Giáo sư Đàm Thanh Sơn đang cùng đồng nghiệp trong và ngoài nước tìm cách cải thiện ngành vật lý Việt Nam.

Trung tâm Vật lý lý thuyết quốc tế (ICTP) ngày 8/8 công bố chủ nhân giải thưởng và huy chương Dirac 2018 thuộc về ba nhà vật lý Subir Sachdev, Đại học Harvard; Xiao-Gang Wen, Viện Công nghệ Massachusetts và GS Đàm Thanh Sơn, Đại học Chicago (Mỹ).

GS Đàm Thanh Sơn nhận tin vui khi đang tham dự hội thảo quốc tế về vũ trụ và bàn cách phát triển hai nhóm nghiên cứu vật lý của Viện nghiên cứu tại Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) ở Quy Nhơn (Bình Định).

Chia sẻ với VnExpress, GS Sơn nói: “Tôi rất vui vì cùng nhận giải là hai đồng nghiệp tôi rất kính trọng, Subir Sachdev và Xiao-Gang Wen. Giải thưởng có ý nghĩa đặc biệt với tôi vì ICTP đã giúp nhiều nhà khoa học từ các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, tiếp xúc với cộng đồng khoa học quốc tế”.

Giới nghiên cứu vật lý đều xem việc ICTP lựa chọn GS Sơn là tin mừng đối với ngành vật lý Việt Nam. Ông trở thành người đầu tiên kết hợp được vật lý chất rắn với vật lý năng lượng cao, nhờ đó mở ra một ngành vật lý mới. Ông cũng là người đầu tiên phát hiện tính hai chiều của đo trọng lực được sử dụng để giải quyết các câu hỏi cơ bản trong các tương tác mạnh của nhiều nguyên tử, trong đó có lượng tử tương tác mạnh không thấy được bằng mắt thường.

Nghiên cứu của GS Sơn chứng minh khả năng tính toán các hệ số vận chuyển (độ nhớt và độ dẫn điện…). Kết quả của công trình nghiên cứu còn kích thích phát triển nhanh chóng sự hiểu biết của giới chuyên môn về lý thuyết đo ba chiều.

GS Đàm Thanh Sơn đang trao đổi với các học sinh ưu tú của Việt Nam ngày 7/8 tại Quy Nhơn. Ảnh: ICISE.

GS Đàm Thanh Sơn đang trao đổi với các học sinh ưu tú của Việt Nam ngày 7/8 tại Quy Nhơn. Ảnh: ICISE.

Hy vọng của giới nghiên cứu

Theo GS Cao Chi, nhà vật lý lý thuyết, từng làm việc tại Viện Liên hợp nghiên cứu hạt nhân Doubna (Nga), giải thưởng và huy chương Dirac chỉ trao cho những người xuất sắc thực sự trong lĩnh vực vật lý. Thực tế đã có nhiều nhà khoa học sau khi được giải Dirac đã được giải thưởng Nobel.

Chung quan điểm này, GS Trần Xuân Hoài, Chủ tịch Hội đồng khoa học – Viện Vật lý ứng dụng và Thiết bị khoa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, hy vọng con đường đến với giải thưởng Nobel của GS Đàm Thanh Sơn không xa bởi giải thưởng lần này đã sàng lọc chất lượng khắt khe.

Đã có nhiều nhà khoa học chỉ ít năm sau khi được trao giải Dirac đã vinh dự được xướng tên ở giải Nobel vật lý, như David Jonathan Gross (nhà vật lý lý thuyết người Mỹ) đoạt giải Dirac năm 1988, Nobel vật lý năm 2004. Frank Anthony Wilczek (nhà vật lý lý thuyết người Mỹ) đoạt giải Dirac năm 1994, Nobel vật lý năm 2004. Martinus J. G. Veltman (nhà vật lý lý thuyết người Hà Lan) đoạt giải Dirac năm 1996, Nobel vật lý năm 1999…

Giáo sư Đàm Thanh Sơn đang tiến gần đến giải Nobel - 2

GS. Jerome Friendman (áo xanh) đoạt giải Nobel Vật lý năm 1990, GS Trần Thanh Vân (bìa phải) và GS Đàm Thanh Sơn (thứ hai từ phải qua) trồng cây lưu niệm tại Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (Quy Nhơn) ngày 7/8. Ảnh: ICISE.

Những hy vọng là có cơ sở khi ở tuổi 15, Đàm Thanh Sơn trở thành chủ nhân huy chương vàng Olympic Toán quốc tế với số điểm tuyệt đối 42/42. Theo đuổi vật lý lý thuyết, ông sau này đã kết hợp kiến thức sâu rộng từ nhiều lĩnh vực như khoa học vật liệu, hố đen và nguyên tử lạnh để nghiên cứu hệ nhiều vật, qua đó chứng minh giá trị của phương pháp tiếp cận xuyên ngành.

GS Sơn cho biết sắp tới sẽ cùng đồng nghiệp và học trò tiếp tục nghiên cứu các hiện tượng lượng tử trong các hệ nhiều hạt, đặc biệt là các hệ tương tác mạnh. Bài toán về tương tác mạnh trong vật lý nhiều hạt rất khó và quan trọng đối với nhiều lĩnh vực, trong đó có vật lý hạt nhân và khoa học vật liệu. Rất nhiều khả năng phương pháp đang dùng hiện nay, bao gồm phương pháp đối ngẫu mà ông tham gia phát triển, sẽ chỉ là một phần nhỏ của những công cụ người ta sử dụng trong tương lai.

“Về lâu dài, tôi muốn tìm tòi học hỏi về các lĩnh vực của vật lý và khoa học nói chung, không nhất thiết liên quan trực tiếp đến những đề tài hiện nay tôi nghiên cứu”, ông Sơn nói và cho biết mối quan tâm lớn là sự phát triển của ngành vật lý Việt Nam.

Hiện GS Đàm Thanh Sơn cùng đồng nghiệp trong và ngoài nước bàn bạc, tìm cách cải thiện ngành vật lý Việt Nam. Cho rằng Việt Nam có tiềm năng, GS Sơn tin tương lai của ngành vật lý ở Việt Nam sẽ xán lạn nếu có một chính sách đúng đắn nhằm thu hút được tài năng trẻ và tạo điều kiện cho họ phát triển.

Bích Ngọc

Theo VNExpress

BÌNH LUẬN