Trong một phút chuẩn bị phần thi IELTS Speaking Part 2, hãy xé giấy nháp thành bốn phần và ghi nhanh từ khóa cần thiết.

Trong phần thi IELTS Speaking Part 2, bạn được giao một chủ đề ngẫu nhiên và phải nói về chủ đề đó liên tục trong hai phút. Bạn có một phút để chuẩn bị. Bài viết sau đây sẽ cung cấp bí quyết giúp bạn vượt qua mọi chủ đề trong Speaking Part 2.

Một chủ đề Speaking Part 2 mẫu:

Describe a teacher who has big influences on your life.

You should say:

·        Who is the teacher

·        How you first met him/her

·        What he/she teaches you

And explain why he/she has big influences on your life.

cach-vuot-qua-moi-chu-de-bai-thi-noi-ielts

Ảnh minh họa: Zme Science

Sử dụng thông minh một phút chuẩn bị

Chia tờ giấy nháp thành bốn hình chữ nhật bằng nhau

Một phút chuẩn bị sẽ trôi qua nhanh hơn bạn nghĩ. Để sử dụng nó hiệu quả, hãy chia tờ giấy nháp của bạn thành bốn hình chữ nhật bằng nhau, mỗi hình đại diện một câu hỏi gợi ý. Sau đó, bạn ghi lần lượt câu trả lời cho bốn câu hỏi gợi ý, nhưng chỉ nên ghi những từ khóa như tên riêng, năm và địa điểm thay vì cả câu hoàn chỉnh.

Áp dụng những từ để hỏi

Nếu cảm thấy khó khăn trong việc lên ý tưởng, bạn nên vận dụng những từ để hỏi như What, Where, Who, When, Which và How. Mỗi từ để hỏi sẽ mở ra một ý tưởng mới. Ví dụ, từ để hỏi Where sẽ giúp bạn liên tưởng đến một địa điểm.

Kể một câu chuyện thú vị

Kể một câu chuyện thú vị là cách đơn giản để bạn thu hút sự chú ý của giám khảo. Ví dụ, nếu đề nói của bạn là miêu tả một người nổi tiếng, hãy nghĩ ra một người có ảnh hưởng đến thế hệ trẻ Việt Nam thay vì Bill Gates bởi có thể giám khảo đã nghe về ông rất nhiều lần.

Cách ứng phó khi bạn gặp một chủ đề khó

Những chủ đề khó yêu cầu kiến thức chuyên môn và khó phát triển ý tưởng, ví dụ miêu tả một bức tranh, miêu tả một cây cầu hay miêu tả một công trình kiến trúc nổi tiếng. Để ứng phó với những chủ đề này, hãy tập trung phân tích giá trị xã hội của chúng thay vì chi tiết kỹ thuật. Ví dụ, công trình kiến trúc bạn miêu tả là nơi thường xuyên diễn ra các sự kiện cộng đồng.

Làm chủ hai phút nói

Kiểm soát tốt thời gian

Hãy luyện tập trước Speaking Part 2 ở nhà bằng cách sử dụng đồng hồ đếm ngược. Ngoài ra, bạn cũng nên dành thời gian đồng đều cho các ý tưởng, tránh việc dành quá nhiều hoặc quá ít thời gian cho một ý tưởng đã được ghi ở một phút chuẩn bị.

Áp dụng những chủ đề đã ôn tập tại nhà

Khả năng cao là chủ đề Speaking Part 2 trong ngày thi bạn chưa từng ôn tập. Hãy vận dụng những gì bạn đã ôn tập trước ngày thi. Ví dụ, nếu đã ôn tập đề “Describe a teacher who has big influences on your life”, bạn có thể vận dụng những ý tưởng của nó cho đề “Describe a person who you have a good relationship with”.

Hạn chế để sự ngắt ngừng tạo thành tiếng

Bạn không nên quá lo lắng nếu như phải ngắt ngừng để nghĩ ý tưởng. Cố gắng không tạo ra những âm thanh ừ, à, ờ trong hai phút nói. Những tiếng này khiến cho bài nói của bạn mất tự nhiên.

Chú ý sử dụng đúng thì

Nếu bạn phải miêu tả một kỷ niệm thời thơ ấu, việc sử dụng thì quá khứ là cần thiết. Nhưng không phải lúc nào thì quá khứ cũng giúp bạn ghi điểm.

Đa dạng hóa từ vựng và mẫu câu

Như trong Speaking Part 1 và Part 3, bạn nên sử dụng nhiều từ vựng và mẫu câu khi trả lời chủ đề Part 2. Việc sử dụng từ nối để gắn kết các ý tưởng cũng là điều nên làm.

Follow-up question (câu hỏi phụ)

Sau khi hai phút nói của bạn kết thúc, giám khảo sẽ chủ động dừng bạn lại. Họ có thể tiếp tục hỏi 1-2 câu hỏi follow-up question trước khi bắt đầu Speaking Part 3. Đây là những câu hỏi phụ bổ sung cho chủ đề Part 2 của bạn.

Ví dụ, nếu chủ đề của bạn là “Describe a place you went to as a tourist and particularly enjoyed”, follow-up question của bạn có thể là “Would you recommend your friends and family to visit that place?” hoặc “Would you like to visit that place again in the future?”.

BÌNH LUẬN