ấy và của tôi hoàn toàn khác nhau. Cô đã dành hàng giờ học cùng gia sư riêng và miệt mài luyện thi để có cơ hội tăng điểm số trong các bài kiểm tra tiêu chuẩn hóa. Nhiều bạn cùng lớp của cô còn được bố mẹ mạnh tay chi tiền cho người giúp chuẩn bị bài luận ứng tuyển tốt nhất.

Một sinh viên trong khuôn viên Đại học Stanford, ngôi trường đang vướng vào bê bối hối lộ tuyển sinh với sự tham gia của một huấn luyện viên thể thao. Ảnh: AP
Một sinh viên trong khuôn viên Đại học Stanford, ngôi trường đang vướng vào bê bối hối lộ tuyển sinh với sự tham gia của một huấn luyện viên thể thao. Ảnh: AP

Tôi đột nhiên cảm thấy như thể tôi đã thất bại trong một bài kiểm tra mà tôi không biết mình tham gia. Tôi thậm chí còn kinh ngạc hơn nữa khi nhận ra trường hợp của cô ấy không hề hiếm. Hỏi chuyện xung quanh, tôi biết rằng để giành một suất vào đại học, nhiều người đồng trang lứa đã được trang bị kỹ lưỡng với những công cụ mà tôi không hề biết có tồn tại.

Tôi hiểu ra rằng điểm A môn Văn học trong năm nhất đại học của tôi, hay công việc bán thời gian sau giờ học và những ngày cuối tuần, sẽ không thể cạnh tranh nổi với những cậu ấm cô chiêu, những người được bố mẹ bỏ ra rất nhiều tiền để có bộ hồ sơ ứng tuyển hoàn hảo nộp vào các trường đại học.

Cuối cùng tôi đã chuyển trường, nhưng không phải đến trường của bạn tôi mà là The New School, nơi tôi đã hoàn thành văn bằng từ xa của mình trong khi làm việc toàn thời gian và tốt nghiệp vào tháng 1/2017. Giờ đây, khi nói chuyện với những người trẻ tuổi, bao gồm cả em gái ruột, tôi cảm nhận được sự ấm ức trước thực tế rằng dù họ có học hành chăm chỉ đến đâu cũng sẽ không bao giờ cạnh tranh được với những người có lợi thế ngay từ vạch xuất phát.

Dù vậy, tôi biết những lợi thế của bản thân như có màu da trắng và bố mẹ đều là người tốt nghiệp đại học. Tôi thấy bất công thay cho những người yếu thế hơn mình.

Vì vậy, khi đọc tin tức về việc diễn viên nổi tiếng, huấn luyện viên đại học hàng đầu và các cá nhân khác trong giới nhà giàu bị Bộ Tư pháp buộc tội tham gia hối lộ tuyển sinh đại học, suy nghĩ ban đầu của tôi là khám phá mới nhất này không tồi tệ hơn những gì xảy ra mỗi ngày. Rõ ràng đây là vụ bê bối, bởi những người giàu đã vi phạm pháp luật để giúp con họ vào các trường hạng ưu. Nhưng sự phẫn nộ của dư luận cũng nên dành một phiên bản hợp pháp của câu chuyện này, khi việc mua bán lợi thế tuyển sinh xảy ra vào mỗi mùa nộp đơn đại học và có cả một ngành công nghiệp hỗ trợ nó.

Bất cứ ai cũng có thể nhìn thấy những điều được nêu trong bản cáo trạng là không thể chấp nhận được, bao gồm tiền hối lộ của những phụ huynh giàu có được ngụy trang dưới danh nghĩa “đóng góp từ thiện” để mua vị trí cho con trong trường đại hoc, các chương trình gian lận nhằm đảm bảo suất học bổng thể thao dành cho các thanh thiếu niên thậm chí không chơi thể thao ở trường trung học.

Thế còn ngành công nghiệp luyện thi cho các bài kiểm tra tiêu chuẩn, trị giá khoảng 840 triệu USD, trong đó phụ huynh trả đến 200 USD mỗi giờ cho các gia sư của Ivy League với mục đích giúp con tăng điểm số thì sao? Đó là chưa kể những người hỗ trợ làm bài tiểu luận ứng tuyển, chỉ cho ứng viên nên viết những gì, chỉnh sửa như thế nào, thậm chí trong một số trường hợp còn viết hộ; hay cả những công ty tư vấn tuyển sinh với gói chi phí lên đến 40.000 USD để vạch chiến lược cho toàn bộ quá trình ứng tuyển.

Các khoản đóng góp của phụ huynh giàu có cho trường đại học có thể mua được thư mời nhập học cho con cái họ. Trong khi đó, một số ứng viên thậm chí không có phụ huynh đọc giúp bài luận để soát lỗi chính tả, không thể trả nhiều tiền để luyện thi hay liên tục làm bài kiểm tra tiêu chuẩn cho đến khi điểm số tăng lên.

Natasha Warikoo, giáo sư tại Harvard Graduate School of Education và là tác giả cuốn “The Diversity Bargain” cho biết: “Đối với tôi, một hệ thống công bằng sẽ tạo ra một kết quả trong đó ứng viên trúng tuyển là đại diện của những người 18 tuổi nói chung ở Mỹ. Hiện chúng ta không có sự đồng thuận về hệ thống tuyển sinh công bằng”. Bà bổ sung rằng số lượng sinh viên giàu có đang chiếm đa số trong các trường đại học, nhóm còn lại là thiểu số như sinh viên nghèo, da đen, Mỹ Latinh và thế hệ đầu tiên trong gia đình vào đại học.

Nikhil Gidel, tác giả của “Schools on Trial” và nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Cambridge nhận xét: “Nếu bạn phải thiết kế một hệ thống mang lại cho những đứa trẻ giàu có, da trắng cơ hội tốt nhất để vào các trường đại học danh tiếng, thì đừng tìm đâu xa hơn hệ thống hiện tại”.

Ông đã nghiên cứu và phát hiện rằng những trường đại học chấm dứt kiểu tuyển sinh nhờ quan hệ và đưa điểm số bài kiểm tra tiêu chuẩn thành tiêu chí không bắt buộc sẽ có sự đa dạng về chủng tộc, nền tảng của sinh viên. Thông qua cách tuyển sinh này, giới trẻ cũng hiểu rằng giá trị của họ không được xác định bằng điểm số mà bằng sự sáng tạo và niềm đam mê. Bởi điểm số có thể được mua, nhưng sự sáng tạo và niềm đam mê thì không thể.

Có lẽ sẽ không khó khăn lắm nếu chúng ta chọn cách loại bỏ các bảng xếp hạng đại học hay ngừng áp đặt cho giới trẻ rằng vào đại học là mục tiêu hàng đầu.

Vụ bê bối tuyển sinh mới nhất thực sự gây phẫn nộ, nhưng hệ thống hoàn toàn hợp pháp đang diễn ra cho phép các gia đình giàu có trả tiền cho những cơ hội giúp con vào đại học thậm chí còn gây tổn thương nhiều hơn. Nó gửi một thông điệp đến những người trẻ yếu thế trong hệ thống hiện tại rằng dù họ có học tập chăm chỉ đến đâu, người khác sẽ luôn có thể mua một cuộc sống tốt hơn.

Thùy Linh

Theo VNExpress.net

BÌNH LUẬN