Thực tế cho thấy, ở lại trễ sau giờ làm việc cũng không thể chứng minh bạn là một người chăm chỉ, tận tụy. Ngược lại, những người thành công rất ít khi nào ở lại muộn sau giờ làm.

Đọc xong bài viết này hãy tắt máy tính đi, dũng cảm tag sếp vào và đứng lên ra về đúng giờ

Thời gian gần đây, thuật ngữ “Work-life Balance” (tạm dịch: cân bằng công việc và cuộc sống) đang ngày một trở thành khái niệm quen thuộc với người đi làm nói chung, đối tượng người trẻ nói riêng.

Hiểu một cách đơn giản, Work-life Balance là sự sắp xếp hợp lý giữa công việc như nghề nghiệp, tham vọng thăng tiến… và cuộc sống: sức khỏe, niềm vui, gia đình, hạnh phúc, phát triển tâm hồn.

Thế nhưng, khi bạn đầu tắt mặt tối, ngày nào cũng rời văn phòng khi mặt trời đã tối mịt thì liệu bạn có đảm bảo được sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc?

Các nghiên cứu từ chuyên gia Marianna Virtanen tại Học viện Sức khoẻ Nghề nghiệp của Phần Lan chỉ ra, làm việc quá sức, rời văn phòng muộn là nguyên nhân gây ra các hội chứng căng thẳng như trầm cảm, thiếu ngủ và uống nhiều rượu bia.

Trong khi đó, một nghiên cứu đối với các lao động Mỹ, Úc và Châu Âu cũng chỉ ra rằng, những người rời văn phòng muộn, làm việc từ 55 giờ trở lên mỗi tuần có nguy cơ đau tim là 33% so với tỷ lệ 13% ở những người chỉ làm việc 40 giờ một tuần.

Thực tế cho thấy, ở lại trễ sau giờ làm việc cũng không thể chứng minh bạn là một người chăm chỉ, tận tụy. Ngược lại, những người thành công rất ít khi nào ở lại muộn sau giờ làm.

Vì thế, hãy thử rời văn phòng đúng giờ, ngay hôm nay!

Đổi lại, bạn sẽ nhận về 4 lợi ích sau đây…

1. Rời văn phòng đúng giờ, bạn sẽ kiểm soát công việc tốt hơn

Thật vậy, chỉ bạn mới có thể kiểm soát và hoàn thành được công việc trước khi hết giờ. Trong công ty, sẽ không ai thông báo: Tắt máy tính thôi. Đến giờ về nhà rồi!

Điều này có nghĩa là, bạn buộc phải kiểm soát bản thân để hoàn thành công việc và rời khỏi bàn làm việc đúng 5 giờ chiều. Vì đó là công việc của chính bạn, bạn phải tự nắm lấy vấn đề và tìm cách giải quyết chúng.

2. Làm được việc nhiều việc hơn trong ngày

Khi đã có thói quen “rời văn phòng đúng giờ”, bản thân chúng ta sẽ học được cách tối ưu hóa thời gian làm việc của mình: giảm bớt thời gian nghỉ trưa, bỏ qua những chuyện phiếm trong giờ làm và tập trung hơn nữa vào công việc của mình.

Đó là thực sự là một thay đổi lớn, và chắc chắn bạn có thể điều chỉnh để hoàn thành công việc tốt hơn trong thời gian ngắn hơn bình thường.

Nếu đang gặp vấn đề về quản lý thời gian, hãy thử một vài phương pháp khác như: kỹ thuật quản lý thời gian Pomodoro để phân chia lịch trình hiệu quả hơn, hoặc phương pháp Eisenhower của Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Dwight Eisenhower.

3. Thêm thời gian cho bản thân và gia đình hơn

Bạn có thể yêu thích công việc đến điên cuồng, thường xuyên ở lại cơ quan muộn để hoàn thành công việc và nghĩ mình làm mọi thứ rất tốt. Bạn có thể không mệt mỏi, nhưng khi bạn cho phép mình rời ra về đúng giờ, bạn sẽ có thêm 1 – 2 giờ cho bản thân mỗi tối.

Thời gian rảnh nhiều hơn cho phép bạn ở bên gia đình, trò chuyện với người thân, đọc sách và thậm chí, bạn còn có thời gian để sắp xếp công việc cho ngày hôm sau, và hôm sau nữa.

4. Trái đất vẫn quay ngay cả khi phần việc bạn chưa hoàn thành xong để đến ngày mai

Có thể bạn sẽ không thể nhận ra điều này cho tới khi thực hiện việc về đúng giờ. Khi có ý thức “phải ra về đúng giờ”, chúng ta sẽ có xu hướng chăm chú hết sức vào danh sách công việc cần làm.

Thời gian đầu, điều này sẽ khiến bạn bị ám ảnh khủng khiếp với việc kiểm tra hòm thư để đảm bảo mọi email đều được đọc sớm nhất. Nhưng rõ ràng, việc này tốn quá nhiều thời gian.

Đa số các bức thư có thể không nhất thiết được phản hồi ngay lập tức và có thể đợi đến hôm sau để được phản hồi. Thực tế, sự khẩn cấp của việc gì đó phụ thuộc vào cách bạn nghĩ. Ở đây chúng ta không trì hoãn mọi việc đến hôm sau, nhưng bạn nên biết việc nào cần kíp và việc nào có thể trì hoãn.

Trong cùng khoảng thời gian 8 tiếng mỗi ngày, những người ra về đúng giờ chắc chắn quản lý thời gian tốt hơn và có khả năng xử lý công việc trong giới hạn cho phép hiệu quả hơn.

Hơn hết, chúng ta cần có cuộc sống ngoài công việc để cân bằng và tái tạo năng lượng. Đừng dùng toàn bộ thời gian của bạn tại nơi làm việc, hãy lập kế hoạch làm việc cụ thể và tan làm đúng giờ mỗi ngày!

Huyền My

Theo Trí Thức Trẻ

BÌNH LUẬN