Tuổi 45-55 được gọi là tuổi trung niên. Đây là giai đoạn hồi xuân, là lúc thanh xuân quay trở lại để tận hưởng cuộc sống mới. Nhưng oái ăm thay, đây cũng chính là “thời kỳ đầm lầy”, ẩn chứa nhiều nguy hiểm với nhiều loại bệnh lý trong vòng đời mỗi người.
Tuổi 45-55 được gọi là tuổi trung niên. Đây là giai đoạn hồi xuân, là lúc thanh xuân quay trở lại để tận hưởng cuộc sống mới. Nhưng oái ăm thay, đây cũng chính là “thời kỳ đầm lầy”, ẩn chứa nhiều nguy hiểm với nhiều loại bệnh lý trong vòng đời mỗi người.
Các giai đoạn của một đời người
Không có định nghĩa tuyệt đối, nhưng dựa trên một vài nghiên cứu sinh mệnh, đời người thường được chia thành 5 giai đoạn một cách tương đối:
- Giai đoạn 1 (0-35 tuổi): khỏe mạnh nhất.
- Giai đoạn 2 (35-45 tuổi): tích lũy bệnh tật.
- Giai đoạn 3 (45-55 tuổi): bệnh tật hình thành, nguy hiểm nhất.
- Giai đoạn 4 (55-65 tuổi): quá độ an toàn nếu vượt qua giai đoạn 3.
- Giai đoạn 5 (sau 65 tuổi): tương đối an toàn nếu vượt qua giai đoạn 4.
Tại sao sức khỏe thường giảm sút khi qua tuổi trung niên?
Thực tế cho thấy, giai đoạn ẩn chứa nhiều nguy hiểm với nhiều loại bệnh lý trong vòng đời mỗi người thường rơi vào khoảng 45-55 tuổi, độ tuổi được gọi là tuổi trung niên. Đây là “thời kỳ đầm lầy”, ở đó, ranh giới giữa việc vượt qua hay lún sâu vào vũng lầy nhiều khi rất mong manh. Thoạt nghe có vẻ mâu thuẫn bởi tuổi đầu bốn, đầu năm thường chính là tuổi hồi xuân, là lúc thanh xuân quay trở lại để trải nghiệm một cuộc sống mới nhưng kỳ thật, lại chính là giai đoạn nguy hiểm nhất trong vòng đời. Tại sao vậy?
Hai lý do giải thích. Thứ nhất, người tuổi trung niên bắt đầu bước vào thời kỳ lão hóa theo diễn tiến sinh lý tự nhiên, các chức năng miễn dịch, nội tiết… suy giảm hàng loạt, sức khỏe bắt đầu xuống dốc và bệnh tật dễ xảy ra hơn. Thứ hai, đủ thứ gánh nặng sẽ đè trên vai bạn. Công việc phải ổn định để sự nghiệp không lụi tàn, áp lực phải học hành nâng cấp trình độ để không bị vượt mặt bởi lớp trẻ trong khi khả năng hấp thụ kiến thức đã bắt đầu chậm lại, cộng với nỗi lo chu toàn cơm áo gạo tiền cho cả một gia đình, tất cả tạo cho bạn một áp lực cực lớn cả về tinh thần lẫn thể xác. Không có cách nào khác, bạn thường sẽ phải vùi đầu vào công việc, thức khuya dậy sớm, làm tăng ca để tranh thủ triệt để thời gian, phải tăng cường “ngoại giao”, thiết lập các mối quan hệ bằng những cuộc vui với bia rượu, thuốc lá với mục đích giúp thuận lợi cho sự nghiệp, cho công việc, hệ quả chung là tăng phơi nhiễm với các nguy cơ bệnh tật.
Những bệnh lý thường mắc phải ở tuổi trung niên
Nhiều loại bệnh tưởng chừng rất bình thường và ít gặp ở tuổi trẻ có thể xuất hiện thường xuyên hơn với mức độ nghiêm trọng hơn, khi bạn ở tuổi trung niên, tiêu biểu như sau:
Rối loạn tâm thần
Áp lực thường nhật ở cường độ cao khiến bạn tăng nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần ở nhiều cấp độ như mất ngủ, rối loạn lo âu, suy nhược, trầm cảm…
Loãng xương
Giảm tổng hợp can-xi và vitamin D do giảm sản xuất nội tiết tố sinh dục estrogen khiến xu hướng loãng xương tăng. Vì vậy, tuy vẫn phải chịu khó vận động, tập thể dục, chơi thể thao, nhưng bạn cần cẩn thận, tránh hoạt động quá mạnh, ngừa nguy cơ gãy xương.
Nhiễm trùng
Giảm sức đề kháng do suy giảm hoạt động của cơ quan miễn dịch khiến bạn tăng nguy cơ mắc bệnh lý nhiễm trùng, đáng chú ý là vi trùng lao.
Tăng huyết áp, đái tháo đường
Uống nhiều bia rượu, ăn quá nhiều, béo phì, không tập thể dục là những yếu tố nguy cơ khiến bạn dễ mắc phải hai “căn bệnh thế kỷ” là tăng huyết áp và đái tháo đường.
Ung thư
Tiếp xúc nhiều với các yếu tố độc hại trong khi khả năng tự sửa chữa của tế bào đã giảm sút khiến ung thư luôn rình rập tấn công bạn, đặc biệt là ung thư dạ dày, gan, phổi.
Cần làm gì để duy trì sức khỏe tuổi trung niên?
Vượt đầm lầy, tận hưởng cuộc sống với một tinh thần và thể trạng khỏe mạnh là đích ngắm cần vươn tới. Một số vấn đề bạn cần trang bị:
Thái độ sống lạc quan, tích cực
Một thái độ sống lạc quan, tích cực là vô cùng quan trọng, là chiếc chìa khóa giúp bạn cảm thấy trẻ hơn, khỏe hơn và dễ dàng vượt qua mọi áp lực, miễn nhiễm với bệnh tật.
Dinh dưỡng hợp lý
Nên lựa chọn một chế độ ăn uống thanh đạm mà vẫn đảm bảo nhu cầu năng lượng với nhiều loại thực vật, thay vì quá nhiều thức ăn động vật vốn là yếu tố nguy cơ của bệnh tật và bạn nên bỏ rượu, bỏ thuốc lá.
Phát triển thói quen tốt
Nên duy trì thói quen đi ngủ sớm, thức dậy đúng giờ để cơ thể được nghỉ ngơi đầy đủ. Bạn cũng nên định kỳ khám sức khỏe tổng quát để phát hiện sớm bệnh tật.
Tích cực hoạt động thể dục thể thao
Thể dục thể thao giúp thúc đẩy sự trao đổi chất của cơ thể, giúp hệ tuần hoàn lưu thông tốt hơn, từ đó giúp loại bỏ độc tố khỏi cơ thể, tăng cường sức đề kháng và khả năng miễn dịch, phòng tránh bệnh tật.
BS Tạ Vương Khoa
Khoa Nội thần kinh – Bệnh viện 175
Theo Tạp chí Sức Khỏe – khoe24h.vn