Các con Thanh Thảo chỉ ăn một bữa tại lớp. Bữa ăn này được giám sát rất kỹ về cả độ ngon lẫn chất lượng an toàn thực phẩm.

Cựu người mẫu Thanh Thảo, vợ ca sĩ Hoàng Bách, đã chia sẻ trên trang cá nhân bài viết về chiếc xe chở đầy thực phẩm thối rữa được cung cấp cho một trường tiểu học trên địa phận tỉnh Vĩnh Phúc. Chiếc xe bị nhiều bậc phụ huynh chặn lại, áp tải tới trường để đề nghị làm rõ sự việc.

hoc-mam-non-tai-nha-cach-bao-ve-con-khoi-thuc-phm-bn-cua-vo-hoang-bach

Dòng trạng thái Thanh Thảo chia sẻ trên mạng xã hội ngày 13/9.

Trao đổi với phóng viên Ngoisao.net, Thanh Thảo cho biết, chị từng nghe thấy nhiều tin tức tương tự trước đó, nhưng mỗi lần đều cho cảm xúc đau xót, lo sợ đến rùng mình.

“Nhìn các con hàng ngày tới trường ăn những bữa cơm không đảm bảo chất lượng, tôi nghĩ, hay là mình để con ở nhà rồi tự tay chăm sóc cho cẩn thận. Nhưng điều đó là không thể. Chuyện như trên lặp đi lặp lại đã nhiều. Tôi tự hỏi nguyên nhân do đâu, tại sao không thể giải quyết triệt để? Có lẽ hệ thống quản lý của mình còn lỏng lẻo. Những kẻ chỉ nghĩ tới cái lợi trước mắt đã lợi dụng kẽ hở để len vào”, bà xã ca sĩ Hoàng Bách chia sẻ.

Cựu người mẫu cho biết, chị rất thận trọng trong việc lựa chọn trường học cho con. Bé Tê giác, con trai đầu lòng của Thanh Thảo, được học tại trường mầm non do người bạn của chị mở. Tại đây, cô giáo và các bé cùng nhau trồng rau trên mảnh vườn do trường thuê. Nguồn thực phẩm cung cấp cho bữa ăn hàng ngày ở lớp chính là những nông phẩm sạch được thu hoạch tại vườn. Ngoài ra, trường khuyến khích phụ huynh trồng rau, chăn nuôi để quyên góp cho nhà bếp. Vợ chồng ca sĩ Hoàng Bách cũng cải tạo một khoảng vườn nhỏ tại quê để có thêm rau sạch ủng hộ bữa ăn của các con.

Thanh Thảo quan niệm, với độ tuổi đi học mầm non, bé chỉ cần được vui chơi và ăn uống đảm bảo. Chị không ưu tiên những trường học danh tiếng hay tổ chức giáo dục được nhiều người ca ngợi.

“Tôi chọn trường cho con dựa vào niềm tin. Ở đâu cho tôi sự an tâm, tôi sẽ gửi con cho nơi đó”, mẹ bé Tê giác chia sẻ.

hoc-mam-non-tai-nha-cach-bao-ve-con-khoi-thuc-phm-bn-cua-vo-hoang-bach-1

Gia đình Thanh Thảo, Hoàng Bách hiện có hai con vào tuổi đến trường.

Khi Tê giác bước chân vào lớp 1, bé Meo Meo, con gái thứ hai của Thanh Thảo, đến tuổi đi mẫu giáo. Với Meo Meo, vợ Hoàng Bách không cho bé tới lớp mà chọn cho con hình thức “trường mầm non homestay”. Thanh Thảo cùng một số phụ huynh tập hợp khoảng 5-7 bé độ tuổi 3-5. Các chị thuê một căn hộ chung cư với điều kiện phù hợp, lên kế hoạch trang trí lớp và mời giáo viên, tuyển đầu bếp.

