Công nghiệp phụ trợ, công nghệ chế biến nông sản, thực phẩm… là những lĩnh vực Việt Nam muốn Pháp đẩy mạnh đầu tư khi EVFTA có hiệu lực.

Tại hội thảo trực tuyến về cơ hội đầu tư cho doanh nghiệpvới EVFTA chiều 8/7, nhiều doanh nghiệp Pháp bày tỏ sự chờ đợi hiệp định thương mại Việt Nam – EU có hiệu lực từ 1/8 tới.

Phụ trách phát triển thị trường châu Á của một thương hiệu nông sản Pháp, ông Vann Morel nói “chúng tôi đã chờ đợi EVFTA từ rất lâu”. Nông sản, công nghiệp chế biến thực phẩm, trong đó có sản phẩm đông lạnh sẽ là một trong những mặt hàng được hưởng ưu đãi thuế quan ngay khi EVFTA có hiệu lực khi thuế được giảm 50% trong 3 năm và giảm tiếp trong 5 năm tiếp theo.

Giảm thuế, ông Vann Morel cho biết, sẽ tác động nhiều mặt tới người sản xuất của Pháp, nhưng lại là cơ hội để các nông sản Pháp chen chân vào thị trường tiềm năng Việt Nam. “Chúng tôi đã lên kế hoạch để chuẩn bị, đối phó với việc giảm thuế, nên không có gì là trở ngại”, ông nói.

Mối quan tâm lĩnh vực xuất khẩu nông sản mà ông Vann Morel đề cập chỉ là một trong số rất nhiều sự “để mắt” tới thị trường Việt Nam của các doanh nghiệp Pháp khi các hàng rào thuế quan được gỡ bỏ bởi EVFTA.

Hội thảo trực tuyến tìm kiếm cơ hội đầu tư doanh nghiệp Pháp vào Việt Nam sau khi EVFTA có hiệu lực. Ảnh chụp màn hình
Hội thảo trực tuyến tìm kiếm cơ hội đầu tư doanh nghiệp Pháp vào Việt Nam sau khi EVFTA có hiệu lực. Ảnh chụp màn hình

Theo đại diện của Vụ Chính sách Thương mại Đa biên, Việt Nam đang có tiềm năng lớn với các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Pháp nói riêng trong lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm. Tuy nhiên, hiện hầu hết nông sản của Việt Nam xuất sang EU ở dưới dạng thô nên việc đầu tư vào công nghệ chế biến được cho là nhiều tiềm năng.

Nhắc tới chế biến nông sản, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đề cập đến câu chuyện của thương hiệu chocolate Maison Marou và mong có thêm nhiều thương hiệu Pháp thành công tại Việt Nam khi “kết hợp giữa nét độc đáo của nguyên liệu, sự khéo léo của nhân lực Việt Nam với ý tưởng kinh doanh, công nghệ, kinh nghiệm quản lý và phát triển thị trường của người Pháp”.

Cũng theo ông Tuấn Anh, ngoài xuất khẩu hàng hóa, Việt Nam cũng sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư EU nói chung, và Pháp nói riêng, khi có 14 FTA có hiệu lực với hầu hết đối tác thương mại lớn trên thế giới và EVIPA đang chờ có hiệu lực.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, Pháp hiện đứng thứ 3 về xuất nhập khẩu và thứ 2 về đầu tư vào Việt Nam. Trong 10 năm trở lại đây, giá trị thương mại hai chiều đã tăng hơn 3 lần từ khoảng 1,6 tỷ USD vào năm 2009 lên 5,3 tỷ USD vào năm 2019.

Luỹ kế 5 tháng đầu năm nay, Pháp đang có 588 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn gần 3,6 tỷ USD, đứng thứ hai trong số các nhà đầu tư châu Âu tại Việt Nam.

Nhưng ông Tuấn Anh cũng lưu ý, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động đổi mới tư duy kinh doanh, phương thức sản xuất và quản trị, đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng, theo kịp xu hướng phát triển của thị trường châu Âu.

Theo vnexpress.net

BÌNH LUẬN