Có mà gì Elon Musk không thể làm?
Là CEO của SpaceX, CEO của Tesla, và là đồng sáng lập OpenAI, Musk dường như có mặt trên mọi lĩnh vực, thúc đẩy mọi loại công nghệ mới khó tin. Elon Musk từng được nói là sẽ không hạnh phúc cho đến khi chúng ta thoát khỏi Trái Đất và lên Sao Hỏa.
Mới đây, Tesla đã ra Model 3 – mẫu xe 35.000 USD có thể trở thành tấm vé vàng vào tương lai xe điện của thế giới.
Nào là tên lửa không gian, xe ô tô điện, pin năng lượng mặt trời, nghiên cứu robot sát thủ và hàng tỷ tỷ USD cũng những thứ khác, Musk thực sự là hiện thực của Tony Stark – đó là lý do tại sao anh được xem là “Người Sắt”.
Business Insider cho biết, mọi thứ không phải lúc nào cũng dễ dàng với Elon Musk. Anh từng là một cậu bé thường xuyên bị bắt nạt khi đang đi học, và rồi anh đã trở thành doanh nhân, thành CEO của các công ty lớn trên thế giới.
Elon Musk sinh ngày 28/6/1971 ở Pretoria, Nam Phi. Bố anh là một kỹ sư điện tử, từng nói rằng: “Elon là một nhà tư tưởng nội tâm. Vì thế khi mọi người đến dự tiệc, tán gẫu, nói chuyện vui vẻ, uống rượu thì Musk sẽ chui đầu vào thư viện và đọc hết các cuốn sách trong đó”.
Mẹ của Elon là Maye Musk, một người Canada, là một người mẫu ăn kiêng chuyên nghiệp từng xuất hiện trên trang bìa của tạp chí Time.
Năm 1979, bố mẹ của Musk ly hôn. Cậu bé Musk lúc đó 9 tuổi và em trai Kimbal quyết định sống với bố. Năm 1983, 12 tuổi, Musk đã bán một trò chơi đơn giản là Blastar cho một tạp chí máy tính với giá 500 USD. Musk từng nói “đó là một game nhỏ”. Tuy nhiên, những ngày đi học của Musk không dễ dàng. Anh từng bị một nhóm những kẻ chuyên bắt nạt trẻ em ném xuống cầu thang và đánh anh đến thâm tím mặt mày.
Sau khi tốt nghiệp trung học, Musk chuyển đến Canada, cùng với mẹ, chị gái Tosca và em trai Kimbal. Anh đã học 2 năm ở trường Đại học Queen ở Kingston, Ontario, nhưng cuối cùng anh đã tốt nghiệp ở trường Đại học Pennsylvania, trở về nhà với hai bằng đại học về Kinh tế và Vật lý.
Trong khi đang học ở Đại học Pennsylvania, Musk đã cùng vứi người bạn học thuê một căn nhà có 10 phòng ngủ và biến nó thành một câu lạc bộ đêm. Đó là một thử nghiệm kinh doanh ban đầu của Musk.
Sau khi tốt nghiệp, Musk đã đến trường Đại học Stanford để học PhD. Nhưng anh chỉ ở đó được 2 ngày và quyết định thử vận may trong cuộc bùng nổ dot-com mới bắt đầu nổ ra. Anh chưa bao giờ trở lại để hoàn thành chương trình học ở Stanford.
Musk và em trai Kimbal đã lấy 28.000 USD của bố và khởi nghiệp Zip2, một startup web cung cấp các hướng dẫn du lịch trong thành phố cho các tờ báo như New York Times và Chicago Tribune.
Sau đó, Compaq đã mua lại Zip2 với giá 341 triệu USD tiền mặt và cổ phiếu, và Musk kiếm được 22 triệu USD từ vụ này.
Sử dụng 10 triệu USD từ số tiền kiếm được sau vụ bán Zip2, Musk khởi nghiệp X.com, một công ty ngân hàng trực tuyến, vào năm 1999. Sau khoảng 1 năm, X.com sáp nhập với Confinity, một startup về tài chính có Peter Thiel là đồng sáng lập, để thành lập công ty mới tên là PayPal.
Musk làm CEO của PayPal. Nhưng không được lâu, vào tháng 10, anh có cuộc chiến lớn với các nhà sáng lập PayPal và buộc họ phải chuyển máy chủ từ hệ điều hành miễn phí Unix sang Microsoft Windows.
Cuối năm 2000, Musk có chuyến nghỉ đầu tiên dài ngày. Trong khi cuộc chiến vẫn đang diễn ra, ban giám đốc PayPal đã sa thải Musk và đưa Thiel làm CEO mới. Nhưng mọi thứ lại tốt đẹp với Musk – anh là cổ đông cá nhân lớn nhất của PayPal, và nhận về 165 triệu USD trong số tiền 1,5 tỷ USD mà eBay trả cho PayPal vào cuối 2002.
