Trong trí nhớ của ông Trần Trọng Duyệt, John McCain là một tù nhân rất thẳng thắn và thường xuyên tranh luận gay gắt về chiến tranh Việt Nam.

Ông Trần Trọng Duyệt trong căn phòng có ảnh chụp các cựu tù binh Mỹ ở nhà riêng tại Hải Phòng hồi tháng 1. Ảnh: AFP

Ông Trần Trọng Duyệt trong căn phòng có ảnh chụp các cựu tù binh Mỹ ở nhà riêng tại Hải Phòng hồi tháng 1. Ảnh: AFP

“Sự lì lợm, lập trường mạnh mẽ là điều khiến tôi thích tranh luận với ông ấy”, đại tá đã nghỉ hưu Trần Trọng Duyệt, chia sẻ với AFP hôm qua. Ông Duyệt là trại trưởng trại tù Hỏa Lò ở Hà Nội từ năm 1968 đến 1973, nơi được các tù binh Mỹ mệnh danh là “khách sạn Hilton Hỏa Lò”.

Thượng nghị sĩ McCain bị giam tại đây trong 5 năm rưỡi, từ tháng 10/1967, sau khi máy bay do ông điều khiển tham gia chiến dịch ném bom miền Bắc bị bắn rơi và phải nhảy dù xuống hồ Trúc Bạch. Với một chân và hai cánh tay bị gãy, ông được chuyển vào nhà ngục đông đúc, nơi khoảng 500 tù binh chiến tranh đang bị giam giữ.

Trong hồi ký của mình, McCain từng mô tả rằng những năm đầu trong tù của ông trôi qua rất ảm đạm. Các cai ngục biết cha ông là một đô đốc hải quân nên đặt cho ông biệt danh là “hoàng thái tử”.

Ông bị giam ở buồng cách ly vì mắc bệnh lỵ. Suất ăn suốt nhiều tháng của ông là bánh mỳ và súp bí đỏ. Ông liên lạc với các tù nhân khác bằng cách gõ các mật hiệu lên những bức tường bêtông dày.

Ông Trần Trọng Duyệt cầm TNAM-US-MCCAIN-WARThis photo taken on January 3, 2018 shows Tran Trong Duyet, the former director at the Hoa Lo prison in Hanoi, showing a photo at his home in Haiphong of US Senator John McCain (bottom R), who was held at the jail dubbed the Hanoi Hilton for five and a half years after his jet was shot down over a Hanoi Lake in 1967

Ông Trần Trọng Duyệt cầm một cuốn sách có chân dung ông John McCain (góc dưới cùng bên phải) tại nhà riêng ở Hải Phòng hồi tháng 1. Ảnh: AFP

McCain cũng kể rằng mình bị thẩm vấn và bị các cai tù đánh, tuy nhiên, ông Duyệt phủ nhận có sự ngược đãi và cho hay mình đã xử phạt bất kỳ cai tù nào hành xử không thích hợp.

“Không hề có tra tấn, người Việt Nam đã cứu ông ấy”, ông Duyệt nói trong cuộc phỏng vấn tại nhà riêng ở thành phố Hải Phòng hồi đầu năm và đưa ra những bức ảnh về các cựu tù binh Mỹ lẫn những bức ảnh ông chụp chung với các quan chức Mỹ gần đây.

Khi McCain sắp được thả, ông Duyệt cho hay mối quan hệ giữa hai người bắt đầu ấm lên. “Ngoài giờ làm việc, chúng tôi xem nhau như bạn”, ông nói. “Ông ấy dạy tôi tiếng Anh. Ông ấy có kỹ năng sư phạm rất tốt”.

Nguyên trại trưởng Hòa Lò nhớ lại cách họ trò chuyện, nói đùa với nhau, chia sẻ về gia đình, những chuyến đi và thậm chí cả về phụ nữ. “Chúng tôi cùng nhau cười và đồng ý rằng phụ nữ ở đâu cũng giống nhau. Họ thích hờn dỗi và hay ghen”, ông Duyệt kể.

Năm 1973, McCain là một trong các tù binh Mỹ được trao trả theo Hiệp định Paris. Năm 1981, ông rời hải quân để bắt đầu sự nghiệp chính trị, nổi bật nhất trên vai trò thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa ở bang Arizona. Trong hàng chục năm sau chiến tranh, ông đã nỗ lực không biết mệt mỏi để bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ và thúc đẩy hai nước trở thành những đối tác thân cận sau gần nửa thế kỷ.

Ông John McCain (ngoài cùng bên phải) cùng dân biểu Pete Peterson (trái) và cựu thượng nghị sĩ John Glenn rời nhà tù Hỏa Lò trong chuyến thăm vào tháng 1/1990. Ảnh: AFP

Ông John McCain (ngoài cùng bên phải) cùng dân biểu Pete Peterson (trái) và cựu thượng nghị sĩ John Glenn rời nhà tù Hỏa Lò trong chuyến thăm vào tháng 1/1990. Ảnh: AFP

McCain từng quay lại Việt Nam nhiều lần, thậm chí thăm lại “Hilton Hỏa Lò”, bây giờ đã trở thành một điểm du lịch nổi tiếng, và có cuộc gặp mặt xúc động với một cựu tù binh khác.

Ông Duyệt không có cơ hội gặp lại McCain kể từ khi ông được phóng thích nhưng từng cho hay nếu thượng nghị sĩ Mỹ đến Việt Nam, ông sẽ chào đón không chỉ như một cựu tù binh mà còn như hai cựu chiến binh từ hai bên chiến tuyến.

Khi nghe tin ông McCain qua đời vào ngày 25/8 (6h28 sáng 26/8 giờ Việt Nam) sau hơn một năm chống chọi với căn bệnh ung thư não, ông Duyệt cho hay mình “rất buồn”.

“Nếu có thể, xin được chuyển lời chia buồn của tôi đến gia đình ông ấy”, ông Duyệt nói.

Phạm Huyền

Theo VNExpress

BÌNH LUẬN