Việc chia tài sản của Jeff Bezos còn tùy thuộc vào luật hôn nhân và giá trị của Amazon.

Hôm qua, Jeff Bezos thông báo trên Twitter rằng ông và vợ – MacKenzie đã quyết định ly dị sau 25 năm chung sống. Ông cho biết đây là một cuộc chia tay hòa bình và cả hai sẽ vẫn là bạn.

Tuy nhiên, khi người giàu nhất thế giới sở hữu khối tài sản lên tới 137 tỷ USD hiện tại, đây có thể là vụ ly dị đắt giá nhất thế giới. Tại bang Washington mà nhà Bezos đang sống, tài sản có được sau kết hôn có thể được chia đều khi ly dị. Vì Amazon được thành lập một năm sau khi Jeff lấy MacKenzie, bà hoàn toàn có quyền lấy một nửa tài sản liên quan đến Amazon từ chồng. Theo vốn hóa của công ty hôm qua, con số này tương đương 66 tỷ USD.

Hai vợ chồng tỷ phú Jeff và MacKenzie Bezos trong một sự kiện. Ảnh: AFP

Hai vợ chồng tỷ phú Jeff và MacKenzie Bezos trong một sự kiện. Ảnh: AFP

Và để có số tiền này, Bezos sẽ phải bán hoặc cầm cố cổ phiếu. Hành động này có thể làm giảm sở hữu và quyền lực của ông tại công ty. Bezos hiện nắm trong tay chưa đến 80 triệu cổ phiếu Amazon, tương đương gần 16% cổ phần, theo báo cáo mới nhất.

Tuy nhiên, các luật sư chuyên giải quyết ly hôn cho rằng MacKenzie có thể sẽ muốn tài sản chung tiếp tục tăng. Mà việc này lại phụ thuộc phần lớn với mức độ kiểm soát công ty của Jeff Bezos. Vì thế, bà không thể tìm đến một thỏa thuận buộc Jeff phải bán cổ phiếu, hoặc bất kỳ động thái nào làm giảm cổ phần của ông tại công ty.

“Vấn đề sẽ là làm thế nào định giá được tài sản trong trường hợp quyền kiểm soát giảm đi”, Jeffrey Fisher – luật sư tại Florida cho biết, “Luật sư có thể nói rằng cổ phần của Amazon sẽ không có giá trị đến thế nữa nếu không có quyền kiểm soát của Bezos. Lý luận này sẽ ảnh hưởng đến tất cả kịch bản bồi thường”.

Cuộc ly dị đắt đỏ nhất nước Mỹ hiện tại là của tỷ phú sòng bài – Steve Wynn và vợ Elaine, với khoảng một tỷ USD. Tài phiệt dầu mỏ – Harold Hamm cũng nổi tiếng vì từng mất gần 975 triệu USD cho vụ ly dị năm 2015.

Hà Thu (theo CNBC)

Theo VnExpress

BÌNH LUẬN