Tác phẩm của Vũ Ngọc Phượng đặt ra tình huống ngặt nghèo để hai nhân vật chính nhìn thấy ý nghĩa thực sự của tình yêu, cuộc sống.
Câu chuyện xoay quanh mối quan hệ lạ lùng giữa Nhật Minh (Jun Phạm đóng) và Ánh Dương (Khả Ngân) – hai người trẻ có hoàn cảnh khác xa nhau. Nhật Minh là game thủ không có nghề nghiệp ổn định, túng thiếu, thành gánh nặng của gia đình. Còn Ánh Dương là hot girl với cuộc sống sung túc, thu hút lượng fan lớn trên mạng xã hội. Cô hứa với fan về một đám cưới xa hoa với thiếu gia Lê Huy (B Trần đóng).
Cả Nhật Minh và Ánh Dương biết tin mình bị bệnh hiểm nghèo, chỉ còn sống một thời gian ngắn. Ánh Dương chia tay Lê Huy và đứng trước nguy cơ bẽ mặt trước khán giả do không có đám cưới. Cô tình cờ gặp Nhật Minh và quyết định thuê anh đóng giả làm chồng. Hai người dần nảy nở tình cảm thật trong lúc cái chết cận kề.
Lấy cảm hứng từ phim Hàn Never Ending Story (2012), kịch bản do Vũ Ngọc Phượng và Trịnh Đan Phượng viết có cấu trúc vững vàng và trau chuốt về tình tiết. Câu chuyện theo mô-típ “trước ghét sau yêu” có diễn biến hợp lý, trong đó sự hòa hợp tâm hồn đôi nam nữ diễn ra với nhịp độ vừa phải. Biên kịch dày công tạo dựng các chi tiết nhỏ để khán giả tin vào xuất thân của họ, từ cách Nhật Minh nói về trò chơi đến động tác điệu đà của Ánh Dương khi ghi hình, chụp ảnh cưới.
Lối chuyển cảnh gọn gàng, bối cảnh đẹp, tông màu ngả vàng ấm khi đôi trẻ dần thân thiết lôi cuốn khán giả vào chuyện tình. Điểm xuyến là những câu đùa khá duyên nhưng được tiết chế hơn so với phim trước của Vũ Ngọc Phượng – 12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy. Ở nửa cuối, phim có chút sướt mướt kiểu Hàn Quốc nhưng tránh được lối mòn nhân vật bi lụy quá mức. Bài hát Một ngày hay trăm năm của Văn Mai Hương tô điểm cho cảm xúc ở đoạn này.
Cánh đồng hoa hướng dương là một trong các bối cảnh đẹp. Tác phẩm được quay chủ yếu ở Đà Lạt và TP HCM, còn với cảnh này, ê-kíp phải đến Nghệ An mới tìm được địa điểm phù hợp. |
Ngoài câu chuyện tròn trịa, điểm thú vị và gợi suy ngẫm của 100 ngày bên em nằm ở lối sống của hai người trẻ. Nhật Minh và Ánh Dương đều là những kẻ “sống ảo”, tách mình khỏi thế giới với rất ít quan hệ có ý nghĩa ở đời thật. Đứng trước bệnh tật, cả hai đều không xem việc chống lại nó là ưu tiên hàng đầu. Chàng trai bế tắc và chọn cách “sống nốt” trong thế giới ảo của game. Còn cô gái – dù có rất nhiều tiền – lại tập trung thời gian và sức lực vào một đám cưới ảo thay vì nghỉ ngơi và chạy chữa. Cô còn đẩy cao suy nghĩ cực đoan bằng cách chi tiền để người khác đóng giả làm chồng, tìm kiếm một sự tung hô.
Cách xử trí của nhân vật phản ánh sự cô đơn và một lối sống của người trẻ đương đại. Theo diễn biến phim, nó được thay đổi tích cực bởi tình yêu. Hai nhân vật bắt đầu với các kết nối đời thật mờ nhạt và cuối cùng nhận ra tầm quan trọng của các mối quan hệ.
Vũ Ngọc Phượng có phim thành công thứ hai sau “12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy” (2015). Anh sinh năm 1985, được xem là đạo diễn nổi bật ở dòng phim về tình yêu tuổi trẻ. |
Jun Phạm và Khả Ngân trong hai vai chính cho thấy sự đồng điệu trong diễn xuất. Cựu thành viên nhóm nhạc 365 phát huy lối diễn lí lắc sở trường, đồng thời cũng lột tả được nỗi mặc cảm của người yếm thế. Tuy nhiên, anh không ấn tượng bằng Khả Ngân qua nét đẹp trong trẻo và các chuyển biến tâm lý rõ rệt hơn.
Ở vài cảnh đầu, nữ diễn viên thể hiện hình ảnh hot girl khá thành thục bởi xuất thân của cô cũng là ngôi sao được cộng đồng mạng yêu thích. Về sau, Khả Ngân có nhiều cảnh nội tâm ghi dấu ấn, tiêu biểu nhất là trích đoạn chuyển từ vẻ đờ đẫn sang suy sụp, khóc lóc trong thoáng chốc ở hồi ba. Thành công của người đẹp sinh năm 1997 cũng có dấu ấn lớn của Vũ Ngọc Phượng trong khâu chỉ đạo diễn xuất bởi cô rất mờ nhạt ở các phim trước. So với hai diễn viên chính, Gin Tuấn Kiệt và Tam Triều Dâng (vai em trai và em dâu Nhật Minh) đuối hơn và còn gặp trục trặc ở cảnh bi.
Jun Phạm và Khả Ngân có nhiều nụ hôn màn ảnh lãng mạn trong phim. |
Điểm trừ của phim nằm ở nhân vật Lê Huy được khắc họa mờ nhạt. Chàng thiếu gia do B Trần thủ vai giống như “người chứng kiến” câu chuyện với tâm lý không rõ ràng. Ngoài ra, ê-kíp còn hơi “nhẹ tay” trong việc hóa trang, tạo hình nhân vật mắc bệnh nặng, khiến cao trào chưa được đẩy lên cao hơn.
Phim khởi chiếu từ ngày 25/4 với nhãn C13 (không dành cho khán giả dưới 13 tuổi).
Ân Nguyễn
Theo VNExpress