Học người Do Thái dạy con

GD&TĐ – Với nguyên tắc để trẻ tự phát triển có bản lĩnh, thực sự mạnh mẽ trong đường đời, học đi đôi với thực tiễn, luôn tôn trọng con, không thỏa mãn các mong muốn của con, là quân sư chứ không bao bọc, làm thay con mọi việc… người Do Thái đã được thừa nhận là có cách dạy con thông minh nhất thế giới.

Kinh nghiệm hữu ích

Vợ chồng anh Xuân Quang (phố Hồ Đắc Di – quận Đống Đa – Hà Nội) luôn bất đồng trong cách nuôi dạy hai đứa con trai. Anh Quang chỉ nhận ra sai lầm trong việc dạy con theo kiểu áp đặt các mong muốn của mình khi thấy kết quả ngày càng tồi tệ. Hai đứa con trai nghịch phá, ương bướng, chỉ học hành theo kiểu đối phó và luôn thụ động, ỷ lại khiến bố mẹ chúng cứ như đốc công trong nhà.

Giữa cảnh vợ chồng mâu thuẫn về việc ứng xử với nhau và với con thì chị Ngọc được người bạn tặng cuốn sách “Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương” của tác giả Sara Imas, người Do Thái. Chị vỡ vạc và tâm đắc nhất khi ngộ ra trong các vấn đề mà đứa trẻ gặp phải, người Do Thái luôn đứng trên cương vị khách quan để giải quyết, giúp con trẻ giữ được chính kiến mà không hề ương bướng.

Vào mạng tra cứu tham khảo thêm nhiều điều, chị Ngọc và anh Quang thống nhất áp dụng phương pháp nuôi dạy con của người Do Thái. Bắt đầu từ việc rèn con tự lập sớm bằng cách để con được tự do hoạt động, biết làm các công việc nhà và có trách nhiệm trong hành động của mình, cố gắng hoàn thành công việc khi gặp khó khăn.

Hai cậu con trai được bố mẹ khuyến khích đọc sách và tìm hiểu về các kiến thức cơ bản xung quanh. Mọi năm, chị Ngọc quản tiền mừng tuổi của con, nhưng từ năm trước chị cho 2 đứa tự quản lý tiền tiêu vặt và tiền mừng tuổi và gợi ý cho con biết cách tiết kiệm và chi tiêu hợp lý.

Anh Quang cố gắng kiềm chế tính nóng nảy, không quát tháo con khi con mắc lỗi mà trò chuyện ôn hòa, phân tích đúng sai cho con thấy được bản chất sự việc. Anh khuyến khích con đưa ra ý tưởng riêng và sẵn sàng tranh luận, phản biện để con biết đặt câu hỏi, tìm tòi sáng tạo và linh hoạt trong xử lý vấn đề…

Truyền động lực cho con

Chị Trần Ngọc Hiền (quận Hoàng Mai – Hà Nội) tâm sự: Tôi có con gái gần 2 tuổi, cháu xinh xắn, đáng yêu nhưng do một tai nạn bất ngờ, cháu bị mất 3 đầu ngón chân. Dù con vẫn đi lại được bình thường nhưng tôi vẫn lo sau này con có những mặc cảm, tự ti. Tôi muốn xin lời khuyên của chuyên gia có cách nào hướng dẫn để vợ chồng tôi truyền động lực cho con vươn lên?

Chuyên gia khóa đào tạo “Dạy con đúng cách” (dạy online cho phụ huynh) đã giải đáp điều trăn trở của chị Ngọc Hiền bằng một câu chuyện. Anh kể về một gia đình người Do Thái có con trai bị lao xương nên bị mất một khớp gối. Đứa trẻ đi đứng rất khó khăn. Một lần cậu bé muốn lấy một món đồ trên cao, sau khi kiễng lên rất nhiều lần để với, cậu đều ngã nhào, đau đớn. Người bố nhìn thấy, thương con vô cùng nhưng vẫn đứng ngoài. Đến lần ngã thứ ba của con, ông mới chạy vào hỏi: Con đang làm gì đấy?

Cậu bé trả lời: Con lấy món đồ, mà nó cao quá con không lấy được. Người bố ân cần bảo: – Con nghĩ xem có cách nào khác để lấy được không? Đứa trẻ suy nghĩ rồi đưa ra sáng kiến “có thể dùng cái móc” và người bố mỉm cười khuyến khích thêm “đúng rồi, con thử ngay đi…”.

Vị chuyên gia kết luận: Trong những nỗi đau về thể chất lại luôn tiềm tàng những tiềm năng lớn để con có động lực vươn lên. Bởi người cha không bao giờ coi con là khuyết tật nên đứa trẻ đó sau này đã trở thành nhà bác học Robert Barany lỗi lạc, đoạt giải Nobel Y khoa.

Quỳnh Chi

Theo giaoducthoidai.vn

BÌNH LUẬN