Mang nỗi niềm hoài cổ, Nguyễn Xuân Lam – 25 tuổi – vẽ lại tranh truyền thống với kỹ thuật đổ màu hiện đại.
Chiều 7/1, họa sĩ Xuân Lam giới thiệu gần 20 tác phẩm thuộc dự án “Vẽ lại tranh dân gian” tại Hà Nội. Nghệ sĩ cho biết ý tưởng bắt đầu khi anh tình cờ lạc vào khu trưng bày tranh truyền thống tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Xuân Lam bị hấp dẫn bởi lối tạo hình trong những bức vẽ của nghệ nhân xưa. |
Ban đầu, họa sĩ băn khoăn việc giữ màu gốc hay tạo màu mới cho tác phẩm. Để hài hòa giữa nét cổ kính và hiện đại, Xuân Lam quyết định giữ lại hầu hết phần tạo hình theo nguyên bản gốc của nghệ nhân. Anh chỉ thêm thắt một vài chi tiết nhỏ để trang trí. Các bức tranh được vẽ tay nhằm giữ sự mộc mạc, thô ráp của chất liệu chì. Sau đó, tác phẩm được xử lý màu bằng đồ họa để mang tới cảm giác mới mẻ, hiện đại và uyển chuyển. Trong hình là bức “Gà và hoa hồng” – tranh Đông Hồ. |
Cách pha trộn dải màu đỏ – cam tạo nét mới lạ và bắt mắt hơn so với tranh cũ. “Cá đàn” – tranh Đông Hồ. |
Khán giả Nguyễn Thành Vinh cho rằng trong xu hướng cuộc sống hiện nay, các bạn trẻ quay lại với giá trị cổ truyền là điều đáng quý. “Xuân Lam là một trong nhiều bạn trẻ biết cách chuyển hóa giá trị dân gian, tạo ra các sản phẩm ứng dụng trong cuộc sống”, anh nói. “Quan Võ” – tranh thờ Vũ Di (tỉnh Vĩnh Phúc). |
Qua dự án này, họa sĩ Xuân Lam mong sẽ khơi gợi và truyền cảm hứng cho giới trẻ về tình yêu văn hóa dân tộc, nhất là với dòng tranh dân gian. “Ngũ hổ” – tranh hàng Trống. |
Xuân Lam sinh năm 1993, tốt nghiệp khoa Hội họa, Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Hiện nay, anh làm việc trong công ty đồ họa và là thành viên thuộc dự án “Bích họa trên phố Phùng Hưng”. “Xích hổ” – tranh hàng Trống. |
“Chim hạc” – tranh dân gian tỉnh Nghệ An. |
“Ông hoàng cưỡi cá” – tranh hàng Trống. |
Trọng Trường