Startup được đánh giá có ý tưởng đột phá, tiềm năng phát triển cao và hỗ trợ đắc lực cho sự ngành thương mại điện tử nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Sau hai tháng tổ chức, chương trình Startup Việt 2018 do Báo VnExpress tổ chức đã bước vào giai đoạn cuối cùng là sự kiện Gala chung kết diễn ra vào lúc 14h ngày 15/11 tại TP HCM, thu hút cộng đồng 500 startup cùng các hội đồng chuyên môn, nhà đầu tư, chuyên gia cố vấn… tham gia.
Trước đó, cuộc thi đã trải qua hai tháng để chọn ra Top 25 từ hơn 400 hồ sơ startup đăng ký dự thi. Cùng với đó, chương trình tổ chức nhiều hoạt động nhằm bồi dưỡng, ươm mầm cho sự trưởng thành của các startup thuộc top 25.
Điểm nhấn của Startup Việt 2018 là chuỗi hoạt động đào tạo “Khởi nghiệp tinh gọn” với sự đồng hành của 5 vườn ươm khởi nghiệp thuộc nhóm năng động và uy tín nhất Việt Nam. Trong suốt một tháng, các đội liên tục tham gia hoạt động tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng, chia sẻ kinh nghiệm… từ các chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm dẫn dắt startup.
Đến ngày 7/11, Top 15 startup đã bước vào phần thuyết trình trực tuyến trước hội đồng giám khảo. Đây là vòng thi cam go, quyết định các đội thi sẽ đi tiếp vào vòng chung kết hay dừng lại.
Kết quả buổi Gala chung kết, Datamart giành cú đúp giải thưởng chương trình bình chọn Startup Việt 2018 gồm giải quán quân cùng gói đầu tư 5 tỷ đồng từ Tập đoàn Asanzo.
Datamart đứng đầu Startup Việt 2018. |
Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch FPT, đại diện Ban giám khảo Startup Việt 2018 đánh giá mô hình kinh doanh trực tuyến của Datamart là “tuyệt vời” khi tạo nên sự khác biệt rõ rệt, không cần bỏ nhiều tiền vào quảng bá nhưng vẫn đảm bảo doanh thu, hoàn vốn và tăng trưởng nhanh.
“Đây là ước mơ của nhiều startup”, ông Trương Gia Bình nhấn mạnh.
Việc ứng dụng công nghệ hiện đại giúp tự động hóa quá trình giao dịch của nền tảng PowerSell do Datamart phát triển, đem đến nhiều tiện ích thiết thực cho người dùng nhận đánh giá cao từ Ban giám khảo. Để đem đến cho khách hàng mức giá “tốt nhất”, startup xây dựng thuật toán cân bằng hai yếu tố cốt lõi gồm mức độ cạnh tranh và biên lợi nhuận cho doanh nghiệp. Sau một năm, PowerSell hỗ trợ 4.000 nhà bán hàng bán 35.000 đơn mỗi ngày, sẽ mở rộng ra toàn Đông Nam Á trong tháng 11/2018.
Bùi Hải Nam đại diện Datamart trình bày về mô hình kinh doanh. |
Chiến lược “sản phẩm toàn cầu – đối tác toàn cầu”, chọn đối tác trong và ngoài nước cùng phát triển, tận dụng mọi nguồn lực của Datamart được nhìn nhận là “biết người biết ta”. Điều này giúp đội vừa kết thúc phần thuyết trình và phản biện trước ban giám khảo đã lập tức nhận ngay 3 đề nghị đầu tư, đứng đầu về thu hút các nhà đầu tư trong Top 5 Startup 2018.
Bên cạnh đó, ý tưởng kinh doanh của các đội khác trong Top 5 Startup 2018 cũng nhận nhiều đánh giá tích cực từ Ban giám khảo. Như Chatbot Việt Nam xây dựng trợ lý ảo bán hàng đạt mức tăng trưởng người dùng ấn tượng lên đến hơn 9.000%.
