Bắt đầu với vụ án bí ẩn, tác phẩm mở ra thế giới khắc nghiệt, thiếu vắng luật pháp được xem như góc khuất đen tối của nước Mỹ.

Tác phẩm do Taylor Sheridan đạo diễn kiêm biên kịch, gây chú ý ở Liên hoan phim Cannes (Pháp) với giải “Đạo diễn xuất sắc” trong hạng mục “Nhãn quan độc đáo” (Un Certain Regard). Trước đây, nhà làm phim cũng từng ghi dấu ấn khi viết kịch bản Sicario (2015) và Hell or High Water (2016). Ba tác phẩm này được giới phê bình xem là một bộ ba có liên quan đến nhau, cùng phản ánh những chủ đề chung về góc khuất nước Mỹ.

Wind River mở đầu với những bước chạy nặng trĩu của cô gái da đỏ Natalie (Kelsey Asbille) trên cánh đồng tuyết bất tận, dưới đêm tối và giá lạnh của vùng núi Wyoming (Mỹ). Cô ngã gục xuống nền tuyết với máu và nỗi sợ hãi ngập tràn. Sau đó, thi thể nạn nhân được thợ săn Cory Lambert (Jeremy Renner) phát hiện.

Jane Banner (Elizabeth Olsen) – nữ đặc vụ FBI trẻ tuổi chưa có kinh nghiệm – đến điều tra. Bác sĩ xác định nạn nhân bị hiếp dâm trước khi chết, còn cảnh sát phát hiện Natalie đang hẹn hò với một người chưa rõ danh tính trước khi gặp nạn. Lần theo các manh mối, Jane và Cory dần tiến sâu vào vùng đất giá lạnh, nơi được chính phủ Mỹ dùng làm khu bảo tồn cho người da đỏ sinh sống.

Trong Wind River, hai nhân vật chính Cory và Jane được xây dựng bằng thủ pháp đối lập. Cory chậm rãi hiện lên với hình ảnh một thợ săn thuần thục, một ông bố chịu nỗi đau mất con cùng gia đình tan vỡ. Với sự chai sạn và kỹ năng bắn súng, anh trở thành điểm tựa tinh thần cho những người xung quanh, từ Jane cho đến Martin (Gil Birmingham) – người bố da đỏ của Natalie. Đối lập với Cory là Jane, nữ đặc vụ trẻ non nớt cả trong những chuyện nhỏ nhặt như tìm đường và mặc đủ ấm trong bão tuyết.

Những nhân vật phụ với đất diễn ít hơn cũng được khắc họa tinh tế. Martin có thể buông ra những lời cay độc với Jane rồi sau đó ôm chầm Cory nức nở. Cô vợ của người thợ săn (Julia Jones) có ánh mắt quan tâm nhưng giọng điệu dường như vẫn chưa thể tha thứ cho Cory và chính mình vì những sai lầm trong quá khứ.

Phần lời thoại trong Wind River cô đọng thành những câu đắt giá, dễ dàng in sâu vào tâm trí người xem. Nổi bật trong số đó là những lời đầy chất tự sự của Cory. Anh khuyên Martin chấp nhận và vượt qua nỗi đau, khuyên Chip (Martin Sensmeier) – con trai Martin – kiểm soát giận dữ, cũng như dùng dụ ngôn “không có sự may mắn trong sinh tồn” để ngợi khen sự tranh đấu của Jane.

phim-wind-river-goc-khuat-dang-sau-thi-the-co-gai-bi-hiep-dam

Elizabeth Olsen thủ vai nhân viên FBI thiếu kinh nghiệm.

Sự chuyển biến trong tâm lý nhân vật được dẫn dắt khéo léo. Từ chỗ khá bực bội vì sự chậm trễ của Jane, Cory dần có được thiện cảm với cô khi thấy sự dũng cảm của nữ đặc vụ FBI. Đối với Jane, từ sự phòng thủ lúc đầu khi trốn vào nhà vệ sinh để Cory không thấy mình khóc, nữ đặc vụ dần mở lòng hơn và giải tỏa những cảm xúc trước mặt người bạn đồng hành.

Yếu tố điều tra trong phim khá đơn giản khi so sánh với các phim cùng thể loại như Zodiac của đạo diễn David Fincher. Về tổng thể, câu chuyện xen kẽ giữa những cuộc trao đổi, những lần truy tìm dấu vết và những pha đấu súng khốc liệt. Ở những phân đoạn khắc họa tâm lý, cách điều tiết nhịp độ của Sheridan mang lại những khoảnh khắc vừa đủ để người xem nhận thấy sự chuyển biến ở nhân vật. Với phân đoạn đấu súng dữ dội ở cuối phim, lối ngắt nhịp của anh hiệu quả khi giúp khán giả kịp định hình những diễn biến rất nhanh và phức tạp vừa xảy ra .

