Trump bị chỉ trích là “gây bất ổn” khi không ủng hộ tuyên bố chung G7; Cú bắt tay giữa Tổng thống Mỹ – Pháp lại gây sốt.

  • Pháp, Đức chỉ trích Trump vì quay lưng với tuyên bố chung G7

    9983dc9c-f7a6-11e7-8693-80d4e1-8090-3563

    Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters.

    Trong thông cáo phát đi ngày 10/6, Phủ tổng thống Pháp chỉ trích hành động của Tổng thống Mỹ Donald Trump từ chối ủng hộ tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tại Canada hồi cuối tuần qua là “hành động bất hợp lý và gây bất ổn”, theo CNN.

    “Hợp tác quốc tế không thể chỉ phụ thuộc vào sự giận dữ và vài từ ngữ. Hãy nghiêm túc và tỏ ra xứng đáng với người dân của chúng ta”, thông cáo nhấn mạnh. “Chúng ta đã dành hai ngày để đạt được một bản thảo và những cam kết. Chúng ta tuân thủ chúng. Và bất cứ ai bỏ đi, quay lưng với chúng đều cho thấy sự mâu thuẫn của họ”.

    Đức trong khi đó chỉ trích Tổng thống Mỹ là “đang hủy hoại niềm tin” giữa các quốc gia. “Đây không phải điều thực sự bất ngờ. Chúng ta từng thấy điều này với thỏa thuận chống biến đổi khí hậu hay thỏa thuận hạt nhân Iran. Trong vài giây, bạn có thể phá hủy niềm tin chỉ bằng 280 ký tự trên Twitter. Để xây dựng niềm tin trở lại cần rất nhiều thời gian”, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói trước các phóng viên ở Berlin, bình luận về quyết định không ủng hộ tuyên bố chung G7 của Tổng thống Mỹ.

  •  Cú bắt tay giữa Tổng thống Mỹ – Pháp lại gây sốt
    jh-composite-trump-macron-hand-2846-5457

    Vết hằn trên tay Tổng thống Mỹ Donald Trump sau cú bắt tay với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: Sun.

    Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong lúc đứng chụp ảnh tại hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng ở Quebec, Canada, tối 8/6 đã chủ động bắt tay người đồng cấp Mỹ Donald Trump. Cái bắt tay tuy không quá dài nhưng đủ chặt để in dấu trên bàn tay Tổng thống Trump. Một phóng viên đã chụp lại được cận cảnh hình ảnh ngón tay hằn trên bàn tay ông chủ Nhà Trắng và bức ảnh lập tức gây chú ý, theo Independent.

    Trên mạng xã hội, cú bắt tay thu hút được hàng loạt bình luận. “Trump, người nổi tiếng với những cú bắt tay uy lực, nay trở thành nạn nhân của Emmanuel Macron. Hãy nhìn cách Tổng thống Pháp để lại dấu ấn trên tay Tổng thống Donald Trump”, người dùng Twitter tên Chungyan Chow viết. Không ít người gọi đây là một “màn đối đầu” qua cú bắt tay.

  •  Trump – Kim sẽ bàn về hòa bình và vấn đề phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên
    trump-kim-realgist-2603-1528675035.jpg

    Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: CNN.

    Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA hôm nay đưa tin lãnh đạo nước này, ông Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ “thảo luận về cơ chế gìn giữ hòa bình ổn định, lâu dài” trên bán đảo Triều Tiên, vấn đề phi hạt nhân hóa cùng các vấn đề khác mà hai bên quan tâm.

    Bản tin cũng cho biết tháp tùng lãnh đạo Triều Tiên tới Singapore dự hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ lần này còn có Ngoại trưởng Ri Yong-ho, Bộ trưởng Quốc phòng No Kwang-chol và cô Kim Yo-jong, em gái ông Kim Jong-un.

    Trump và Kim Jong-un hôm qua đã đến Singapore để chuẩn bị cho cuộc gặp lịch sử vào ngày 12/6.

  •  Canada phản pháo sau khi bị Mỹ cáo buộc ‘đâm sau lưng’
    s2-reutersmedia-net-7044-1528676650.jpg

    Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland. Ảnh: Reuters.

    Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow ngày 10/6 chỉ trích Thủ tướng Canada Justin Trudeau đưa ra những tuyên bố mang tính “phân cực” về chính sách thương mại của Mỹ, cho hay Tổng thống Donald Trump rút khỏi tuyên bố chung của G7 vì bị Canada “chơi trò hai mặt”. Ông đồng thời cáo buộc Thủ tướng Trudeau “đâm sau lưng” Mỹ.

    Đáp lại những bình luận trên, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland khẳng định: “Canada tin rằng kiểu tấn công cá nhân không thích hợp và hữu dụng đối với chúng tôi trong việc xây dựng mối quan hệ với các quốc gia khác”. Bà đồng thời nhấn mạnh Canada “rất rõ ràng” và chỉ “đưa ra tranh luận dựa trên thực tế”, theo Hill.

  •  Quan chức Mỹ – Triều hôm nay gặp mặt, thảo luận các công tác chuẩn bị cuối cùng

    US-Ambassador-to-the-Philippin-7446-1593

    Đại sứ Mỹ tại Philippines Sung Kim, người có vai trò quan trọng trong nỗ lực nối lại thượng đỉnh Mỹ – Triều. Ảnh: AFP.

    Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sander cho hay Đại sứ Mỹ Sung Kim có kế hoạch tổ chức một cuộc họp với Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son-hui vào 10h hôm nay ở khách sạn Ritz Carlton, Straits Times đưa tin.

    Theo hãng thống tấn Hàn Quốc Yonhap, phái đoàn Mỹ – Triều sẽ cố gắng đưa ra được một dự thảo để trình lên lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh lịch sử diễn ra ngày 12/6 ở khách sạn Capella trên đảo Sentosa, Singapore.

  •  Ít có khả năng Tổng thống Hàn Quốc dự thượng đỉnh Mỹ – Triều ở Singapore
    s3-reutersmedia-net-2567-1528678837.jpg

    Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ảnh: Reuters.

    Một quan chức từ văn phòng Tổng thống Hàn Quốc hôm qua cho hay ông Moon Jae-un “ít có khả năng” đến Singapore để tham dự hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào ngày 12/6, Straits Times đưa tin.

    Thay vào đó, Seoul cử Phó chủ nhiệm Văn phòng An ninh Quốc gia Nam Gwan-pyo cùng một số quan chức cấp cao khác đến Singapore. Ông Nam sẽ nêu quan điểm của chính phủ Hàn Quốc sau khi thượng đỉnh Mỹ – Triều kết thúc.

    “Vừa theo dõi sát sao tình hình, chúng tôi sẽ vừa duy trì phối hợp chặt chẽ (với các quan chức có liên quan tới hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều)”, ông Nam nói trước báo giới trong lúc chuẩn bị lên máy bay tới Singapore.

     Theo VNExpress

BÌNH LUẬN