Việc OhmniLabs ra mắt sản phẩm đầu tiên cũng như chạm mục tiêu 100.000 USD gọi vốn cộng đồng chỉ sau chưa đến 4 ngày đã khiến nhiều kênh truyền thông một lần chú ý tới cái tên Vũ Duy Thức.

Gặp gỡ Tiến sĩ ĐH Stanford Vũ Duy Thức: Nhà sáng lập đang chữa "căn bệnh" cô đơn của người Mỹ bằng cách thổi hồn vào startup robot OhmniLabs

Là gương mặt quen thuộc trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại khi nhận danh hiệu Tiến sĩ của ĐH Stanford danh giá ở độ tuổi 28, Vũ Duy Thức còn là niềm cảm hứng cho nhiều bạn trẻ khi tham gia sáng lập hàng loạt startup công nghệ mà mới đây nhất là OhmniLabs.

Việc OhmniLabs ra mắt sản phẩm đầu tiên cũng như chạm mục tiêu 100.000 USD gọi vốn cộng đồng chỉ sau chưa đến 4 ngày đã khiến nhiều kênh truyền thông một lần chú ý tới cái tên Vũ Duy Thức. Thực tế, thành công này không phải chỉ đến sau một đêm mà là thành quả của cả một chặng đường dài nỗ lực từ khi anh còn là sinh viên.

“Trong thời gian tới, hứa hẹn là chúng ta sẽ sớm có những robot có thể thực hiện được các công việc phức tạp như dọn dẹp, giặt đồ và nấu nướng. Nhưng phải mất rất nhiều công sức để giấc mơ đó trở thành hiện thực”, Vũ Duy Thức, đồng sáng lập OhmniLabs cho biết.


Anh Vũ Duy Thức

Anh Vũ Duy Thức

Anh cho rằng việc giới thiệu robot vào thị trường quốc nội phải được thực hiện với những thách thức từ sự phát triển của robot. Bên cạnh đó, những thứ thuộc về chuyên môn như phần mềm, cơ khí, điện, quá trình tạo mẫu, sản xuất và mở rộng sản xuất còn chậm và vô cùng tốn kém.

Anh Thức cũng lưu ý rằng chính giá thành quá cao là một trở ngại cho người dùng , “và đó là lý do tại sao chúng ta ít thấy có sự chấp nhận rộng rãi của robot trong gia đình “, anh nói.

Đó là lý do tại sao OhmniLabs khai thác sức mạnh của công nghệ in 3D và làm mọi thứ trong phòng thí nghiệm của họ ở California. Không giống các startup phần cứng khác là vẫn dựa vào các nhà sản xuất ở châu Á để giảm chi phí sản xuất, Ohmni chọn cách tự sản xuất robot tại địa phương.

“Chúng tôi có một quy trình sản xuất rất độc đáo dựa trên công nghệ sản xuất tiết kiệm. Và với các đột phá gần đây trong lĩnh vực này, chúng tôi tin rằng chi phí sẽ giảm rất nhanh và có khả năng cạnh tranh cao, thay vì phải gửi nó đến Trung Quốc để sản xuất. Nó cho phép chúng tôi sản xuất nhanh hơn và chúng tôi có thể đưa ra mô hình mới hàng tuần”, anh nói.

Hiện tại, đội ngũ Ohmni chỉ cần khoảng một ngày để sản xuất một robot, bao gồm thời gian in và chi phí nhân công. Thức cũng chỉ ra rằng, bằng cách sản xuất robot ở địa phương, họ có quyền kiểm soát về sự riêng tư và an ninh của sản phẩm của họ (ví dụ như những câu chuyện về các phần mềm gián điệp được cài đặt sẵn).


Vũ Duy Thức và hai người đồng sáng lập OhmniLabs bên cạnh robot Ohmni

Vũ Duy Thức và hai người đồng sáng lập OhmniLabs bên cạnh robot Ohmni

Anh cùng Jared Go từng sáng lập nhiều startup công nghệ được Google và Microsoft mua lại, hai người cũng là bạn cùng phòng đại học ở Carnegie Mellon, nơi họ theo học chuyên ngành khoa học máy tính. Sau đó cả hai cùng tới Stanford để học tiến sĩ, và họ đều đam mê về trí tuệ nhân tạo.

