Tác phẩm phản ánh câu chuyện về tiến sĩ rởm, sự độc đoán của lối suy nghĩ lạc hậu… bằng hình thức ước lệ trên sân khấu.

Tối 23/11, NSƯT Trần Lực cùng đoàn kịch do anh sáng lập – Lucteam – công diễn vở Cơn ghen của Lọ Lem tại Nhà hát Chèo Việt Nam.

con-ghen-cua-lo-lem-gieu-nhai-thoi-rom-doi-trong-xa-hoi-hien-dai

Vở “Cơn ghen của Lọ Lem” do NSƯT Trần Lực dàn dựng.

Cơn ghen của Lọ Lem là tác phẩm nổi tiếng thế kỷ 17 của kịch gia người Pháp Moliere. Xã hội tiểu thị dân nước Pháp qua ngòi bút của Moliere hiện lên với những con người kệch cỡm, đạo đức giả, gia trưởng và lố bịch.

Mở đầu đêm kịch, nghệ sĩ Trần Lực cùng tập thể diễn viên chào màn bằng khúc nhạc chế sôi động do anh tự viết lời. Trần Lực cùng Lucteam đã biến câu chuyện của nước Pháp 500 năm trước thành câu chuyện Việt Nam đương đại. Đạo diễn mang lên sân khẩu những mâu thuẫn gia đình, sự kiện nóng của xã hội, thói giả dối và sĩ diện rởm đời.

Khi xây dựng Cơn ghen của Lọ Lem, tuyến nhân vật với những nét tính cách đặc trưng được NSƯT Trần Lực giữ nguyên theo tác phẩm gốc của Moliere. Ba nhân vật chính là chàng Lọ Lem, cô vợ Galic và ông tiến sĩ. Lọ Lem là ông chồng ghen tuông, trưởng giả, luôn bắt cô vợ Galic phải phục tùng nguyện vọng, sở thích của mình. Galic có đời sống tình cảm phức tạp khi cô ngoại tình và mộng mơ về tình yêu vĩnh cửu. Tuy nhiên, những lúc ở bên Lọ Lem, cô luôn chứng tỏ cho anh thấy uy quyền, vị thế của người làm chủ gia đình, hay dọa nạt chồng. Ông tiến sĩ trong vở kịch giữ vai trò hòa giải những xung đột gia đình. Nhân vật là kẻ háo danh, khoe khoang chức vụ, bằng cấp và luôn bắt mọi người phải gọi bằng danh xưng doctor.

Khác với tác phẩm hài kịch truyền thống, Cơn ghen của Lọ Lem do Trần Lực dàn dựng không chú trọng xây dựng tình huống để gây cười cho khán giả. Tiếng cười bật lên từ những chi tiết nhỏ, giọng nói hóm hỉnh, lối diễn tung hứng của nhân vật. Tác phẩm cũng không phân hồi rõ ràng mà chỉ có các lớp cảnh nối tiếp nhau trên sân khấu theo mạch của câu chuyện. Sự hài hước, náo nhiệt được các diễn viên kéo dài đến cuối tác phẩm.

Để hiện đại hóa tác phẩm kịch 500 tuổi, Trần Lực đưa vào tác phẩm những câu nói đang là trào lưu của giới trẻ như “gato”, “ahihi”, hay phát ngôn “gia đình là thứ tồn tại duy nhất” của “ông trùm” Phan Quân trong Người phán xử trở thành câu thoại đặc trưng của mẹ Galic. Điều này khiến cho tác phẩm mang tính cập nhật, trở nên gần gũi với giới trẻ.

Xen kẽ lời đối thoại giữa các nhân vật trên sân khấu là bàng thoại – nhân vật tương tác trực tiếp với khán giả. Nhân vật Lọ Lem than vãn về sự nhu nhược của bản thân bằng cách hướng mặt xuống khán giả để phân trần, giải thích cảnh ngộ.

Ngoài phần ngôn ngữ kịch, tính trẻ trung, đương đại của vở kịch còn được thể hiện qua một loạt bài nhạc chế do chính diễn viên trong đoàn sáng tác và trình bày dựa trên loạt bản hit như Vũ điệu hoang dã, Đường cong, Thật bất ngờ. Lời nhạc châm biếm, giai điệu vui tươi mang lại tiếng cười và sự thích thú cho khán giả.

“Cơn ghen của Lọ Lem” sử dụng phương pháp ước lệ của sân khấu. Sân khấu mở ra những bối cảnh tối giản về hình thức bài trí, đạo cụ và đòi hỏi sự sắc bén tối đa trong biểu hiện của nghệ sĩ. Để mô tả không gian của ngôi nhà, đạo diễn dựng một cánh cửa trên sân khấu, tạo cuộc đối thoại giữa người bên trong và ngoài căn nhà. Diễn viên tự do giải phóng hình thể, biểu diễn ngôn ngữ cơ thể tối đa ở không gian rộng với ánh sáng đơn sắc.

con-ghen-cua-lo-lem-gieu-nhai-thoi-rom-doi-trong-xa-hoi-hien-dai-1

Một cảnh diễn trong “Cơn ghen của Lọ Lem”.

Toàn bộ diễn viên trên sân khấu hóa trang thành những mặt hề. Mọi cung bậc, sắc thái cảm xúc nhân vật hiện rõ qua chuyển động của nét mặt, điệu bộ. Diễn viên của đoàn kịch là những người không chuyên về vũ đạo nhưng xuyên suốt tác phẩm, họ cho thấy sự gắn kết, linh hoạt với bạn diễn qua từng động tác.

Để nhào lộn một cách thuần thục, nhẹ nhàng trên sân khấu, đoàn nghệ sĩ trẻ đã tham gia khóa học xiếc kéo dài ba tháng trước khi bước vào tập vở Cơn ghen của Lọ Lem. Vì vậy, những động tác nhào lộn trên sân khấu của dàn diễn viên tạo cảm nhạc nhẹ nhàng, uyển chuyển.

Ngoài ra, không ít khán giả tỏ thái độ dè dặt trong cảm nhận về tác phẩm kịch ước lệ. Ông Trần Hinh – giảng viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – nhận xét vở kịch vẫn mang nhiều tính tả thực, ít yếu tố ước lệ. Ở phần giữa vở diễn, chuyển cảnh quá nhanh và thiếu logic, gây khó hiểu cho người xem. Tiếng cười bật ra đa phần từ ngôn ngữ thoại khi đạo diễn đưa câu chuyện về smart phone, uber…

Sau buổi công diễn, vở kịch Cơn ghen của Lọ Lem tiếp tục được giới thiệu tại Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội) vào cuối tháng 11 và 12. Bên cạnh đó, Lucteam đang dần hoàn thiện các vở Quẫn và Bà Triệu theo hình thức kịch bi tráng.

Lucteam là đoàn kịch tư nhân đầu tiên ở miền Bắc do NSƯT Trần Lực thành lập với 12 thành viên. Tại buổi ra mắt, đạo diễn Trần Lực nói: “Lucteam là đoàn kịch của thầy và trò. Tôi là thầy – Trần Lực và học trò của tôi – những nghệ sĩ trẻ tuổi. Chúng tôi thành lập vì thầy trò có chung chí hướng và khát khao chinh phục nghệ thuật đỉnh cao cùng phương pháp nghệ thuật sân khấu ước lệ”.

Trọng Trường

vnexpress

BÌNH LUẬN