Ngay trong 2 tháng đầu năm 2019, nhà đầu tư Nhật Bản đã đăng ký mới và tăng thêm vốn đầu tư tại Việt Nam đạt gần 364 triệu USD, chiếm 19% tổng vốn đầu tư, dẫn đầu 51 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.

Doanh nghiệp Nhật Bản đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào Việt Nam

Tính lũy kế đến ngày 20/2/2019, cả nước có 27.900 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 344,9 tỷ USD. Trong đó, nhà đầu tư Nhật Bản đứng thứ hai với 56,7 tỷ USD (chiếm 16,4% tổng vốn đầu tư), chỉ xếp sau Hàn Quốc về đầu tư vào Việt Nam.

Riêng tại TP. Hồ Chí Minh trong 2 tháng đầu năm 2019, thành phố thu hút được 1,02 tỷ USD vốn FDI (bằng 94,7% so với cùng kỳ), trong đó, dòng vốn FDI đầu tư vào thành phố chủ yếu là từ Hàn Quốc với tỷ trọng (43,2%); tiếp theo là Singapore chiếm 15,8%; Nhật Bản chiếm 15%.

lac quan va trien vong thu hut von fdi nhat ban vao viet nam
Các DN Nhật Bản thuộc nhiều ngành nghề, lĩnh vực thực hiện kết nối, xúc tiến đầu tư kinh doanh tại Việt Nam

Để duy trì vị trí dẫn đầu quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, thời gian qua các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đã liên tục thực hiện các chương trình tìm hiểu, xúc tiến đầu tư kinh doanh tại Việt Nam trong rất nhiều ngành và lĩnh vực. Mới đây, khoảng 40 lãnh đạo cấp cao của các DN Nhật Bản hoạt động trong các lĩnh vực thương mại tổng hợp, sản xuất máy móc, linh kiện, ô tô, ngân hàng, xây dựng, thực phẩm, hàng không… đã có chuyến thăm để tìm hiểu sâu và toàn diện hơn về tình hình, tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư của hai nước. Đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho thấy 4 lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, lao động, du lịch và nông nghiệp đang được kỳ vọng sẽ trở thành mũi nhọn mới thu hút đầu tư và hợp tác của DN hai nước.

Theo đánh giá của JETRO thời gian qua, các DN Nhật nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ và nhiều tổ chức của Nhật Bản trong việc đầu tư sang Việt Nam như hỗ trợ các DN chi phí quảng cáo, cung cấp thông tin thị trường và giúp kết nối với các nhà đầu tư Việt Nam, tạo điều kiện tốt để DN Nhật bán hàng tại Việt Nam. Đây là một phần của chương trình hỗ trợ DN Nhật, nhất là DN nhỏ và vừa, tăng xuất khẩu hàng hóa ra thế giới và thị trường Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng được các DN Nhật Bản đánh giá cao về nhiều mặt.

Bên cạnh đó, việc tăng nhanh thu hút FDI của DN Nhật còn mở ra những cơ hội lớn về phát triển thương mại, tăng xuất khẩu, mở rộng thị trường, thu hút thêm các nhà đầu tư khác đến Việt Nam để tận dụng cơ hội mang lại từ Hiệp định CPTPP.

Lạc quan và triển vọng thu hút vốn FDI Nhật Bản

lac quan va trien vong thu hut von fdi nhat ban vao viet nam
Ông Takimoto Koji – Trưởng đại diện JETRO TP. Hồ Chí Minh công bố khảo sát về thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN Nhật Bản tại Việt Nam

Báo cáo khảo sát về thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN Nhật Bản tại Việt Nam vừa được JETRO công bố cho thấy, có đến 65,3% DN Nhật kinh doanh tại Việt Nam làm ăn có lãi. Tỷ lệ có lãi đối với những DN thành lập trước năm 2010 ổn định ở mức trên 80%, điều đó cho thấy việc đầu tư lâu dài thì có lãi. Báo cáo cũng chỉ ra có khoảng 70% DN Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam có phương châm mở rộng kinh doanh, so với các nước khác khả năng mong muốn tiếp tục mở rộng là tương đối cao. Ngay cả đối với các DN thành lập trước năm 2010, cũng có 67,1% cho biết có phương án mở rộng. Điều này cho thấy Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư quan trọng.

Bên cạnh đó, kết quả khảo sát cũng cho thấy, các DN Nhật Bản quan ngại về hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành không rõ ràng (tỷ lệ 48,2%), tăng lương nhân viên (50%), khó khăn trong thu mua nguyên liệu, phụ kiện, quản lý chất lượng. Cơ chế, thủ tục thuế phức tạp, thường xuyên thay đổi, chưa có chính sách rõ ràng phát triển công nghiệp ôtô, thuế chuyển nhượng giá, thuế thu nhập cá nhân… Đây là những tiêu chí mà DN Nhật Bản cho là yếu tố rủi ro khi kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam.

Ông Takimoto Koji – Trưởng đại diện JETRO TP. Hồ Chí Minh cho biết: để có thể tận dụng được hết làn sóng đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam, Chính phủ và DN cần chú trọng vào giáo dục và phát triển nguồn nhân lực. Vì trong tương lai, việc ứng dụng robot vào sản xuất là tất yếu, khi đó các nhà máy sẽ cần nguồn nhân lực chất lượng cao có thể điều khiển robot. Đồng thời chú trọng hơn nữa việc đầu tư phát triển hạ tầng nhất là giao thông, và năng lượng. Ông Takimoto Koji cũng lưu ý tỷ lệ nội địa hoá của Việt Nam đến nay đã đạt 36,5% và kể từ năm 2010 đến nay hàng năm tỷ lệ nội địa hoá đều gia tăng dần, tuy nhiên nếu so với Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia thì vẫn ở mức thấp vì thế các DN Việt Nam cần tiếp tục cải thiện điều này.

Thảo – Minh

Theo Congthuong.vn

BÌNH LUẬN