Cơ thể chúng ta được thiết kế tròn trịa nhưng khó tránh vài chỗ góc cạnh như đầu gối, khuỷu tay, mắt cá, gót chân…

…Những bộ phận này hay bị tì đè nên dễ chai sần, thâm, đen khiến nhiều teen ngậm ngùi “nói không” với váy, quần sort…

Trời sinh “số nhọ”

Những chỗ cạnh xấu xí khi sinh ra đã có… số nhọ. Đa phần chúng là những phần xương độn sát mặt da, ít mạch máu khó nuôi, đã thế dễ bị tì đè, một số còn phải gánh vác chức năng khớp co duỗi liên tục… nên dễ bị chai sần, xù xì, thâm đen…

Tuy nhiên, không phải teen nào cũng có đầu gối, khuỷu tay… xấu xí, thường chỉ gặp ở những bạn có tạng người khẳng khiu, dinh dưỡng kém, hoặc mắc bệnh suy dinh dưỡng xương, mắc lỗi tư thế vận động sai, gặp di chứng chấn thương… Đơn cử chứng phì đại lồi củ xương chày, tên thường gọi là “đầu gối củ lạc”, hay gặp ở tuổi dậy thì chạy nhảy, thể thao nhiều.

Bệnh này là di chứng của nhiều cú viêm nhiễm, chấn thương khiến lồi củ chày to ra và biến dạng lục cục dưới khớp gối trông rất khó coi, khiến những teen mắc tật này thường ngại khoe chân trần. Nhiều người mẫu, diễn viên do công việc phải diện đầm mà làm lộ khuyết điểm là vì thế.

Tại người không ít

Thiếu chăm sóc hoặc chăm sóc sai cách cũng góp phần đẩy mấy chỗ góc cạnh vào tình trạng xấu tệ. Đầu gối, khuỷu tay… thâm chai thường là do thói quen chống khuỷu, đi quỳ bằng đầu gối. Điển hình là lỗi lười làm ẩm, đi giày dép chật, vệ sinh kém khiến gót sen của nhiều teen sần chai, nứt nẻ…

Nạn nhân quan trọng

Những vị trí như đầu gối, khuỷu tay, mắt cá… giữ vai trò khá quan trọng bởi không may té ngã hay chấn thương thể thao thì đây luôn là những vị trí bị ảnh hưởng nhiều nhất, bị “bươu đầu sứt trán” nặng nhất. Nhiều môn võ chuộng đòn sát thủ bằng đầu gối, cùi chỏ, gót chân khiến chúng cũng thường bị chấn thương. Thời nhỏ, hầu như teen nào cũng đôi ba lần nếm mùi thương đau với cái đầu gối, cùi chỏ…

Bệnh không kém ai

Tưởng đầu thừa đuôi thẹo nhưng những chỗ góc cạnh cũng đầy bệnh như ai, có khi là bệnh trọng. Với teen hay gặp là thấp khớp cấp, viêm (xương, gân, bao hoạt dịch, dây chằng), gai xương… Hiếm nhưng đầu gối đôi khi là nơi phát tích bệnh nặng như ung thư xương.

Cơn đau tuổi dậy thì

Ở tuổi teen dễ mắc chứng đau xương khớp tuổi dậy thì. Nạn nhân luôn cảm thấy đau nhức, ê ẩm gần như toàn bộ “phần cứng”, nhất là đầu gối, gót chân. Không bệnh tật gì, chỉ là hậu quả khi giàn xương khớp hòa khí thế chung của cơ thể khi bước vào cuộc biến động lớn tuổi dậy thì. Đa phần không nghiêm trọng, chỉ cần dinh dưỡng tốt, kiềm chế vận động mạnh, dùng thuốc giảm đau nhẹ, đợi một thời gian cơn đau sẽ qua.

Tạm biệt chai sần

Có nhiều cách đối phó với chai sần, bệnh quen của “team” đầu gối, cùi chỏ, gót chân. Chai sần cứng đầu thì phải trực tiếp “đánh nhám” mới xong:

– Ngâm vết chai vào nước ấm làm mềm trước (thêm muối, xà bông tắm, giấm nếu cần), kế tiếp dùng đá mài chà lên vết chai, thay phiên nhúng nước ấm nhiều lần đến khi vừa lòng. Lưu ý chà nhẹ tay thôi nhé!

– Đừng đợi đến khi những vết sần chai như da cóc mới xử lí thì đã muộn, tốt nhất nên thường xuyên giữ ẩm, bôi kem làm ẩm. Thỉnh thoảng chen ít chiêu chữa mẹo bằng baking soda (hòa 3 muỗng vào chậu nước ấm ngâm 30 phút), giấm (nhúng bông gòn vào giấm và đắp vào chỗ bị chai để qua đêm), vỏ khóm (đắp lên chỗ chai để qua đêm)…

Chọn giày là một nghệ thuật

Dùng sai giày dép là một cách “giao trứng cho ác” phổ biến, đẩy nhanh tốc độ sần chai bàn chân nói chung, mắt cá, gót chân nói riêng. Lỗi số một là chọn giày sai cỡ. Khi chọn giày dép, nhiều teen lấy tôn chỉ thời trang làm đầu, ép bàn chân của mình chui vào những đôi giày chật như nêm. Dùng miếng lót là giải pháp tình thế giảm bớt ma sát sinh chai cho những đôi giày chật. Các bạn gái có riêng vấn nạn của phe ta là lạm dụng giày cao gót. Những teen do thói quen hay công việc buộc phải xài cùi chỏ, đầu gối nhiều thì nên cải thiện một chút bằng một miếng đệm, lót…

Thuốc tây có vài đề cử giúp teen đối phó với nạn đầu gối, khuỷu tay, gót chân thâm đen, chai sần, hầu hết đều chứa axit salicylic, mát tay nhưng nhiều tác dụng phụ. Hay nhất là “cây nhà lá vườn” trước, nếu không hiệu quả thì mới xài thuốc tây, nhưng nên có “chỉ thị” của bác sĩ.

Bác sĩ ĐỖ MINH TUẤN – Minh họa: ANH KHUÊ

Theo Muctim.com.vn

BÌNH LUẬN