Bot bán hàng đạt tăng trưởng ấn tượng về người dùng. |
Cuối năm 2017, sản phẩm nhận được gói hỗ trợ sử dụng dịch vụ trị giá 30.000 USD từ Facebook và Amazon trong khuôn khổ dự án FbStart – chương trình toàn cầu được thiết kế nhằm giúp những người mới khởi nghiệp xây dựng và phát triển doanh nghiệp. Trong tương lai, nhóm có dự định gọi vốn vòng hạt giống khoảng 1,5 đến 2 triệu USD để mở rộng ra các thị trường Thái Lan, Philippines. Trung bình mỗi ngày sản phẩm chatbot xử lý khoảng 500 khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
Hay ông Phạm Xuân Đà – Cục trưởng Cục công tác phía Nam – Bộ Khoa học Công nghệ nhìn nhận đội Bất động sản sạch rất “dũng cảm” khi khai thác khía cạnh địa ốc có liên quan đến vấn đề pháp lý, ứng dụng công nghệ 4.0 nhằm đem đến nhiều tiện lợi và an toàn cho người mua nhà. Startup này đặt mục tiêu ngắn hạn là bảo vệ người mua bất động sản, dài hạn là tăng tính minh bạch cho thị trường bất động sản.
Phạm Xuân Huy – Giám đốc dự án Bất động sản sạch giới thiệu về startup của mình. |
“Chúng tôi cho rằng việc bảo vệ người mua bất động sản có thể là nguồn thu cho dự án. Chúng tôi đưa ra dịch vụ gồm ba yếu tố không thể tách rời: ứng dụng bất động sản sạch dựa trên công nghệ 4.0 và blockchain, giúp người mua tìm và tra cứu thông tin pháp lý liên quan đến bất động sản, giúp giảm rủi ro khi mua nhà, cuối cùng là đưa ra tư vấn pháp lý online dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo”, đại diện Bất động sản sạch chia sẻ.
Còn nền tảng hỗ trợ quản lý thuê phòng trực tuyến Ami chỉ sau 6 tháng từ khi bắt đầu thử nghiệm, ứng dụng đã có tập hơn 2.000 phòng, trải rộng ở 15 quận, huyện của TP HCM. Doanh thu riêng mảng cung cấp ứng dụng và dịch vụ quản lý đạt trung bình 6.000 USD, tương đương hơn 140 triệu đồng mỗi tháng. Đó là chưa kể doanh thu từ dịch vụ sửa chữa, khi bình quân mỗi tháng ứng dụng ghi nhận khoảng 400 sự cố được báo về.
Lê Hoàng Nhật – đồng sáng lập Ami thuyết trình về dự án. |
Ami hiện hỗ trợ cho 4.200 cư dân và ban quản lý ở ba tòa nhà tại TP HCM. Tại các trường đại học, họ đang phát triển để kết nối trực tiếp với nhà trường bằng dữ liệu số và sinh viên có thêm nhiều giá trị tiện ích thông qua việc xây dựng dữ liệu của mình ngày một tốt hơn.
Ban giám khảo đánh giá nền tảng này nếu phát triển thành công sẽ góp phần kiến tạo nền tảng cho việc xây dựng một thành phố thông minh.
Với Ella – startup hỗ trợ giới trẻ Việt du học, Ban giám khảo ghi nhận thành quả sau 18 tháng triển khai, công ty thu hút hơn 13.000 du học sinh.
Nguyễn Trọng Duy – đồng sáng lập Ella thuyết trình. |
Công ty xây dựng nền tảng kết nối, giúp học viên có thể tư vấn trực tuyến và đồng hành cùng với du học sinh trong suốt hành trình của mình. Các dịch vụ mà dự án cung cấp gồm tư vấn video call 1-1, tức là kết nối trực tuyến sinh viên với du học sinh, giải đáp các thắc mắc về định hướng du học, chuẩn bị tài chính, săn học bổng cũng như chọn trường theo ngành nghề và sở thích. Ngoài ra, ứng dụng còn tự động giới thiệu các khoá học, thông tin học bổng phù hợp với hồ sơ năng lực và sở thích cá nhân của sinh viên, thông qua hệ thống từ khoá và quan sát hành vi sử dụng.
Theo VNExpress