Người dân Amsterdam cảm thấy họ như một du khách đi lạc khi hàng loạt cửa hàng, khách sạn mọc lên làm thay đổi bộ mặt thành phố.

Hiện nay, Amsterdam thực hiện hàng loạt biện pháp để kiểm soát các bất lợi do du khách ồ ạt kéo tới. Chính quyền thành phố bắt đầu bằng việc xử phạt nặng tay các vụ thuê nhà qua Airbnb không tuân theo quy định.

Tháng 10, Amsterdam cũng đưa ra lệnh cấm xây dựng khách sạn mới, tăng thuế các phòng cho khách du lịch thuê và cấm xây thêm bất kỳ cửa hàng phục vụ du khách ở khu trung tâm, Guardian đưa tin ngày 1/11.

ac-mong-cua-nguoi-amsterdam-vi-phai-don-qua-nhieu-du-khach

Lượng khách đến Amsterdam quá đông khiến người dân nơi đây luôn cảm thấy “Amsterdam không còn là Amsterdam”. Ảnh: Guardian.

Trước đó, trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Amsterdam quyết định đầu tư vào du lịch như phương thức phục hồi. Sebastiaan Meijer, người phát ngôn của hội đồng thành phố về các vấn đề kinh tế, cho biết: “Cuộc khủng hoảng là cú sốc nghiêm trọng trong lĩnh vực tài chính. Chúng tôi nhận thấy du lịch là phao cứu sinh của mình”.

Do đó, trong nhiều năm, chính quyền thành phố tích cực kích thích các nhà đầu tư bất động sản xây dựng khách sạn, tổ chức các chiến dịch để tiếp thị Amsterdam là điểm du lịch hấp dẫn trên thế giới.

Trong khoảng 10 năm, số lượng khách thuê phòng ở Amsterdam tăng 61%. Tổng số khách tới đây nhảy vọt từ 11 triệu người vào năm 2005 tới gần 18 triệu vào năm 2016, trong khi thành phố có 850.000 cư dân sinh sống.

Những con phố và ngõ ngách trở nên quá nhỏ hẹp. Theo Meijer dự kiến, số lượng khách du lịch tới đây sẽ tiếp tục tăng lên 23 triệu người vào năm 2030. Ông khẳng định: “Bây giờ chúng tôi nhận ra chúng tôi cần phải hiểu rõ vấn đề. Amsterdam muốn trở thành một thành phố hiếu khách, nhưng du lịch đại chúng thực sự mang lại nhiều hạn chế”. Họ đang xem xét lại chính sách thu hút khách tới đây. Chính quyền đang đề ra thông điệp mới: Đến Amsterdam, nhưng hãy biết cư xử”.

Đối với người dân địa phương, lượng du khách ồ ạt kéo tới thực sự là nỗi ác mộng. Els Iping, 64 tuổi, là một chuyên gia trang điểm cũng là một cư dân ở thành phố này. Trong suốt 10 năm qua, bà chứng kiến sự thay đổi trong khu phố của mình khi lượng du khách tăng.

ac-mong-cua-nguoi-amsterdam-vi-phai-don-qua-nhieu-du-khach-1

Người dân địa phương cũng phàn nàn về việc du khách đến đây chỉ thích tới thăm khu Phố đèn đỏ. Ảnh: Guardian.

Bà có nhiều trải nghiệm không vui vẻ với du khách và coi đây là một điều hết sức bình thường. Cuối tuần trước, Els Iping bắt gặp một nhóm nam du khách mặc váy hồng, trong tình trạng say xỉn đổ rượu hoa quả trước cổng. Iping nói: “May mắn là họ chưa đổ rượu vào thùng cây của tôi. Cứ cuối tuần, từ chiều thứ 5, lại vang lên những tiếng la hét và kêu gào của du khách. Và họ cứ thế xả rác!”.

Những ngôi nhà của người đánh cá, thợ làm tóc hay các cửa hàng đóng giày đều biến mất. Không khí ở các khu dân cư khác hẳn so với trước đây. Các cửa hàng cho người dân cũng được thay thế bởi cửa hàng phục vụ du khách.

Iping chia sẻ: “Điều này khiến bạn cảm thấy như một du khách đang lạc trong chính thành phố của bạn. Ngay cả du khách cũng bắt đầu phàn nàn về điều này, bởi những gì họ nhìn thấy là các du khách khác”.

Els Iping cảm thấy vui mừng khi chính quyền nhận ra được điều họ cần làm, nhưng cũng cho rằng những hành động này đã quá muộn. Các biện pháp chính quyền đang thực hiện dường như chủ yếu đối phó với những lời phàn nàn do cư dân địa phương gửi tới.

Nhiều người cũng chỉ trích rằng, du lịch ồ ạt đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới sự gắn kết trong xã hội. Các cư dân có xu hướng chăm sóc khu phố nơi mình ở, trong khi, du khách tới đây thường chỉ yêu thích việc mình có kỳ nghỉ vui vẻ.

Bert Nap, một giáo viên và nhà văn Pháp, 59 tuổi cũng là một trong những người chứng kiến sự biến đổi mạnh mẽ ở Amsterdam. Ông cho biết, Amsterdam luôn quảng bá là nơi mọi người tự do làm điều mình thích, vì vậy, du khách tới đây tận hưởng những bữa tiệc hoang dã, việc mà họ không bao giờ làm được ở nhà”. Nhiều du khách thậm chí coi Amsterdam như một loại công viên giải trí.

Amsterdam không phải là thành phố châu Âu duy nhất nơi người dân phải chịu đựng số lượng du khách ngày càng vượt quá mức. Trong mùa hè năm 2017, cư dân thành phố Venice và Barcelona cũng có các cuộc biểu tình, phản đối các tác động tiêu cực của du lịch đại chúng.

Vân Phạm

vnexpress

BÌNH LUẬN