Cùng với Sicario và Hell or High WaterWind River tiếp tục khai thác một đề tài gai góc trong xã hội Mỹ – sự lãng quên tình cảnh kiệt quệ của cộng đồng người da đỏ khiến họ đang dần bị đẩy vào những vùng đất khắc nghiệt. Ở nơi hẻo lánh và tách biệt, pháp luật không còn được duy trì đúng mực, thể hiện qua con số lớn những vụ giết người hay cưỡng hiếp không được điều tra. Với tình trạng đó, thế hệ trẻ người bản địa trở nên nghiện ngập và tha hóa, còn thế hệ lớn hơn sống cam chịu vì với họ, vùng đất này là tất cả những gì chưa bị tước đoạt.

phim-wind-river-goc-khuat-dang-sau-thi-the-co-gai-bi-hiep-dam-1

Cory trò chuyện với Martin.

Trong lần thứ hai đạo diễn, nhà làm phim khởi nghiệp ở ngoài tuổi 40 có nhiều dấu ấn về hình ảnh và âm thanh. Cái chết mở đầu cho một tác phẩm hình sự không mới, nhưng đạo diễn tạo khác biệt khi thể hiện sự đau đớn trên nền những câu thơ với giọng đọc của chính nạn nhân. Cũng giống cách đạo diễn Stanley Kubrick sử dụng bản giao hưởng The Thieving Magpie của Rossini để tạo chất thơ cho cảnh bạo lực kinh điển trong A Clockwork Orange, những câu thơ da diết nhuộm lên cái chết của Natalie một sự ai oán mà chỉ riêng phần hình ảnh chưa truyền tải hết.

Phần hình ảnh trong tác phẩm kết hợp giữa cái đẹp lẫn xấu xí, bao gồm những cảnh bình minh trên dãy núi, những trận tuyết rơi mênh mông trắng xóa, cho đến sự rách nát của những căn nhà di động hay sự rùng rợn của tử thi. Các trường đoạn đấu súng – xuất hiện và phá vỡ nhịp điệu yên ả – diễn ra gay cấn ở nhiều góc quay.

Tác phẩm có hai cú cắt cảnh thú vị thông qua trung gian là một cánh cửa. Ở lần cắt thứ hai, Sheridan cài thêm một đoạn hồi tưởng táo bạo dài hơn năm phút. Sau khi Jane gõ cửa trong hiện tại, phim tiếp nối bằng cảnh Matt (Jon Bernthal) – bạn trai của Natalie – mở cửa trong quá khứ, hé lộ câu chuyện bi kịch.

phim-wind-river-goc-khuat-dang-sau-thi-the-co-gai-bi-hiep-dam-2

Một cảnh thiên nhiên trong phim.

Trong hai vai chính, Jeremy Renner và Elizabeth Olsen – những người từng đóng chung trong loạt phim của Marvel – ăn ý trong diễn xuất. Jeremy Renner nổi bật hơn và có thể xem đây là vai diễn đáng nhớ nhất của anh sau The Hurt Locker hay The Town. Ngoài việc thực hiện những kỹ năng khó như điều khiển mô-tô trượt tuyết, tài tử 46 tuổi thuyết phục người xem với ánh mắt diễn đạt sự sần sùi, rắn rỏi của nhân vật.

Olsen tròn vai cô nhân viên FBI thiếu kinh nghiệm nhưng dũng cảm. Nhân vật này gần giống vai của Emily Blunt trong Sicario – một nhân viên pháp quyền bị đặt vào lãnh địa của những kẻ dùng “luật rừng”. Trong khi đó, diễn viên Gil Birmingham truyền tải được sự khổ sở, cô độc của những người dân bản địa.

Tuy nhiên, bởi tuyến nhân vật có sự phân chia rõ rệt giữa thiện và ác, phim mới không mang đến cảm giác mơ hồ về đạo đức như Sicario hay Hell or High Water. Khi câu chuyện khép lại, người xem không có nhiều băn khoăn về sự đa chiều của nhân vật. Tác phẩm nêu được vấn đề xã hội, nhưng vẫn thiếu một chút sự chiêm nghiệm cần có đủ khiến nó được nhớ đến trong nhiều năm tiếp theo.

Phim khởi chiếu ở Việt Nam từ ngày 8/9 với tựa Việt là Vùng đất tử thần.

Minh Dương

Nguon: vnexpress

BÌNH LUẬN