Mỗi lúc con thua, ông bố không khích lệ hay chỉ trích, mà ôm con vào lòng. Dần dần, con gái ông không còn sợ thất bại nữa.
Bài viết là chia sẻ của chị Đặng Thủy, giáo viên dạy Montessori ở Hà Nội, về cách dạy trẻ đối mặt với thắng – thua.
Cách đây mấy ngày, tôi được mời đến tham dự một buổi hội thảo. Có một người mẹ đặt cho tôi câu hỏi: “Con của tôi rất ích kỉ, trong bất kỳ trò chơi nào nó cũng muốn thắng, không muốn thua, nếu thua nó sẽ khóc, phá phách. Chúng tôi bảo không chơi nữa thì nó không muốn, tôi chỉ biết khuyên bảo, nhưng tôi lo lắng, sau này khi ra ngoài xã hội nó làm sao có thể đối diện với thất bại đây?”.
Tôi không trực tiếp trả lời đáp án, mà chỉ kể cho cô ấy nghe một câu chuyện về một ông bố và con gái chơi cờ, tôi từng đọc được trước đó:
“Con của tôi khi mới vừa tròn 3 tuổi, bắt đầu thích chơi cờ tướng. Ban đầu, bé không biết chơi, thắng thua cũng không hiểu là gì. Nhưng đến khi hơn 4 tuổi, con bé đã biết như thế nào là thắng thua, tình thế bắt đầu thay đổi.
Ảnh minh họa: Profundiza. |
Có một lần chơi cờ, con sĩ của bé không còn lối thoát, lùi một nước sẽ bị tốt của tôi ăn. Nước mắt bé thi nhau rơi xuống, cầm con sĩ chặt trong tay, miệng không ngừng nói: “Con không cho bố ăn nó.” Lúc đó tôi chỉ nói: “Bố cũng không muốn thắng, chơi cờ là như thế, thắng thua rất bình thường mà”. Nhưng tôi nói bao nhiêu cũng không có tác dụng gì, con bé vẫn nắm chặt con sĩ. Lúc đó tôi nói: “Vậy, hôm nay bố con mình không chơi nữa nhé.” Con bé lại lắc đầu.
Một hôm khác, tôi cùng con bé chơi cờ. Ván đầu tiên quân mã của bé gặp tình huống giống lần trước, nước mắt bé lại rơi. Tôi thấy rằng chuyện này không ổn tý nào. Tôi nghĩ mình cần phải giúp đỡ. Tôi nói: “Ván này con thua rồi. Bố biết là con không muốn thua, trong lòng rất khó chịu phải không?”. Con bé gật đầu.
“Hôm nay chúng ta có chơi tiếp nữa không?”. Con bé nói có. Tôi tiếp tục: “Nào lại đây bố sẽ ôm con, lát nữa chúng ta chơi tiếp nhé!”.
Tôi đi đến ôm con bé, để con bé khóc một trận thoả thích. Khi con bé bình tĩnh lại, mới tiếp tục chơi cờ. Dĩ nhiên là thỉnh thoảng mới cho con bé thua một quân. Con bé đã thua hai bàn trong cuộc chơi này.
Sau này tôi luôn sử dụng cách giải quyết này để xử lý tình huống. Trong một thời gian ngắn, mỗi khi bị thua, tôi đều lớn tiếng nói: “Thua rồi! Nào, ván sau bố nhất định thắng con”. Cứ như thế con bé dần dần đối diện được với thất bại.
Lúc đứa trẻ đối diện với thất bại, bé sẽ không muốn nghe sự dạy đời, nói đạo lý, hay giả vờ đồng tình, càng không phải sự chỉ trích. Mà là sự thấu hiểu, cảm thông, cổ vũ của chúng ta sẽ cho chúng năng lực đối diện với sự thất bại.
Nếu như chúng ta không hướng dẫn cho bé cách để giải quyết tình huống và tiết chế cảm xúc, các bé sẽ gặp khó khăn khi giao tiếp xã hội. Bố và mẹ không thể theo con cả đời, hãy cho bé cần câu và hướng dẫn bé cách câu cá!
Đặng Thủy