Người trẻ luôn bắt kịp nhanh các xu hướng hiện đại và được kỳ vọng sẽ tạo nên những sự thay đổi cho đất nước. Nhưng thực tế, nhiều người trẻ lại đang ôm ấp quá nhiều nỗi sợ: Sợ lạc lõng, sợ bị “ném đá”… dẫn tới sợ phải chủ động, sợ nghĩ khác, làm khác. Muốn giúp người trẻ bứt phá khỏi ranh giới của nỗi sợ, các bạn trẻ của TeamX Việt Nam đã tổ chức chuỗi sự kiện “Vietnam Innovation Summit”, cổ vũ người trẻ hãy chủ động để tự đổi mới và mạnh dạn đón nhận sự đổi mới.

Trước khi trở thành Chủ tịch của TeamX Hanoi, Trần Ngọc Linh (năm thứ ba, Học viện Ngoại giao Việt Nam) đã từng có quãng thời gian trì trệ trong việc học ở trường, khi bản thân chưa thực sự hiểu mình cần học để làm gì. Linh thường than phiền, phán xét tất cả những việc mình làm rằng, “tại sao mình phải làm nó?”. Linh đã mất một thời gian để nhìn lại bản thân, tìm lại động lực và lý do khiến mình bắt đầu việc đó, nhận ra đâu là điều quan trọng mà bản thân muốn theo đuổi. Cho đến khi theo đuổi mọi việc với thái độ tích cực, chủ động, Linh thấy mọi thứ dễ thở và có ích hơn rất nhiều. Đó cũng là lúc Linh nhận ra, thái độ chủ động có vai trò quan trọng thế nào khi giải quyết mọi việc.

Trong TeamX, có rất nhiều các bạn, các em ở những độ tuổi còn rất trẻ, có những em sinh năm 2000 nhưng sự hiểu biết, tìm tòi và những ý tưởng đóng góp của các em trong các chiến dịch mà TeamX đã thực hiện lại vô cùng thức thời và đáng coi trọng. Một trong những điều mà TeamX luôn hướng người trẻ theo đuổi là “Innovation – sự đổi mới, cải tiến”. Từ chính câu chuyện của các thành viên trong nội bộ TeamX và thực trạng hiện nay của xã hội, nhóm nhận ra rằng, sự chủ động để tự đổi mới và đón nhận đổi mới là vô cùng quan trọng. Vì thế, nhóm quyết định tổ chức chuỗi sự kiện “Việt Nam Innovation Summit”, xoay quanh chủ đề “Active Self”, nhấn mạnh vào tính cá nhân và sự chủ động của người trẻ.

Lĩnh vực đầu tiên mà TeamX đề cập tới là “Học chủ động”. Tháng Tư vừa qua, TeamX Hanoi đã thực hiện chiến dịch “Active Learning”, nhằm thay đổi cách học thụ động thầy đọc – trò chép truyền thống. Thông qua các “workshop”, tọa đàm với những chuyên gia giáo dục, TeamX muốn người trẻ tiếp cận phương pháp học chủ động mà nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng, đó là mỗi sinh viên phải tự lập kế hoạch học tập cho bản thân để đạt được mục tiêu của riêng mình. Sinh viên sẽ xem video, đọc tài liệu ở nhà và thảo luận trên lớp, dưới sự hướng dẫn và trợ giúp của giảng viên. Cách học chủ động này sẽ kích thích sinh viên tư duy độc lập, khoa học hơn.

Đội ngũ TeamX.

Đến tháng Năm, TeamX Hồ Chí Minh khởi động chiến dịch thứ hai, mang tên “Art Actually”. Chiến dịch này hướng mọi người tới sự đổi mới trong tư duy tiếp cận nghệ thuật. Thay vì thưởng thức nghệ thuật theo cách thông thường là ngắm tranh thì đến triển lãm, nghe nhạc thì tham gia các buổi biểu diễn trong khán phòng, các bạn trẻ của TeamX lại đưa nghệ thuật về với không gian gần gũi nhất: Cuộc sống. Với sự hỗ trợ của một số nhiếp ảnh gia, TeamX đã có những khung hình đầy cảm xúc để kể câu chuyện về “cuộc hội ngộ” giữa nghệ thuật và người Sài Gòn. Những bức ảnh về khoảnh khắc nụ cười, về những phút giây lao động… được treo trong không gian triển lãm đặc biệt là… bến xe buýt. Theo cách thật giản dị ấy, nghệ thuật đã không còn mang tính hàn lâm mà trở nên gần gũi, dễ mến và dễ “chạm” vào hơn.

