Tác phẩm miêu tả cuộc sống và những hoạt động của thiền sư cùng tăng đoàn, nêu bật không khí tĩnh lặng và tinh thần Phật giáo.
Phim tài liệu do Marc J. Francis và Max Pugh đạo diễn, được ghi hình trong ba năm ở Làng Mai (Pháp) – nơi thiền sư Thích Nhất Hạnh và tăng đoàn tu tập. Tác phẩm mở đầu với cú máy tĩnh một phút cảnh chiều tà cùng lời dẫn của tài tử Benedict Cumberbatch: “Vẫn biết giận dỗi, vẫn thích được ngợi khen, vẫn sẵn sàng khóc cười. Nhưng ở dưới đáy những cái đó, còn có cái gì nữa nhỉ? Có hay không? Nếu có tại sao lôi nó lên không được? Nếu không sao ta cứ đinh ninh rằng có?”.
Sau phần giới thiệu ngắn về Thích Nhất Hạnh, đạo diễn đưa người xem vào thế giới Phật giáo. Đây không phải tác phẩm dễ xem với đại chúng, nhất là những ai tìm kiếm một bộ phim tiểu sử – thuật lại các hoạt động của thiền sư gốc Việt trong các thập niên qua. Phim không có cốt truyện cụ thể, cũng không theo trần thuật tuyến tính, mà chỉ như các mảnh ghép nho nhỏ được chắp nối bởi lối dựng nhiều tính ngẫu hứng.
Nửa đầu phim là cuộc sống ở Làng Mai, nơi thiền sư cùng tăng đoàn tu tập. Nội dung xoay quanh các hoạt động thường nhật như nấu ăn, ăn uống, dọn dẹp, làm lễ xuất gia, đọc kinh. Chánh niệm – sự chú tâm có chủ đích, bình thản trong giờ phút hiện tại – được thể hiện qua từng công việc nhỏ nhặt. Hình ảnh của những nhà sư gần như bất động trong nhiều đúp quay tạo không khí thiền trầm mặc. Xuôi theo mạch phim chậm rãi, một số mẩu đối thoại nhỏ được cài cắm để bộc lộ sự gần gũi của người tu hành. Âm thanh ở các đoạn này nhiều chỗ khó nghe, khiến người xem khó hiểu các cuộc đối thoại nếu không đọc phụ đề.
Ở nửa sau, tác phẩm có nhiều tình tiết hơn khi Thích Nhất Hạnh đến New York (Mỹ) thuyết giảng. Tại phương Tây, thiền sư được xem như một lãnh đạo Phật giáo hàng đầu, thu hút nhiều người tìm đến học tập. Thay vì mô tả bài giảng, tác phẩm đột ngột rẽ ngoặt sang các mẩu chuyện nhỏ liên quan đến các thành viên tăng đoàn, trong đó có hai trích đoạn xúc động về gia đình, tâm thức buông bỏ của người tu hành.
Một cảnh người tu tập xuống tóc trong phim. |
Thích Nhất Hạnh là nhân vật chính đặc biệt trong phim. Thiền sư thoắt ẩn, thoắt hiện khỏi khung hình và chỉ có một đoạn thoại dài khi giải thích cho một cô bé về đau khổ và hạnh phúc. Việc ông ít nói trong phim có thể là dụng ý của đạo diễn, cũng có thể là hệ quả của việc thiền sư suy yếu sau cơn bệnh năm 2014. Chỉ có vài triết lý của Thích Nhất Hạnh – rút từ tập Nẻo về của Ý – được đọc qua giọng của người dẫn chuyện Benedict Cumberbatch. Chất giọng của tài tử Dr. Strangekhiến những đoạn này giàu chất thơ và chiêm nghiệm.
Trong hơn 90 phút phim, Marc J. Francis và Max Pugh cố truyền tải sự giác ngộ khó diễn tả bằng lời. Hai nhà làm phim nhiều lần “chạy trốn” khỏi cộng đồng con người, hướng ống kính về thiên nhiên trong những đúp quay cảnh vật gợi nhớ đến đạo diễn huyền thoại Terrence Malick. Có lúc, họ ghi lại cảnh rừng núi, mặt trăng, mây trời, có lúc lại chú tâm đến các sinh vật nhỏ bé hay những đóa hoa. Tác phẩm phô diễn chất thơ trong những khoảnh khắc đời thường mà nhiều người – do quá bận rộn – đã để chúng trôi qua tầm mắt. Cảnh kết dài một phút rưỡi – mô tả mặt trời đang mọc – đối kháng với cảnh hoàng hôn đầu phim, hoàn thành ẩn ý về sự giác ngộ.
Những khung hình tĩnh là đặc trưng của phim. |
Đúng như tên gọi Walk with Me, phim giống như một chuyến thiền hành (thực tập thiền trong khi bách bộ), không đặt ra những câu hỏi to tát hay hướng đến mục đích nào cụ thể. Khán giả cùng thiền sư Thích Nhất Hạnh đi những bước chậm rãi, thanh thản tận hưởng vẻ đẹp xung quanh để tìm ra hạnh phúc trong chính khoảnh khắc hiện tại. Tác phẩm không thuyết giảng bằng ngôn từ mà gợi ra một thứ thanh âm tĩnh lặng đối lập với sự xô bồ ngày càng tăng của xã hội đương đại. Qua đó, trên hành trình đến giác ngộ, người xem phải tự vận động, đi tìm câu trả lời cho mình.
Phim chiếu ở Việt Nam với nhan đề Bước chân an lạc.
Ân Nguyễn
Theo VNExpress