Điều quan trọng hạn chế ô nhiễm sông hồ là sự tham gia của các tình nguyện viên và nâng cao nhận thức của người dân.
Hai hình ảnh khác biệt ở Ao Chéo, Hồ Tây, sau khi được dọn sạch. Ảnh: CECR. |
Bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR), hôm qua nêu rõ sau khi thực hiện các dự án giám sát các hồ ở Hà Nội từ năm 2010, tổ chức này đã góp phần làm sạch một số khu vực.
Bà Lý chia sẻ trong sự kiện kỷ niệm Ngày quan trắc chất lượng nước thế giới (18/9) do Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam tổ chức.
Điểm nổi bật trong các dự án của CECR là kêu gọi chính cộng đồng ở khu vực có hồ bị ô nhiễm tham gia. Các tình nguyện viên cùng dọn sạch các khu vực có rác thải và được hướng dẫn để nâng cao nhận thức.
Bà Lý công bố hình ảnh cho thấy sự khác biệt lớn tại một số địa điểm sau khi được dọn sạch, trong đó có Ao Chéo, thuộc Quảng An, khu vực Hồ Tây. Từ năm 2010 đến 2015, CECR thực hiện giám sát chất lượng nước ở hơn 20 hồ tại Hà Nội. Hiện tổ chức này vẫn đang xúc tiến các dự án tương tự.
“Chúng tôi đang xúc tiến kế hoạch giúp làm sạch Hồ Tây, vì nó đang bị ô nhiễm rất nặng. Hy vọng sẽ có được nguồn tài trợ trong năm sau”, bà Lý cho biết.
Bên cạnh đó, CECR cũng thực hiện các dự án ở các tỉnh Sơn La, Bắc Ninh, Quảng Nam, Bình Dương và Đà Nẵng. Từ năm ngoái đến nay, một nhóm 37 tình nguyện viên thường xuyên giám sát việc xả nước thải ở vịnh Thọ Quang, Đà Nẵng. Giám đốc CECR khẳng định các cá nhân đóng vai trò rất quan trọng trong việc xử lý ô nhiễm các sông hồ.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius khẳng định mọi người đều muốn nước ở sông, hồ và biển ở Việt Nam sạch, vì đó là nguồn nuôi dưỡng cá. Tất cả mọi người đều muốn có nước an toàn dùng cho sinh hoạt.
Ông cảnh báo rác thải và ô nhiễm từ các nguồn trên đất liền đều có thể lan tới hệ thống sông, hồ và biển. Do đó mọi người cần có trách nhiệm để bảo vệ môi trường chung.
Khánh Lynh
Nguồn: vnexpress.net