Kết thúc quý 1/2018, giá hạt tiêu giảm mạnh chỉ còn một nửa so với năm 2017 và bằng 1/4 so với giữa năm 2016 – đây là mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, xuất khẩu hạt tiêu của cả nước trong tháng 3 ước khoảng 24 nghìn tấn đạt 88 triệu USD, đưa lượng tiêu xuất khẩu quý 1/2018 lên 54 nghìn tấn đạt 203 triệu USD, tăng 5,5% về lượng nhưng giảm 37,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Giá xuất bình quân khoảng 3.667 USD/tấn, giảm 42% so với quý 1/2017 do giá bình quân 2 tháng đầu năm 2018 giảm gần 45%, xuống còn 3.822 USD/tấn đã kéo giá xuất bình quân trong quý giảm.
Số liệu từ TCHQ cho biết, thị trường xuất chủ lực hạt tiêu của Việt Nam là Mỹ, Ấn Độ, Pakistan, UAE chiếm 38% tổng lượng hạt tiêu xuất khẩu trong 2 tháng 2018, trong đó Ấn Độ tuy xếp thứ hai sau thị trường Mỹ nhưng lại tăng mạnh cả lượng và trị giá, tăng lần lượt 250,09% và 100,72% đạt 4,07 nghìn tấn và 3,6 triệu USD. Giá xuất bình quân 3.618,81 USD/tấn, giảm 42,67% so với cùng kỳ.
Giá xuất bình quân sang các thị trường đều sụt giảm, trong đó xuất sang Ai Cập giảm mạnh 55,21%, tương ứng 2727,86 USD/tấn, tiếp theo là Tây Ban Nha giảm 48,91% xuống còn 4008,52 USD/tấn. Ngược lại, xuất sang thị trường Australia có giá đắt nhất 6116,68 USD/tấn, giảm 30,38% so với cùng kỳ 2017.
Tại thị trường nội địa, giá hạt tiêu cũng cùng xu hướng với giá xuất khẩu. Kết thúc quý 1/2018 giá tiêu đã giảm 15,7% so với đầu năm 2018 và giảm 17.000 – 19.000 đồng/kg so với thời điểm cuối năm 2017. Hiện giá tiêu được các doanh nghiệp và thương lái thu mua quanh mức 53.000 – 55.000 đồng/kg – mức giá thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây (thời điểm năm 2015, giá thu mua tiêu của Việt Nam đạt khoảng 200.000 đồng/kg).
Nguyên nhân chính là do nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu yếu và việc tăng nóng diện tích trồng tiêu bất chấp quy hoạch, thậm chí sẵn sàng phá bỏ diện tích các loại cây trồng khác để trồng tiêu. Tính đến hết năm 2017 diện tích trồng tiêu của cả nước đạt khoảng 152 nghìn ha, năng suất đạt 25,7 tạ/ha, sản lượng đạt 243 nghìn tấn, chiếm khoảng 58% thị phần thương mại hạt tiêu thế giới. Bên cạnh đó áp lực nguồn cung từ nước láng Giềng Campuchia, đang phát triển mạnh diện tích trồng hạt tiêu. Mặc dù những ngày tháng 3/2018 có lúc giá đã hồi phục, do áp lực của nguồn cung vụ tiêu mới vẫn còn đang yếu, nhưng người trồng tiêu đồng loạt mạnh tay bán ra nên giá tiêu đã giảm trở lại.
Diễn biến giá hạt tiêu tại một số vùng nguyên liệu từ đầu năm đến nay
ĐVT: đồng/kg
Tại thị trường Ấn Độ, một trong những quốc gia nổi tiếng trong việc sản xuất và xuất khẩu hạt tiêu trên thế giới giá đã giảm trong suốt 3 năm qua. Cụ thể, giá tiêu từ khoảng 600 Rupee/kg trong giai đoạn 2015 – 2016, mức giá trung bình trên thị trường, giảm xuống còn 500 Rupee trong năm 2017 và đến nay giá hồ tiêu nội địa cũng giảm xuống còn 390 Rupee/kg trên sàn giao dịch Kochi. Hiện tại, người dân Ấn Độ cũng đang trong vụ thu hoạch hồ tiêu.
Dẫn nguồn tin từ BusinessLine, sản lượng hạt tiêu đen của Ấn Độ trong niên vụ 2017-2018 có thể thấp hơn so với kỳ vọng của người nông dân bởi năm 2017 các vùng trồng tiêu lớn bị hạn hán.
Điều phối viên của Hiệp hội Nông dân trồng hạt tiêu Ấn Độ, ông Vishwanath KK dự báo sản lượng hạt tiêu đen sẽ đạt khoảng 55.000 – 60.000 tấn trong vụ thu hoạch này, thấp hơn kỳ vọng mà người nông dân ước tính trước đó là 65.000 – 70.000 tấn. Nguyên nhân do một số vùng trồng tiêu lớn của Ấn Độ gặp hạn hán trong năm 2017, dẫn tới năng suất cho quả thấp. “Về cơ bản, nông dân Ấn Độ đang trồng tiêu tại các khu vực đều có nước tưới tiêu, nhưng bất kỳ sự thay đổi nào về thời tiết cũng sẽ ảnh hưởng đến tình hình thu hoạch”, ông Vishwanath cho biết.
Tại Ấn Độ, hạt tiêu được trồng chủ yếu ở khu vực Grat Tây của bang Karnataka và Kerala. Vụ thu hoạch hạt tiêu của Ấn Độ kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau. Riêng bang Karnataka, một niên vụ hạt tiêu có thể kéo dài tới tháng 4.
Trong niên vụ 2014 – 2015, sản lượng hạt tiêu của Ấn Độ đạt mức kỷ lục 70.000 tấn, trước khi giảm về 48.500 tấn niên vụ 2015-2016. Từ sau đó đến nay, sản lượng có xu hướng phục hồi, ước đạt 55.500 tấn trong niên vụ 2016-2017. Tình trạng sản lượng hạt tiêu biến động thất thường, Bộ Công Thương Ấn Độ cho rằng hạn hán và mưa trái mùa là hai nguyên nhân chính.
Như vậy, nếu đúng như dự đoán sản lượng hạt tiêu tại Ấn Độ kết thúc niên vụ này sụt giảm thì đây là tia hy vọng đối với những người trồng tiêu, bởi nguồn cung tiêu trên thị trường khả năng sẽ bị thiếu hụt và gây áp lực lên giá ngừng giảm, duy trì đứng ở mức cao trong thời gian tới.
Theo Tri thức trẻ
Theo Báo Công Thương