Ngay cả trước khi PayPal bị bán, Musk đã lao vào một cuộc chiến mới. Anh bị thuyết phục với kế hoạch điên rồ, đưa chuột và cây cối lên sao Hỏa. Anh còn cố mua tên lửa Soviet để thực hiện mục đích đó. Nhưng các công ty Nga đòi 8 triệu USD/tên lửa, và Musk nghĩ anh có thể tự làm tên lửa với giá rẻ hơn. Vì thế vào đầu 2002, Musk đã sáng lập công ty rất nổi tiếng hiện nay, là Space Exploration Technologies, hay SpaceX. Mục tiêu của Musk là xây dựng các quy trình giúp các chuyến bay vào vũ trụ rẻ hơn.
Sản phẩm đầu tiên của SpaceX là tên lửa Falcon 1 và 9 và Xpacex Dragon. Những tên gọi này chính là ý đồ của Musk chống lại những kẻ ghen ghét nói với anh rằng SpaceX sẽ không bao giờ đưa được tên lửa vào vũ trụ. Mục tiêu lâu dài của Musk là khiến giá của việc lên, sống trên sao Hỏa rẻ hơn.
Nhưng Musk vẫn còn vô số việc bận rộn trên trái đất. Năm 2004, anh đầu tư 70 triệu USD vào Tesla Motors, công ty xe điện có đồng sáng lập là một nhà lãnh đạo startup lão luyện Martin Eberhard.
Musk làm giám đốc sản phẩm sáng tạo và là Chủ tịch công ty. Anh giúp phát triển mẫu xe điện Tesla Roadster, chiếc xe đầu tiên của công ty, ra mắt năm 2006.
Dường như vẫn chưa đủ, năm 2006, Musk lại lên ý tưởng về SolarCity, một công ty năng lượng mặt trời được thành lập để chống lại xu hướng nóng lên trên toàn cầu. Năm 2016, Tesla thâu tóm SolarCity với giá 2,6 tỷ USD.
Nhưng mọi thứ không suôn sẻ tại Tesla. Năm 2008, khủng hoảng tài chính xảy ra và Musk phải rót thêm 40 triệu USD vào Tesla, vay nợ 40 triệu USD để cứu công ty khỏi phá sản. Cũng trong năm nay, anh được bổ nhiệm làm CEO Tesla.
Musk đã miêu tả 2008 là “năm tồi tệ nhất cuộc đời tôi”, vì Tesla tiếp tục thua lỗ, SpaceX gặp khó với việc phóng tên lửa Falcon 1. Năm 2009, Musk gần như phải xoay xở vay nợ để sống sót.
Cũng trong thời gian này, Musk tiến hành ly hôn với Justine Musk, một nữ văn sĩ người Canada, họ đã có với nhau 6 con trai.
Vào thời điểm Giáng sinh năm 2008, Musk có 2 tin tốt lành. SpaceX ký được hợp đồng 1,5 tỷ USD với NASA và Tesla cuối cùng cũng đã có thêm các nhà đầu tư bên ngoài.
Tháng 6/2010, Tesla tiến hành IPO trị giá 226 triệu USD – đây là công ty xe hơi đầu tiên IPO kể từ vụ IPO của Ford năm 1956. Lúc đó, Musk bán cổ phiếu trị giá 15 triệu USD.
Đời sống riêng tư của Musk cũng vô cùng ly kỳ. Năm 2008, anh bắt đầu hẹn hò với nữ diễn viên Talulah Riley, họ kết hôn năm 2010 và ly hôn năm 2012.Tháng 7/2013, họ tái hôn. Tháng 12/2014, Musk đệ đơn ly hôn nhưng sau đó lại rút đơn. Và tháng 3/2016, Riley đệ đơn ly hôn.
Musk dường như không thể ngừng nghĩ ra các ý tưởng mới. Dù đã dấn thân vào nhiều lĩnh vực như điện mặt trời, xe điện, sao Hỏa, Musk vẫn đang nghiên cứu cái anh gọi là Hyperloop, một hệ thống giao thông có thể đưa bạn đi từ Los Angeles đến San Francisco trong 30 phút.
Cuối năm 2015, Musk lại tiết lộ OpenAI, một tổ chức phi lợi nhuận mà anh đồng sáng lập để nghiên cứu nhằm đảm bảo trí tuệ nhân tạo sẽ không phá hủy loài người. Anh rất lo ngại về vấn đề này.
Dường như vẫn chưa đủ, Musk còn ra một liên doanh mới là Neuralink, có nhiệm vụ cấy ghép máy tính vào bộ não con người. Anh xem đó là một cách để con người chống lại mối đe dọa từ trí tuệ nhân tạo.
Hoàng Hà