Kêu gọi sự chủ động, TeamX cũng muốn bảo vệ sự chủ động. Trong cuộc sống, không ít sự chủ động đã bị “dìm chết” bởi thói quen ưa chỉ trích, phê phán của người Việt. Trong một lớp học đông đúc, thầy hỏi không ai dám giơ tay phát biểu nhưng có thể chỉ cần một cánh tay đưa lên là trong lớp sẽ xuất hiện những lời xì xầm nói xấu: “Rảnh”, “Thích thể hiện”… Trong xã hội, nhiều ý tưởng độc đáo, táo bạo cũng bị coi là điên rồ, bị “ăn” đủ loại “gạch đá”. Cái nguy hiểm nhất của những chỉ trích không mang tính xây dựng đối với một ý tưởng mới, không phải là khiến cho cá nhân đó cảm thấy ý tưởng của mình không đủ tốt, mà khiến cho cá nhân đó có ý nghĩ rằng, sự thay đổi, cái mới mẻ là cái sai và sẽ không bao giờ được xã hội công nhận.

Ý nghĩ đó dần dần được xây dựng và kéo theo một nỗi sợ không dám nghĩ khác, không dám thể hiện bản thân, đổ lỗi cho chính mình và hàng loạt các rào cản ý chí và cảm xúc khiến con người trở nên thụ động, e dè. Chính những “Hate Speech – Phát ngôn gây thù ghét” đã làm sói mòn những con người chủ động, làm thui chột những sáng kiến, ngăn cản sự cải tiến xã hội. TeamX Hanoi đang thực hiện chiến dịch thứ ba: “Social Empathy”, nhằm thức tỉnh vai trò của mỗi cá nhân đối với sự thấu cảm xã hội, để mọi người nhìn nhận một cách đúng đắn về những hệ lụy của “Hate Speech”. Bộ ảnh Nói cho sướng mồm, với những câu quen thuộc mọi người thường dùng để phán xét, chỉ trích, do TeamX thực hiện, đã nhận được gần 5.000 lượt “thích” và hơn 7.000 lượt chia sẻ. Tháng Bảy này, TeamX sẽ thực hiện chiến dịch cuối cùng về lĩnh vực Khoa học – Công nghệ. Bốn chiến dịch trên là 4 mảnh ghép quan trọng cho sự kiện “Vietnam Innovation Summit” được tổ chức vào cuối tháng Tám tới.

ĐỘNG LỰC CỦA NHỮNG BẠN TRẺ TRUYỀN CẢM HỨNG

Sự thay đổi thực sự bằng hành động khi những bạn trẻ  được truyền cảm hứng sau các sự kiện mới thực sự là nguồn động lực lớn lao và ý nghĩa đối với TeamX. Kỷ niệm khiến đội ngũ TeamX bất ngờ và xúc động nhất là một bạn sau khi tham dự sự kiện “Active Learning: Một phương pháp học mới” đã quyết định đăng ký tham gia Ban Tổ chức “Vietnam Innovation Summit”, mặc dù bạn ấy đã chuẩn bị ra trường và đi làm.

Linh bày tỏ: “Những gì TeamX làm là hoàn toàn vì cộng đồng và hơn ai hết, chúng mình hiểu, sự thay đổi của cộng đồng không thể nhìn thấy được trong ngày một ngày hai. Tuy nhiên, những chia sẻ của các bạn như vậy thực sự là động lực to lớn để chúng mình tiếp tục thực hiện công việc. Chúng mình chỉ hy vọng, một phần nào đó toàn bộ chiến dịch và sự kiện sẽ truyền cảm hứng để các bạn trẻ muốn bắt đầu hành trình chủ động và thay đổi bản thân, từ đó, nhận ra rằng, cải tiến không phải chỉ có thể đến từ những chuyên gia, vị trí của người trẻ cũng không phải chỉ là những người chờ đợi một cách thụ động. Người trẻ, khi đã “Active Selft” thì hoàn toàn có thể tạo ra “Innovation”.

Hồng Giang

svvn

BÌNH LUẬN