95% sản lượng hồ tiêu của Việt Nam dùng để xuất khẩu (XK). Vì vậy, chất lượng là yếu tố cần phải được đảm bảo.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), ước tính, XK hồ tiêu tháng 1/2019 đạt 15 nghìn tấn, trị giá 46 triệu USD, tăng 19,5% về lượng và tăng 13,5% về trị giá so với tháng 12/2018, nhưng giảm 12,8% về lượng và giảm 33,3% về trị giá so với tháng 1/2018. Tháng 1/2019, giá XK bình quân hồ tiêu đạt mức 3.067 USD/tấn, giảm 5% so với tháng 12/2018 và giảm 23,5% so với tháng 1/2018.

xuat khau ho tieu chat luong tren het
Đảm bảo chất lượng ngay từ khâu sản xuất ban đầu

Năm 2018, XK hồ tiêu tăng 8,3% về khối lượng nhưng giảm 32,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Giá hồ tiêu XK bình quân năm 2018 đạt 3.260 USD/tấn, giảm 38% so với cùng kỳ năm 2017. XK tiêu của Việt Nam năm 2018 ghi nhận sự tăng trưởng về lượng ở hầu hết các thị trường nhưng lại giảm mạnh về giá trị do giá XK giảm đáng kể so với các năm trước đó, theo xu hướng giảm giá chung của thị trường tiêu thế giới.

Ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NN&PTNT)) – cho biết, giá hồ tiêu đã bắt đầu vào quỹ đạo giảm từ nửa cuối năm 2016, sau khoảng 1 thập kỷ tăng giá liên tục (2006 – 2015). Nguyên nhân chủ yếu do sự mở rộng đáng kể diện tích trồng tiêu ở hầu hết các nước sản xuất, đặc biệt tại Việt Nam, Brazil và Campuchia, khiến cung tăng cao so với cầu.

Mục tiêu đến năm 2020, tầm nhìn 2030, diện tích trồng hồ tiêu của cả nước chỉ ở mức 50 nghìn ha, diện tích cho sản phẩm 47.000 ha. Tuy nhiên, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho hay, từ năm 2010 đến nay, diện tích hồ tiêu trong nước tăng rất nhanh. Năm 2010, cả nước chỉ trồng 51,5 nghìn ha; năm 2014 (85,591 nghìn ha); đến hết năm 2017 (152,668 nghìn ha), tăng 196,3% so với năm 2010 và vượt quy hoạch trên 100 nghìn ha.

Dự báo mới nhất của Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế, 4 nước sản xuất hồ tiêu lớn nhất thế giới, bao gồm Việt Nam, Brazil, Indonesia và Ấn Độ đều dự báo giảm sản xuất so với năm 2018. Trong đó, sản lượng tiêu của Việt Nam năm 2019 được kỳ vọng sẽ đạt 175 nghìn tấn tiêu đen và 25 nghìn tấn tiêu trắng; tổng sản lượng tiêu đạt khoảng 200 nghìn tấn, giảm nhẹ so với năm 2018. Điều này có thể kéo giá hồ tiêu phục hồi nhẹ trong năm 2019.

Để XK hồ tiêu bền vững, Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo, vấn đề chất lượng phải được đặt lên hàng đầu. DN hồ tiêu Việt Nam cần liên kết, kết nối với đối tác, khách hàng quốc tế, hiệp hội gia vị thế giới để mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Toản cho hay, cần hướng tới tập trung nâng cao chất lượng, giảm tối đa mức sử dụng thuốc trừ sâu hóa học tổng hợp, ràng buộc hộ nông dân tham gia vào chuỗi sản xuất phải tuân thủ kỹ thuật chăm sóc; xây dựng mô hình trồng hồ tiêu sạch, thúc đẩy phát triển tiêu hữu cơ để XK sang các thị trường khó tính ở châu Âu và các nước trên thế giới. Ngoài ra, DN XK cần phải chủ động khai thác tốt lợi thế là quốc gia đang nắm trong tay nguồn cung lớn, và cần có bài toán kinh doanh tốt để có thể nâng giá tiêu XK.

Sau 4 năm liên tục đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, năm 2018, XK hồ tiêu chỉ đạt 759 triệu USD.

Hạnh Nguyễn

Theo Congthuong.vn

BÌNH LUẬN