Cựu người mẫu cho biết, việc lựa chọn giáo viên rất quan trọng, phải đảm bảo nhiều tiêu chí. Thông thường, nhiệm vụ này sẽ được đảm nhận bởi một bậc phụ huynh có chuyên môn, hiểu biết về sư phạm. Đầu bếp của các bé là một phụ nữ trung niên, giàu kinh nghiệm nấu ăn trong trường học. Toàn bộ thực phẩm cung cấp cho lớp đều được mua tại các siêu thị uy tín, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Trước thềm năm học mới, cô giáo (người Philippines) sẽ gửi tới các bậc phụ huynh bản giáo án tham khảo. Cô cùng các mẹ tổ chức buổi họp để trao đổi ý kiến, đưa ra quan điểm và thống nhất chương trình học trong năm cho các con.

Bà xã ca sĩ Hoàng Bách cho biết, hình thức “trường mầm non homestay” có nhiều ưu điểm so với các mô hình trường mẫu giáo truyền thống. Các phụ huynh được chủ động việc thuê địa điểm, tiết kiệm thời gian đưa đón con sau giờ học. Quy mô lớp nhỏ, chỉ 5-7 bé nên cô giáo dễ dàng quan tâm, chăm sóc từng bé. Mỗi bà mẹ đều được đóng góp ý kiến về giáo trình học, thực đơn hàng ngày và trực tiếp giám sát. Lớp học của Meo Meo có cô giáo là người nước ngoài, nhờ đó, các bé tiếp cận với tiếng Anh sớm, học giao tiếp một cách tự nhiên.

hoc-mam-non-tai-nha-cach-bao-ve-con-khoi-thuc-phm-bn-cua-vo-hoang-bach-2

Con gái Thanh Thảo, Hoàng Bách tại ‘lớp học homestay’.

Tuy vậy, “trường mầm non homestay” còn một số nhược điểm: Trang thiết bị chưa chuyên nghiệp, số lượng phụ huynh không nhiều nên kinh phí đầu tư cho việc mua sắm đồ chơi, đồ dùng dạy học còn hạn chế. Vì lớp học được tổ chức dựa trên nhu cầu của các bậc phụ huynh, nên khi các bé hết tuổi mầm non, hoặc gia đình muốn thay đổi hình thức học, lớp học sẽ bị tan rã. Mức học phí trung bình cho các bé tham gia lớp học này vào khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng. Cần từ 5-7 bé trở lên mới đủ kinh phí để duy trì lớp học.

Bà xã Hoàng Bách đặc biệt quan tâm đến vấn đề thực phẩm của con khi đi học. Nếu như chị cho Meo Meo học ở “trường mầm non homestay” để có điều kiện theo dõi sát sao thì với bé Tê Giác đang theo học lớp 5 tại một trường tiểu học, chị luôn giữ thói quen hỏi con về thực đơn ở trường, mức độ hài lòng của con. Nếu con nói thời gian này nhà bếp nấu không ngon, hoặc có dấu hiệu bất thường, chị sẽ cùng các phụ huynh khác đưa ý kiến tới ban giám hiệu. Thanh Thảo cho biết, trường học của Tê giác đa phần là phụ huynh trẻ, có hiểu biết. Họ quan tâm tới con cái và sẵn sàng đấu tranh để bảo vệ con. Nhờ vậy, khi Tê giác học ở đây, bà xã Hoàng Bách rất yên tâm.

Cựu người mẫu cho rằng, việc đấu tranh tới cùng khi phát hiện sai phạm trong giáo dục là điều cần thiết. Khi gặp chuyện không vừa ý, phụ huynh quyết định chuyển trường cho con thì những học sinh còn lại vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng bởi điều đó.

“Nếu những điều tương tự xảy đến với con tôi, tôi sẽ làm mọi cách để sáng tỏ mọi việc. Các bậc phụ huynh có thể chung tay lại, tìm tới các cơ quan chức năng, thậm chí mời luật sư. Cuối cùng, phải tìm ra đâu là nguyên nhân và ai sẽ là người chịu trách nhiệm”, bà mẹ hai con chia sẻ.

Lam Trà

Nguồn:ngoisao.net

BÌNH LUẬN