Tingxi Tan là một kỹ sư máy tính, mặc dù anh đã được đào tạo như một sĩ quan trong Lực lượng Vũ trang Singapore. Sau đó, anh chuyển đến thung lung Silicon để chuyên về kiến trúc hệ thống.

Họ kết hợp cùng nhau, và quyết định tập trung vào sản xuất các robot có thể tương tác, kết nối từ xa cho thị trường quốc nội, thay vì đi theo những lối mòn kinh doanh cũ.

“Ở nơi làm việc, có rất nhiều phương pháp khác nhau để giao tiếp… nhưng trong gia đình, có rất ít sự lựa chọn cho người dùng – đặc biệt là đối với người già”, anh nói.

Robot tương tác từ xa Ohmni được tạo ra như một robot gia đình, đặc biệt hướng tới những người cao tuổi. Đây là nhóm người dùng chủ yếu sống một mình, họ không thoải mái khi sử dụng các sản phẩm công nghệ hiện đại phức tạp, nhưng họ lại có nhu cầu thường xuyên liên hệ với các thành viên trong gia đình.

Anh Thức kể lại một số câu chuyện thú vị về các trải nghiệm của người dùng với robot Ohmni. Một cô bé có thể hát và nhảy cho bà ngoại mình xem, người mà cô bé chưa từng được gặp. Hoặc hai bà cháu có thể cùng xem một chương trình TV với nhau cho dù không cùng ở một nơi.


Cùng trò chuyện trong bữa tối qua robot Ohmni

Cùng trò chuyện trong bữa tối qua robot Ohmni

Cũng có một trường hợp khác, một người dùng robot Ohmni buộc phải đi xa vì yêu cầu kinh doanh, và không thể chăm sóc mẹ mình qua điện thoại. Anh trở nên lo lắng sau nhiều cuộc gọi nhỡ, vì vậy anh gọi điện qua Ohmni. Anh đã tìm thấy bà đang nằm liệt giường, không thể di chuyển do nhiễm khuẩn nặng, nhờ vậy anh đã sắp xếp được xe cứu thương cho mẹ mình tới bệnh viện.

Robot Ohmni có thể mang lại nhiều giá trị lớn lao cho mọi người. Mặc dù nó không thay thể cho sự tương tác mặt đối mặt, nhưng chắc chắn nó sẽ có ích. Chúng ta có thể cùng lúc vừa theo đuổi cuộc sống riêng của mình, vừa có thể kết nối được với những người thân yêu của mình ở nơi xa.

“Chúng tôi đã thấy những tác động tích cực to lớn trực tiếp đến người dùng. Đối với những người cao tuổi bắt đầu sử dụng robot, có một sự cải thiện đáng kể về hạnh phúc của họ. Chúng tôi thấy họ ngày càng trở nên tích cực hơn và cảm thấy thoải mái hơn, họ cảm nhận được sự hỗ trợ về tinh thần, đó là điều họ thiếu vì họ sống một mình “, Vũ nói.

“Sự cô đơn là một vấn đề lớn và nó có thể dẫn tới cái chết. Robot của chúng tôi có thể giúp giải quyết những thách thức này cho người cao tuổi”.

Trong tương lai, anh nghĩ rằng các robot trong gia đình sẽ có nhiều khả năng giống con người hơn, có sự tương tác nhiều hơn với môi trường xung quanh chúng. Anh cho biết thêm rằng, mục tiêu chính của họ là làm phong phú thêm sự tương tác giữa robot với con người.

Có lẽ chúng ta vẫn còn mất thêm nhiều năm nữa để sáng tạo ra những robot có khả năng ôm, nhưng ý tưởng công nghệ về những robot có thể kết nối thay vì cô lập như bây giờ cũng đủ cho chúng ta an tâm.

Huyền My

Theo Trí Thức Trẻ

BÌNH LUẬN