Câu chuyện ăn Tết ở nhà nội hay ngoại luôn là đề tài tranh luận chưa có hồi kết. Các chị em mỗi người có một quan điểm khác nhau và cũng chưa có Tết năm nào, việc ăn Tết ở nhà nội hay ngoại được “đồng thuận”.
Xưa ông bà ta có câu: “Xuất giá tòng phu” nói về việc phụ nữ đã lấy chồng thì phải theo chồng. Đó là quan niệm xưa còn với thời buổi ngày nay, quan niệm đó đã có phần cởi mở hơn. Tuy nhiên, quan niệm gì đã gắn sâu trong đời sống nhân dân thì vẫn mang nhiều ảnh hưởng. Thực tế, có không ít nàng dâu phải chịu cảnh nhiều năm không được về nhà ăn Tết vì phải ở nhà chồng.
Nếu ngày xưa, việc đó là bình thường thì với xã hội văn minh, công bằng như ngày nay, năm nào cũng ăn Tết nhà chồng khiến các nàng dâu không mấy vui vẻ. Có nhiều lý do cả khách quan lẫn chủ quan dẫn đến câu chuyện buồn lòng này. Đó có thể là vì con nhỏ, vì đường sá xa xôi hay đơn giản chỉ là vì mẹ chồng không muốn cho về.
Nghịch lý: Mẹ chồng muốn con gái về ăn Tết nhưng lại không cho con dâu về với bố mẹ đẻ
Một nàng dâu trẻ chia sẻ trên hội nhóm mạng xã hội về vấn đề tưởng rằng “xưa như Trái đất” về việc ăn Tết nhà nội hay Tết nhà ngoại: “Mẹ chồng thì luôn muốn con gái của mẹ về ăn Tết còn con dâu thì lại không cho về nhà bố mẹ đẻ ăn Tết. Muốn con dâu ở lại hầu cho bà cô bên chồng à?”.
Câu chuyện của nàng dâu này cho thấy phần nào nỗi mong muốn của các ông bố bà mẹ có con đi làm dâu đều mong con mình Tết được về nhà đẻ ăn Tết như thời con gái. Ấy thế nhưng, với nàng dâu của mình thì lại khắt khe mà không thông cảm, hiểu cho nỗi lòng của con dâu, của thông gia.
“Xã hội bây giờ công bằng, dân chủ, cốt là ở bản thân mình. Làm sao cho đúng là được. Ông bà đối xử tốt với mình thì mình cũng thế. Tết thì mình cứ về bố mẹ mình mà chúc Tết. Con nào chẳng là con, cấm đoán làm sao được. Không hỗn hào láo xược với bố mẹ chồng thì việc gì đúng và nên làm mình cứ làm thôi. Cứ sợ cái này, sợ cái nọ chỉ khổ bản thân mình”, chị Nguyễn Minh bày tỏ quan điểm.
Chị Pha Nguyễn nói: “Ngày xưa lấy chồng là ăn ở nhà chồng, cày ruộng trồng lúa trên đất nhà chồng, phụ thuộc nhà chồng hoàn toàn. Lúc cưới hỏi nhà gái cũng thách cưới vòng vàng trâu bò… nên con gái mới gọi là “gả con, bán con”. Giờ hai vợ chồng yêu nhau rồi cưới nhau, dù về chung một nhà nhưng cần có sự công bằng cho cả hai bên nội ngoại thì gia đình mới thực sự êm ấm”.
Tết ở đâu cũng là Tết, miễn đầm ấm, vui vẻ là được
Chị Ngô Mai Hoa cho rằng: “Một năm chỉ có vài ngày là Tết thôi nên các chị em cũng không cần phải quá căng thẳng về chuyện ăn Tết ở đâu, làm gì. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, phong tục của nước mình từ trước đến nay đều vậy rồi cho nên việc ăn Tết dù là bên nội hay bên ngoại đến giờ này cũng không phải quá quan trọng.
Bên nào thì cũng là gia đình của mình cả và niềm vui thì cũng ngập tràn giống nhau. Chỉ cần các chị em cứ sống hết mình, cứ vun vén cho tổ ấm lớn, tổ ấm nhỏ luôn đủ đầy thì hạnh phúc sẽ tự tìm đến”.
Theo nhiều chị em chia sẻ, thời bây giờ, bố mẹ chồng không như ngày xưa, hầu như ai cũng tâm lý và rất chiều con dâu cho nên có nhiều cô con dâu sẵn sàng về quê chồng ăn Tết, và thậm chí còn thấy vui vì bên đó đông người, quý con quý cháu. Bởi họ hiểu rằng cả năm có mấy ngày Tết, Tết bên nào thì cũng vậy, xong nhà nội thì sang đến nhà ngoại cũng chẳng sao, miễn là có một cái Tết thật vui và đầm ấm.
Chị Nguyễn Thị Hường chia sẻ: “Tết nên ở nhà nội vì theo mình xuất giá tòng phu mà, mặc dù ai cũng thích về nhà mẹ đẻ. Nhà mình Tết sẽ ở nhà nội từ ngày 28 đến mùng 2 rồi mùng 3,4 mình về nhà ngoại. Hoặc nếu có thể thì mình về nhà ngoại trước vài hôm rồi về nội, nhưng giao thừa thì chắc chắn phải ở bên nhà nội”.
“Thấy các chị em bức xúc về chuyện không được về nhà mẹ đẻ ăn Tết. Với mình, mình chưa từng đau đầu về vấn đề ăn Tết nhà nội hay nhà ngoại. Bởi lấy chồng, mình xác định nhà chồng cũng như nhà mình. Cứ phân bổ thời gian hai bên cho hợp lý là được. Sao cứ phải coi trọng ăn bên nào”, chị Thu Hòa chia sẻ.
Còn chị Lan Anh bày tỏ: “Tôi cho rằng đã về ăn Tết thì bên nào cũng như nhau, nếu một năm không thể cùng về cả hai nơi thì năm nay về nhà ngoại, năm kia về nhà nội, cứ thế mà luân phiên.
Nếu có ưu tiên thì nên xét vào hoàn cảnh từng nhà. Rõ ràng, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, không thể cứng nhắc đến nỗi lúc nào cũng phải hoàn toàn công bằng. Trong trường hợp của bạn, bố mẹ bạn già yếu trong khi bố mẹ vợ còn khỏe, vẫn có thể vào thăm con cháu, việc bạn ưu tiên ăn Tết nhà nội là điều dễ hiểu”.
Cả năm mới có mấy ngày Tết, đừng vì ăn Tết nhà nội hay ăn Tết nhà ngoại mà khiến cho không khí gia đình bức bối. Ăn ở đâu không quan trọng, ăn Tết trong không khí như thế nào mới là quan trọng.
Phong Linh
Theo nguoiduatin