Quả sấu trị đau họng, nôn nghén, giải rượu và thanh nhiệt nhưng không tốt với người tiểu đường, đau dạ dày và trẻ dưới một tuổi.

Sấu là loại quả phổ biến, rẻ tiền, dễ tìm,  nhiều chất dinh dưỡng như protein, đạm, photpho, vitamin… Khi còn xanh. sấu được dùng để chế biến món ăn, ngâm nước uống, lúc chín làm ô mai, sấu dầm.

Trong Đông y, sấu là loại quả tính mát, giải khát, giảm ho, tiêu đờm nên được dùng để chữa bệnh nhiệt miệng, đau họng, nôn nghén, say rượu, nổi mẩn, sưng, lở ngứa…

Sấu là loại quả mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng cho sức khỏe. Ảnh: Flickr

Sấu là loại quả mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng cho sức khỏe. Ảnh: Flickr

Theo bác sĩ Nguyễn Thùy Linh, Đại học Y Hà Nội, dinh dưỡng từ quả sấu mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe bạn không nên bỏ qua.

Trị đau họng

Sấu chín vào tháng 8-9 cũng là mùa thời tiết thay đổi thất thường. Trái sấu chín có vị ngọt thanh, chua nhẹ nên được dùng làm nước uống trị ho, đau họng, khô họng hiệu quả. Bạn có thể dầm sấu với muối, đường để ngậm hoặc sắc cùi sấu khô với nước uống sau bữa sáng để hạn chế cơn đau, trị ho hiệu quả.

Hạn chế nôn, nghén

Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu thường xuyên bị nôn nghén khó chịu nên nấu sấu với canh để bữa ăn ngon miệng hơn. Ngoài ra, bà bầu có thể ăn sấu ngâm đường, ô mai nhưng không nên ăn quá nhiều, tránh nguy cơ tiểu đường thai kỳ.

Giải nhiệt

Nước sấu ngâm đường kết hợp với gừng có vị chua, ngọt dễ chịu có tác dụng thanh nhiệt, giải độc. Bạn có thể giữ đông lạnh quả sấu xanh để dùng quanh năm. Những món ăn phổ biến nấu sấu như canh sườn chua, canh thịt bò, canh cá, vịt om sấu… không bị ngán và ngon miệng với nhiều dưỡng chất.

Sấu chín dầm muối ớt, gừng… ăn ngay còn là món ăn vặt kích thích hệ tiêu hóa giúp ăn ngon miệng hơn.

Chữa say rượu

Khi say rượu, bạn chỉ cần uống một ly nước sấu ngâm đường, gừng hoặc dùng cùi sấu khô sắc lấy nước uống để tỉnh táo hơn.

Tuy nhiên, sấu có vị chua, chát nên không phải ai uống cũng có tác dụng tốt cho sức khỏe.

– Trẻ nhỏ dưới một tuổi tuyệt đối không được sử dụng vì trong quả sấu có nhiều axit gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa.

– Những người bị viêm loét dạ dày, tá tràng.

– Không nên uống nước sấu vào buổi sáng khiến bụng bị cồn cào và dạ dày bị kích ứng.

– Người béo phì, thừa cân không nên uống quá nhiều dẫn đến tiểu đường.

Cách lựa chọn và bảo quản sấu 

– Nên mua sấu đúng vụ để chọn được quả ngon, không bị thâm, dập.

– Người tiểu đường, béo phì hay mắc bệnh dạ dày nên chọn quả già vì chúng có độ chua vừa phải.

– Nên dự trữ sấu trong tủ lạnh để dùng được lâu dài. Cạo vỏ, rửa sạch, bỏ vào túi nilon.

– Không ngâm sấu trong bình nhựa. Nên ngâm trong bình thủy tinh để đảm bảo an toàn.

Thùy An

Theo VNExpress

BÌNH LUẬN